Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Người dân bắt đầu rời hang đá!


Đứa con trai 15 tháng tuổi nhỏ thó. Mắt nhắm nghiền cuộn tròn trong vòng tay mẹ. Người mẹ đôi mắt trũng sâu, thân hình rũ rượi nhìn con ngơ ngác. Xót con bị bệnh mấy ngày nay nhưng chị chẳng biết làm sao? Cả cái xã này đang bị bệnh tật hoành hành tránh sao con chị… Nghĩ thế chị lại câm lặng…
Ca nô cứu trợ cập bên nách hang đá. Hàng chục người dân nháo nhào xô đẩy. Thức ăn đối với họ bây giờ cũng quý, nhưng làm thế nào để đưa người thân ra Trung tâm huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) mới cấp thiết. Ôm đứa con ngồi trên ca nô, đôi mắt chị Đinh Thị Diên (xã Tân Hóa) sáng lạ. Phía sau chị dòng nước đục ngầu tung tóe…

Nhìn con mà đứt ruột
Đường vào xã Tân Hóa nước vẫn ngập. Những nóc nhà le lói mới hé lên trên mặt nước. Nếu không có người hướng dẫn  thì ít ai biết được trước mặt mình là xóm là làng. Biển nước mênh mông đã “xóa sổ” đi một xã miền núi của huyện Minh Hóa. Để sinh tồn, hàng ngàn người dân đã leo mái nhà trụ sở xã, trường học và trạm xá…
Số khác lại phải vào hang, leo núi lánh nạn. Khu vực lèn Hang Voi vốn chông chênh, nay người dân dựng lều bạt ở tránh lũ lại trở nên “nhộn nhịp”. Những chiếc cọc tre dựng tạm, những chiếc bạt to lợp vội; chiếc chiếu, chăn cũ kỹ cũng trở thành “tấm bình phong” cho Tân Hóa!

Những chuyến hàng cứu trợ đã đến. Sự sống đã có thể cầm cự qua ngày. Nhưng dịch bệnh lại khiến cho hàng ngàn con người trên núi bất an. “Con bị sốt rồi tiêu chảy mấy ngày nay nhưng chẳng có thuốc men. Đêm lại thức trắng nhìn con. Con kiệt sức theo từng dây mà đứt ruột…”, ngồi trong túp lều ôm con trong lòng chị Diên than thở.
d
Anh Tuyên, chị Diên mừng khôn xiết khi con mình được ra huyện chữa bệnh

Hỏi chị đã ăn chưa? Chị bảo không đói! Có lẽ đối với chị đói khát chẳng có ý nghĩa gì. Chị chỉ mong có người vào để đưa con chị ra bệnh viện chữa trị. Nói chuyện nhưng đôi mắt chị nhìn xa xăm, phía có những chiếc ca nô mang theo hàng cứu trợ sẽ đến.
Bỗng chị như giật mình. Cả một vùng khu vực Hang Voi nháo nhác. Ai đó bảo: Ca nô. Ca nô… Tiếng nói như vỡ òa, nức nở… Trong số đông chạy ra ca nô có chị Diên.

Chị ôm đứa con thơ vào lòng luýnh quýnh leo lên ca nô. Máy nổ! Ca nô chạy, bắn lại phía sau những vệt nước đục ngầu.

“Chỉ mong được gặp con"


Đang công tác ở Thừa Thiên Huế, nghe quê nhà có lũ, anh Cao Kế Tuyên (xã Tân Hóa) như ngồi trên chảo lửa. Quê nhà, đứa con trai mới hơn 20 tháng tuổi, mẹ già lại bạo bệnh. Nghĩ thế lòng anh thấy bất an, nháo nhào về quê.

Xe từ Huế chạy ra Ba Đồn chỉ mất 4 tiếng đòng hồ, con từ Ba Đồn lên Tân Hóa sao mà xa quá. Khắp nẻo đường về Quảng Trạch, Minh Hóa ngập lụt. Xe ô tô làm sao đi nổi. Ngày 6/10, anh Tuyên mới có mặt tại Tân Hóa. Anh không thể ngờ, lụt lại hoành hoành quê nghèo tan tác đến thế. Khắp nơi chỉ thấy nước là nước.
 
d
Mỗi lúc ca nô cứu trợ tới, người dân ở Hang Voi lại mong mỏi, đợi chờ

Lần mò hỏi thăm mọi người ở trung tâm xã Tân Hóa, anh Tuyên biết, con mình và gia đình đã cùng người dân vào Hang Voi lánh nạn. Tìm con, thấy con và chứng kiến con bị bệnh khiến anh đứng như trời trồng. Đứa con bé bỏng, khỏe mạnh hôm nào chỉ mấy ngày bệnh mà đã gầy gò, nheo nhóc.

“Con nằm trong căn lều tuềnh toàng. Những chiếc chăn cũ kỹ, bẩn thỉu. Mắt nhắm nghiền… mà tôi chẳng cầm lòng được. Xung quanh, bà con mình cũng thế. Trách chi ai đâu? Chỉ mong con được cứu chữa mà thôi…”, anh Tuyên ngồi bó gối nhìn con mà não nề. May thay cũng như con chị Diên, con trai anh Tuyên cũng kịp thời rời khỏi hang đá theo ca nô về Trung tâm huyện chữa bệnh.

Đi đói, về bệnh
Anh bạn đồng nghiệp ngoài thị trấn Quy Đạt bảo: Những chiếc ca nô vào Tân Hóa bây giờ hoạt động hết công suất. Khi vào thì mang theo mì tôm, lương khô, nước uống. Lúc ra lại chất đầy những người bệnh. Bạn nói: Đi đói, về bệnh!

Chứng kiến tại đây mới thấy, hàng ngàn con người đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất. “Bão dịch mắt đỏ, tiêu chảy, sốt” lại tiếp tục tấn công người dân vùng lũ. Hàng chục em nhỏ bị mắc bệnh tiêu chảy, trở nên xanh xao và đuối sức sau một tuần ròng rã thiếu trầm trọng nước sạch…

Cùng chung với cảnh thê thảm của người dân, tại Hang Voi ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho rằng do điều kiện vệ sinh kém đã dẫn tới tình trạng dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Mỳ tôm đã tạm đủ, nhưng người dân sống trong hang đá, trên mái nhà Tân Hóa thiếu nước sạch, muối ăn…
 
d
Người dân trú trong lán trại trên núi ngóng những chuyến hàng cứu trợ

“Phương tiện đi quá hạn chế (chỉ có 4 canô loại nhỏ phục vụ công tác cứu trợ ở Minh Hóa). Nước đóng chai đưa vào chưa đủ uống. Ở một số lèn, lán cạnh nước khe trên núi chảy về, cán bộ huyện đã hướng dẫn người dân hứng nước, pha với clo để tẩy trùng và dùng sinh hoạt...”, ông Bình cho hay.

Trước tình hình đó, mỗi lần vào cứu trợ những chiếc ca nô lại đem cả bọc nhiều loại thuốc trị những bệnh thường gặp như tiêu chảy, kháng sinh, thuốc cảm… Giao cho một người biết sơ về thuốc trong nhóm phát cho mọi người tùy theo bệnh. Khi trở ra các ca nô chở hàng trăm lượt ca bệnh nhân chủ yếu là người già và trẻ em về bệnh viện huyện chữa trị…

Người dân bắt đầu rời hang đá
Chiều ngày 7/10, trao đổi với PV Bee, ông Đinh Minh Chất-Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) cho biết hiện trên địa bàn chỉ có tại xã Tân Hóa đang bị ngập. Tuy nhiên đến 17h chiều cùng ngày nước đã giảm.

"Khả năng trong ngày mai (tức 8/10) nước sẽ tiếp tục giảm. Người dân sẽ thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Công tác cứu trợ, cứu đói cho dân đến nay đã tạm ổn. Vấn đề dịch bệnh sau lũ cũng khiến chính quyền đau đầu…”, ông Chất cho hay.

Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét