Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Bài cuối: Tình ết!

“Ết” ơi… đừng tuyệt vọng ?

Con đường mòn mà Vinh-Quyên cùng đồng nghiệp thường đi!
Vinh Quyên-“vợ chồng  ết” không những chiến thắng bệnh tật vươn lên sống hạnh phúc mà còn dang tay giúp những người cùng cảnh ngộ. Hàng ngày anh chị và “đồng nghiệp” đã đi khắp các ngõ ngách nhặt nhạnh hàng trăm chiếc kim tiêm còn sót lại, chỉ cho “bạn bệnh” biết cách hạn chế, kìm hãm sự phát triển của căn bệnh HIV… Cùng với họ đến những “điểm đen” hút chích, tôi hiểu những nạn nhân ết họ không bao giờ tuyệt vọng…

Chúng tôi đến trạm xá thị trấn Quỳ Hợp-nơi “đóng quân” của những người bị nhiễm HIV khi cơn mưa rừng vừa ngớt. 1 giờ chiều, vợ chồng Vinh Quyên chưa đến, chị nhân viên trực cho hay: “Anh chờ một lát. Vợ chồng Vinh quyên sẽ đến ngay thôi. Ngày nào họ cũng đến đây “làm việc”… 

"Vua mỳ tôm"... xứ Nghệ!

Khuôn mặt của Nguyễn Thế Kinh (phường Quán Bàu, Tp Vinh, Nghệ An) cũ như hiện vật trong bảo tàng. Xa áo lính, ông chấp nhận làm thuê rồi học lỏm và thành “vua mỳ tôm, bột canh” ở xứ Nghệ một thời. Giờ thì người đời không bảo ông là kẻ khùng, người điên như hai chục năm trước.

“Học lỏm” từ 2 chỉ vàng…

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Bài 3: Tình ết!

Cổ tích tình yêu trong “ngôi nhà ết”!

Tình yêu đã đến với Vinh-Quyên
Chị vượt qua nỗi đau chồng, con mất, mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV quyết sống có ích; anh mạnh mẽ dũng cảm nhận ra “vết trượt cuộc đời” của mình để hướng thiện… Hai số phận đớn đau đến tội nghiệp ấy đã gặp nhau và tạo nên câu chuyện tình yêu diệu kỳ khi đang đối diện, chống chọi với “thần chết”…

Hướng thiện sau 10 năm “nhúng chàm”…
Biết, chơi và thực sự “say đắm” với ma tuý có “số, má” trong giới giang hồ; đặc biệt nhất là từ khi Nguyễn Thành Vinh biết mình  có thể “chết” bất cứ lúc nào vì “dính chưởng ết” thì ít ai nghĩ cậu có thể “quay đầu”. Hơn 10 năm “ngang dọc” đã luyện cho cậu bản tính lì lợm, thà chết chứ không chịu đầu hàng. “Thực sự cai nghiện đối với tôi chả có nghĩa lý gì. Tôi không còn thiết sống thì cai mần chi. Và sống hẳn có ích gì…”, Vinh nói về những ngày tháng tuyệt vọng. Vậy nhưng những lúc tĩnh tâm ở những trại nghiện Vinh lại nghĩ nhiều tới gia đình, tới bố mẹ. Và năm 2002 vợ Vinh sinh một cháu gái đầu lòng khoẻ mạnh, Vinh mới thấy mình thật may mắn.  Dường như dòng máu hướng thiện bắt đầu trỗi dậy trong cơ thể cậu. Khiến cho những ngày tháng đó  cậu hay nghĩ đến con gái. Thấy “thèm” được sống.

Năm 2003, Thành Vinh lại bị bắt đi cai ở Lèn Dơi (Nghi Lộc-Nghệ An). Tưởng Vinh sẽ biết ăn năn, nhưng sau 9 tháng cai nghiện rồi ra trại, cậu lại tiếp tục theo “lối mòn”. “Tôi thấy mình thật mâu thuẫn. Lúc tôi thấy cuộc đời thật đẹp. Mình đã trở thành người bố. Nhưng lúc lại nghĩ ngày mai mình sẽ chết hẳn sống để làm gì. Nghĩ thế khiến cho mọi quyết tâm của tôi tan biến. Rồi lại theo bạn bè hút chích…”, Vinh nói về những ngày khó khăn nhất của cuộc đời mình. 
Chuyện với PV (Áo trắng), vợ chồng Vinh Quyên vẫn niềm nở!



Vết trượt  dài của Vinh kéo dài đến 3 năm sau. Khoảng tháng 2 hay tháng 3 năm 2006, bố mẹ quyết tâm đưa Vinh lên Anh Sơn cai nghiện. “Ông bà cứ nghĩ đưa lên đây sẽ rời xa được môi trường, bạn bè xấu. Hơn nữa trên thì thì có tiền cũng không biết mua thuốc ở mô. nhiều lúc nằm tui nghĩ: Mình thì còn đếch gì nữa. Sống không bằng chết. Hơn 10 năm chơi bời phá phách còn gì. Con gái cũng đã được 4 tuổi. Cứ nghĩ sau này nó đi học, bạn bè có hỏi về người bố này cũng tội cho con. Nghĩ thế mà tui cứ trằn trọc mãi. Rồi tui quyết tâm cai nghiện…”, Vinh tâm sự. Sau khi cai nghiện trở về thì vợ chồng Vinh li dị. Đây là khoảng thời gian cực kì “sốc” đối với Vinh.

Điều kỳ diệu của tình yêu
Và như chợt nhận ra cuộc sống thực tại thật đẹp, Vinh kể cho tôi nghe câu chuyện tình yêu của mình cũng với một “cô dâu ết”. Thực sự tôi bất ngờ khi trước mắt mình là một cặp vợ chồng mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Cả hai con người này cũng đã từng qua một lần đò; cũng cùng chịu chung một sự bất hạnh. Chỉ khác là cái cách mà họ đến với “ết” khác nhau. Nhìn nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc và đầy tự tin của họ khi nói về số phận của mình mới hay cuộc đời thật đẹp. Nhìn họ tôi nghĩ không có bệnh tật nào có thể khiến họ gục ngã. Vinh tự tin, không có vẻ ái ngại khi nói về quá khứ của mình. Ngồi bên cạnh, luôn nở nụ cười rạng rỡ Ngô Thị Quyên mê đắm nói đến hạnh phúc  riêng tư của họ.    

   … Ngày ấy Vinh còn nhớ như in. Anh thực sự muốn sống nên mới tìm đến thuốc kìm hãm sự phát triển của căn bệnh HIV. Rồi anh được tham gia một khoá tập huấn, điều trị ngắn hạn về căn bệnh HIV ở TX Cửa Lò (Nghệ An). Giữa những số phận nghiệt ngã, Vinh bắt gặp ánh mắt hút hồn của cô gái miền sơn cước. Sẵn có tính “lãng tử”, Vinh đến gần cô gái để chuyện trò. “Thì tôi cũng đến hỏi han về cô ấy. Rằng tại sao lại bị bệnh… thế thôi… Không ngờ…”, nụ cười mãn nguyện như ông lão đánh cá vớt được con cá vàng, Vinh hóm hỉnh nói về quá trình chinh phục tình yêu của mình.
        “Xã hội nên tạo điều kiện cho họ sống hạnh phúc”!
Bà Phan Thị Trí
Bà Phan Thị Trí-Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp: “Mình mừng cho họ vì họ đã tự nguyện đến với nhau. Và bằng tình yêu thực sự. Mình cũng mong muốn họ hạnh phúc. Xã hội nên tạo điều kiện cho họ sống thực sự hạnh phúc…”.

… Buổi đó, vượt lên nỗi đau mất con mất chồng, lại mang trong mình căn bệnh “ết” cô giáo mầm non Ngô Thị Quyện đã tự tin sống và chiến đấu với bệnh tật. Phải rất lâu lắm cô mới chấp nhận một thực tại rằng mình bị căn bệnh quái ác. “Cũng đã có những phút tôi nghĩ đến cái chết. Nghĩ mình sống để làm gì. Nhưng thấy như thế thật tồi tệ. Lúc đó trên địa bàn Quỳ Hợp cũng có một số người khác cũng bị bệnh. Tui cứ nghĩ mình có tội gì đâu. Mình phải sống chứ...”,  cô giáo Quyên nhớ lại. Rồi thời gian thắm thoắt thoi đưa, Quyên tham gia vào một nhóm đi tuyên truyền vận động những người có cùng cảnh ngộ. Và cô đã gặp Thành Vinh. Với cách nói chuyện có duyên trong khoảng thời gian ít ỏi chờ khám bệnh phát thuốc họ đã đồng cảm về nhau. Sự đồng cảm của những nạn nhân “ết”.

“Thực sự lúc đó chúng tôi không nghĩ mình sẽ có tình yêu. Mà chỉ là sự cảm thông. Quyên một cô gái đầy bất hạnh. Cô chả có tội tình già cả. Nhưng cuộc đời nghiệt ngã đã cướp đi của cô những gì quý giá nhất. Quyên thực sự là động lực để tôi thấy quý cuộc đời. Cuộc đời tôi khác xa một trời một vực với cô. Tôi sướng quá hoá hư, còn Quyên chỉ toàn đớn đau. Những ngày sau khi gặp Quyên tôi mới thấy mình quý cuộc sống biết nhường nào…”, Thành Vinh nói về Quyên như một “liều thuốc hồi sinh”. Phút gặp gỡ giữa hai nạn nhân ết ấy tưởng như cơn gió thoảng qua. Ấy vậy mà đã làm nên điều kỳ diệu. Những ngày sau đó, Thành Vinh quen dần với việc mình phải dùng thuốc để điều trị. Và mỗi lần như thế anh lại nghĩ đến Quyên. Sau lần gặp gỡ ấy, họ có đôi lần “tái hợp”, chuyện trò ngay ở Vinh. Để rồi đến khoảng tháng 4/2007 đùng đùng Thành Vinh chuyển lên đất Quỳ Hợp sinh sống để được gặp Quyên nhiều hơn. Và họ đã yêu nhau trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Hạnh phúc thực mà như mơ!
“Gia đình tôi  phản ứng mạnh lắm. Trong nhà có một người “ết” đã khổ rồi còn rước chi một người nữa. Rồi hai con người cùng mắc bệnh ết sẽ sống sao đây. Nhưng tôi không thể không có Quyên…”, Thành Vinh bảo. Bất chấp sự can ngăn của mọi người, dám đón nhận khó khăn trước mắt hai con người bệnh tật đã đi đến hôn nhân. Khoảng tháng 6/2007 thì Vinh Quyên quyết định kết hôn. Đám cưới của họ thật đặc biệt. Nhà chú rể ở TP Vinh nên “tiệc cưới’ của họ sẽ diễn ra ở nhà họ gái ở làng Lè xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Đám cưới không có nhạc nhưng có sự góp mặt đông đủ của mọi người. Phía họ nội mặc dù trước đó phản ứng kịch liệt nhưng bố mẹ, chị em gái vẫn lên mừng hạnh phúc cho Vinh. Phía nhà gái còn có thêm sự góp mặt của bố, anh trai chồng cũ của Quyên. Thành phần bạn bè của cô dâu chú rể không thể thiếu đó là những người cùng cảnh ngộ với cô dâu chú rể như mắc bệnh “ết” và nghiện. Hiếm có một đám cưới nào lại cảm động và “lạ” đến thể!

Nhận những lời chúc tụng mừng hạnh phúc cho đôi “tân lang”, Quyên không thể nào nghĩ mình lại có ngày này. Trước đó cô đã phó mặc tất cả cho số phận, cô cứ nghĩ mình như chiếc lá vô tình dòng nước cuốn trôi lúc nào không hay, lúc lại nghĩ mình như bong bóng nước vụn vỡ tan giữa cuộc đời. Giờ đây có Vinh sát cánh cô đã đứng lên để giành lại cuộc đời. Sau đám cưới, bố mẹ chú rể đã xây cho “vợ chồng  ết” một căn nhà ba gian với đầy đủ tiện nghi ngay ở xã Châu Quang. Hàng tháng ông bà còn chu cấp tiền cho anh chị lo phần thuốc men. Hạnh phúc thực sự và hiện rõ trên khuôn mặt của cặp vợ chồng Vinh Quyên khi ngồi chuyện trò với chúng tôi.

Những lời tâm sự từ cõi lòng của Thành Vinh khi chia tay chúng tôi thật cảm động. Anh bảo: “Người ta thì tìm mọi cách để được sống ở Thành phố. Còn tôi sướng không chịu, lại lên rừng thiêng sinh sống, làm một lão nông tri điền thực sự. Sớm cũng 5 giờ sáng dậy ra đồng. Chiều cùng vớí con trâu ra đồng có lúc đến 7 giờ tối cũng chưa về. Cũng gặt hái như ai. Vừa rồi ông bà ngoại cho 2 sào ruộng và vợ chồng tôi nuôi thêm 2 con trâu…”.
Từ nhỏ có khi mô cày cấy sao anh biết làm?

Thành Vinh nhìn vợ cười. Nụ cười thật rạng rỡ nói: Thì làm rồi quen đi. Mà tôi cũng không làm được nhiều. Vì những lúc đó tôi hay bị ra mồ hôi... Lúc này tôi mới choàng tỉnh nghĩ mình đang chuyện trò với cặp vợ chồng đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ: Căn bệnh lấy đi cuộc đời nhiều điều nhưng đã hồi sinh cho cuộc sống này thật lắm điều kỳ diệu…
 Trọng Đức

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Bài 2: Tình ết!

Cuộc đời đầy sóng gió của “cô dâu ết”!

Quyên không có vẻ mình mang căn bệnh  "ết"!
Đứa trẻ bụ bẫm cất tiếng khóc chào cũng là lúc Ngô Thị Quyên (SN 1977) ở làng Lè xã Châu Quang (Quỳ Hợp-Nghệ An) tuyệt vọng. “Giấy báo tử” trao tay cô quá bất  ngờ khi biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Từ khoảng 7 đến 10 tháng sau đó, con và chồng lần lượt ra đi cũng là lúc cô không còn thiết sống trên cõi đời này nữa. Niềm vui chưa tày gang nhưng sóng  gió cuộc đời đã vội vùi dập lên bông hoa rừng tinh khôi…

Em mơ làm cô nuôi dạy trẻ!
Ngồi trước mặt tôi là Quyên bằng xương bằng thịt-một nạn nhân (Tôi gọi những người nhiễm HIV là nạn nhân) của căn bệnh AIDS. Cô không đẫy đà mà nhỏ thó nhưng rắn rỏi và đầy sức sống. Cô không đẹp nhưng đôi mắt to tròn làm Quyên trở nên sắc sảo. Tôi đồ rằng trước đây cô đã khiến cho rất nhiều người đàn ông phải xiêu lòng. Gần 5 năm chinh chiến với căn bệnh “ết” cô không gục ngã mới là là lạ nói chi đến chuyện “đẹp”.


Quyên rất cởi mở nói về cuộc đời mình. Một cuộc đời bất hạnh mang tên làng Lè nơi cô sinh sống. “Tuổi trẻ của em cũng đẹp lắm chứ. Em luôn mơ làm cô giáo nuôi dạy trẻ. Được vui vẻ bên các em nhỏ. Nhìn nụ cười chúm chím trên môi các em là tui vui rồi…”, Quyên tâm sự.

Học hết phổ thông vì một số điều kiện, Quyên không theo đi  ngành học ở xa. Sẵn có ước mơ từ lâu, cô theo học một lớp đào tạo giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Một thời gian sau khi hết khoá học, cô được nhận vào làm giáo viên mầm non ở xã Châu Quang. Cầm quyết định trong tay cô mừng lắm. Có sắc lại có việc làm, bấy giờ cô được rất nhiều chàng trai chú ý. Bỏ qua tất cả những lời bàn, Quyên yêu một anh lái xe. Người yêu  cô cũng là người ở huyện Quỳ Hợp.
Tình yêu của cô giáo thôn quê say đắm lắm. Năm 2002 họ đi đến hôn nhân. Lễ thành hôn của họ vui lắm. Hạnh phúc ngọt ngào hơn khi gia đình biết Quyên có thai. Đứa con đầu lòng chào đời với bao kỳ vọng của mọi người. Cũng thời gian này, Quyên phát hiện chồng mình nghiện ma tuý. Cô thấy sóng gió đã bắt đầu ập đến. Hạnh phúc gia đình mới đó mà rạn vỡ. Cô chỉ còn có con là niềm vui, là lẽ sống của cuộc đời mình…“Dường như cuộc đời em như một trò chơi. Đâu khổ, khổ đau và niềm vui ngắn ngủi bao giờ cũng như một cặp song sinh đến cùng một lúc…”, Quyên nói về thân phận mình như một định mệnh. 

Trong 3 tháng con và chồng ra đi vì “ết”! 
“Thì cũng biết mần răng. Anh ấy thì đi theo với những chuyến xe. Em bụng mang dạ chửa vẫn đến lớp, vẫn nghe những tiếng xì xào vợ thằng nghiện. Những lúc đó muốn tìm lộ đất mà chui xuống cho đỡ cực…”, Quyên kể về những ngày ảm đạm.


Danh sách "quýt làm cam chịu"!

Chợt cô như chùng dây lát. Tiếng thở dài khe khẽ trong lồng ngực như trấn tĩnh cô lại để nhắc đến sự bất hạnh. Mang tiếng chồng nghiện chỉ mới là bước khởi đầu của cơn “bão chấn”. Năm 2003, Quyên nhập viện và sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Niềm vui như vỡ oà xoá đi không khí u uất  bấy lâu. Giữa lúc tiếng cười, niềm vui chưa ngớt thì gia đình Quyên nhận được tin động trời. Rằng qua xét nghiệm, Quyên bị “dính ết”.



Lúc bấy giờ đấy là căn bệnh thế kỷ đáng sợ nhất mới nghe qua mọi người đã “sởn da gà”. Con số người nhiễm HIV ở Quỳ Hợp lúc bấy giờ cũng mới đếm trên đầu ngón tay. Việc một cô giáo mầm non mang trong mình căn bệnh “ết” là một cái gì đó ghê gớm lắm, khó có thể gột rửa được. “Em cứ mông lung chả hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đầu lúc nào cũng ù ù. Lúc đấy cái chết là nghĩ loé lên đầu tiên.



Vì em không nghĩ mình sẽ đối diện ra sao đây với sự thật. Còn bạn bè, đồng nghiệp rồi làng xóm, xã hội, họ sẽ nhìn mình ra sao? Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà không muốn nghe câu trả lời khiến em sống mà như đã lài khỏi cõi này…”, nói lại cái thời khắc nhận giấy “báo tử” đối với Quyên thật nặng nề.



Điều lạ là bị lây bệnh từ chồng nhưng khí phát hiện Quyên bị “ết” thì chồng cô mới hay. Mặc dù bác sỹ đã khẳng định nhưng Quyên vẫn không tin đó là sự thật. Cô đã cùng người thân ra Hà Nội để kiểm tra với hi vọng đó là “sai sót nghề nghiệp”. Cầm giấy xét nghiệm máu dương tính trên tay của bệnh viện cô suy sụp hẳn. Trở về nhà cô chả thiết sống nữa. 7 tháng sau khi sinh đứa con trai đầu lòng qua đời. Niềm  hi vọng cuối cùng của cuộc đời cũng đã bị “thần chết” cướp đi.

Cuộc đời Quyên như địa ngục. Đau đớn chưa dừng lại ở đó, 3 tháng sau khi con mất người chồng của Quyên cũng qua đời vì “ết”.


Mang trong mình căn bệnh HIV, chồng con đã ra đi, nỗi đau quá lớn đối với người phụ nữ chưa đầy 30 tuổi. Một người vợ goá mang trọng bệnh. Còn nỗi đau nào hệt đớn đau như thế. Sóng gió cuộc đời chả chừa một ai. Chỉ tiếc là thân phận bất hạnh lại rơi vào gia đình của một cô gái quá trẻ. Cô sẽ sống sao đây khi không còn gì để bấu víu.

“Thực sự lúc đó em không còn biết làm gì là đúng nữa. Chồng, con, công việc phút chốc chỉ còn là dĩ vãng. Thà gặp hoạ mà chết tức tưởi còn khoẻ hơn. Nhưng ông trời đã bắt hành hạ em phải chết từ từ. Chết tuyệt vọng…”, đôi mắt trân trân nhìn vào khoảng không Quyên than thở.


“Quýt làm cam chịu”!
Anh Nguyễn Văn Đoá-CTV đắc lực tuyên truyền phòng chống căn bệnh thế kỷ AIDS cho hay: “Hiện tại theo dang sách chúng tôi có thì ở Quỳ Hợp hiện có đến 44 người bị nhiễm HIV. Trong đó số đã chết cũng hơn một nửa. Đáng thương nhất là những trường hợp mà chồng lây sang vợ…”. Vừa nói anh Đoá lần chiếc sổ cũ kỹ ghi chép những người “dính ết”.

Quyên và đồng nghiệp sống và sống tốt cùng cộng đồng bảo vệ HIV


Nhìn đôi tay người CTV này lần mò từng hàng, dòng tên một tôi cảm thấy lạnh người. Bởi trong số này lứa tuổi từ 19 đến 30 chiếm đa phần. Nhiều nạn nhân ra đi khi tuổi chưa đầy 20 tuổi, hay khi đang còn là học sinh. Có gia cảnh cả vợ chồng đều mắc bệnh, đứa con bơ vơ lạc lõng trên cõi đời này.


Vợ chồng Nguyễn Thị Hằng (Hơn 30 tuổi) ở thị trấn Quỳ Hợp ra đi vì căn bệnh “ết” đã để lại đứa con thơ. Nghiệt ngã đến với Hằng khi chồng nghiện hút chích và dính HIV. Năm 2002, Hằng phát hiện mình cũng bị nhiễm bệnh từ chồng. May mắn thay đứa con của họ lúc bấy giờ vừa tròn 1 tuổi vẫn khoẻ mạnh, bình thường. Năm 2003  người chồng ra đi, Hằng suy sụp hẳn. Bốn năm sau Hằng cũng đã ra đi vì “ết’ để lại con cho bà nội nuôi. Đau đớn hơn phía bên nhà chồng có O và dượng cũng mất vì căn bệnh “ết”.


Đến Quỳ Hợp, tôi đã phải chứng kiến nhiều câu chuyển thảm thương như số phận của Hằng và Quyên. Nhưng người phụ nữ hiền lành, xinh đẹp suốt ngày chỉ biết vun đắp cho gia đình hạnh phúc. Lòng tốt của họ được “đền đáp” bằng căn bệnh “ết’ mà người chồng trao cho.


Ở đó họ đã sống và chiến đấu, dám đối đầu với bệnh tật. Sống chung với những lời kỳ thị của xã hội. Quyên và những người bạn của cô thật sự bản lĩnh. Chính bản chất đó đã làm nên điều kỳ diệu trong “ngôi nhà ết” ở thị trấn Quỳ Hợp. Tình yêu lại cháy giữa những số phận nghiệt ngã. Mới thấy cuộc đời thật đẹp. Mà cặp vợ chồng Vinh Quyên mới là “nhân vật chính” của câu chuyện cổ tích tình yêu ấy…

Năm 1981 lần đầu tiên tại Hoa Kỳ người ta phát hiện 5 nam thanh niên có quan hệ đồng tính luyến ái bị viêm phổi nặng và tử vong do suy giảm miễn dịch. Đó là những bệnh nhân đầu tiên trên thế giới chết vì AIDS. Năm 1983, tại viện Pasteur (Pari) nước Pháp lần đầu tiên người ta phát hiện ra vi rút và đặt tên là HIV. Ở Việt Nam ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990. Đến nay HIV phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới ở tất cả các nước. HIV không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt vùng lãnh thổ. Ở đâu có con người sinh sống thì ở đó hiện nay đều có HIV.
(Trích tài liệu tập huấn Nâng cao hiểu biết cho cán bộ ban chỉ đạo phòng chống AIDS các cấp về HIV/AIDS và cách phòng chống)
Trọng Đức

Đi đẻ trên đò!

Câu chuyện về sự sinh tồn trên đất lũ khiến tiếng khóc nhiều hơn là cười. 

"Mưa như dội bom, đêm núi ở một địa phương tỉnh Nghệ An không ánh điện. Khoảng sân mà lũ trẻ thường đá bóng chiều tà nay chỉ thấy nước là nước. Nước ngập đường, gần nuốt cây cột điện. Khuya khoắt, chị chuyển dạ rồi được mọi người đưa đến trạm xá trên chiếc xuồng độc mộc có nốc máy.

20 phút lênh đênh giữa cánh đồng trũng, chị “cập bến” trên bàn đẻ. 5 phút sau, tiếng trẻ khóc ré lên. Mưa vẫn không ngớt, người thân của chị mừng, cười trong tiếng thở dài nhè nhẹ!"

Thể xác tôi đã thuộc về người khác!

"Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy… Kể từ giờ phút này, ngày 20/2/2011, thể xác tôi thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”. Người viết bức thư này vẫn đang rất khỏe mạnh. Ông đã tự chọn đoạn kết cho mối tình với Y học

Nghiện Y học

Đến nhà (xóm Xuân Định, xã Nghi Đức, TP. Vinh), chúng tôi được gặp một người đàn ông 53 tuổi, áo sơ mi trắng, cavat sọc chéo xanh, xám, bộ vét màu tro. Trông ông nhã nhặn, nghiêm túc và khỏe mạnh.

“Ngày trẻ tôi thích học y lắm. Cứ thấy hình ảnh người bác sỹ trẻ khoác chiếc áo Blu trắng tôi lại thèm. Năm cấp 3 tôi nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Y Hà Nội”, nói đến đây thạc sỹ Nam im lặng giây lát.

Rồi ông bảo: "Thi xong trường Y, đang chờ kết quả thì có trường về tuyển công an. Tôi đậu. Thương con sau này vất vả, và thích nghề giáo nên bố ông đã xin cho ông chuyển sang ngạch sự phạm ở Trường Đại học Sư phạm Vinh (hiện là Đại học Vinh). Tôi đã chọn ngành Sinh học cho “gần gũi” với bác sỹ". 


Thạc sỹ khoa học Lương Hoài Nam.
Thạc sỹ khoa học Lương Hoài Nam.

Dẫu vậy nỗi “thèm thuồng” làm bác sỹ vẫn cứ bám riết lấy ông trong mỗi giấc ngủ. Đang học năm thứ nhất Trường Đại học sư phạm Vinh, ông Nam nộp đơn thi vào Trường Đại học Y.

Điểm thi ở đúng trường ĐH Sư phạm Vinh ông đang theo học. Ngày làm "sỹ tử", ông đã hóa trang rất kỹ. Nhưng một giám thị của trường nhận ra cậu học trò "đi thi trộm".

“Lúc bấy giờ, nhà trường đã họp lên họp xuống nhiều lần xem có đuổi học tôi không. Lúc đó việc một sinh viên được theo học nhiều trường không phải dễ dàng như bây giờ” - ông Nam kể lại đầy nuối tiếc.

Chàng sinh viên U50

Hỏi ông sau cái chuyện đi “lăng nhăng, bồ bịch” ấy ông có bị đuổi học? Không nhận thấy tiếng thở dài trong ông nhưng lại có cái gì đó vướng bận.

Ông khoe may nhờ có giáo viêc chủ nhiệm lúc bấy giờ đã thuyết phục hội đồng nhà trường nhiều lần. Hơn nữa các thầy cũng hiểu được sự thích thú ngành Y của cậu sinh viên trường mình nên bỏ qua. 

Học xong và sau này trở thành nhà giáo ở nhiều địa điểm và nơi dừng chân gần nhất là Trung tâm giáo dục thường xuyên số 2 tỉnh Nghệ An nhưng hai chữ “ngành y” vẫn âm ỉ cháy trong tâm can của cậu sinh viên năm xưa.
Đơn xin hiến xác của ông Nam.
Đơn xin hiến xác của ông Nam.

“Tuổi ngày càng cao, khát vọng của mình vẫn ấp ủ. Khoảng năm 2008 tôi quyết định đi học để ngành Y. Nhiều ý nghĩ, cái liếc mắt, bĩu môi về chuyện “khác người” của tôi”, ông Nam tâm sự.

Và rồi những ngày sau đó, tại Trường Cao đẳng y tế Nghệ An (nay là Trường Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An), người ta lại thấy một người đàn ông luống tuổi học cùng giảng đường với bọn trẻ mà tính tuổi thì bằng con.

"Tôi thường bị nhầm là giảng viên" - ông Nam vừa cười vừa nói. Học xong Cao đẳng, ông Nam tiếp tục học lên Thạc sỹ. Ông đã bảo vệ thành công đề án thạc sỹ về cây thuốc dân tộc Thái vùng Tây - Bắc Nghệ An. 

Đoạn kết của “mối tình đầu” với y học!

Trước khi giới thiệu chúng tôi gặp thạc sỹ  Lương Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh Nguyễn Trọng Tài đã chần chừ. Ông điện thoại cho ông Nam.


 “Anh hiến mình là vì một nền y học của nước nhà tiên tiến. Với tư cách là những người thầy thuốc, chúng tôi rất cảm ơn trước nghĩa cử cao đẹp của anh Nam. Không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua được sức ép từ gia đình, dòng họ rồi quan niệm về tâm linh... để hiến tặng thể xác của mình.
Nhà trường sẽ làm một số thủ tục tiếp theo để phù hợp với luật pháp và tâm linh của người Việt. Mặt khác cũng phải làm thế nào để khai thác công năng tối đa đáp ứng được tình cảm của người cho. Nhà trường không chỉ có nhu cầu về một xác mà cần nhiều hơn nữa vì sự phát triển của cộng đồng, y học…” -

Tiến sỹ  Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh
Ông Tài kể: "Anh ấy đã suy nghĩ giây lát rồi nói: Tôi nghĩ cá nhân mình hiến xác là chuyện rất đỗi bình thường, là rất nhỏ nhoi. Nhưng hiện Trường đã lên  Đại học tôi nghĩ nhà trường không chỉ cần một xác mà cần rất nhiều. Nếu việc tuyên truyền mà kêu gọi được nhiều người cùng đóng góp cho y học nước nhà thì tôi đồng ý".
Rồi ông Tài trao cho chúng tôi là đơn tự nguyện kèm tấm  ảnh 4+6 và một số giấy tờ liên quan. Nét bút người đàn ông trạc tuổi ngũ thập bay lượn, cứng cỏi. 

“Vốn yêu thích nghề y nên từ nhỏ tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về ngành này. Tôi hiểu rất rõ giá trị của xác người trong việc nghiên cứu và học tập. Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy… Kể từ giờ phút này, ngày 20/2/2011, thể xác tôi thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”.

Ông đã lựa chọn như vậy. Hệ quả của khát khao tuổi trẻ, của sự theo đuổi ước mơ cống hiến cho y học. Ngay cả khi đã chết đi rồi.

Tôi biết, ông Nam đã thuyết phục vợ rằng: “Mình hiến xác là mình được sống mãi...”.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Bài 1: Tình ết!


Nụ cười HIV của Vinh
Đêm. Nhìn mưa qua ánh điện lờ mờ ngoài cửa sổ, Quyên lại nghĩ phận  mình như lá chiếc vô tình dòng nước cuốn đi, lúc hệt như bong bóng nước vụn vỡ tan giữa cuộc đời… Trưa nay, ngồi bên Vinh với sự có mặt đông đủ của họ hàng, bạn bè chứng kiến “lễ thành hôn”, cô ngỡ hạnh phúc thực mà như trong mơ. Dù “thần tình yêu” có hiện hữu cũng khó hình dung ra sự kỳ diệu trong buổi hợp hôn: chú rể, cô dâu và đến ngay cả khách mời cũng “dính” HIV…

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Ly hôn... giả cầy!

Đường làng lát bê tông láng mịn. Nhiều ngôi biệt thự có dáng vẻ cổ kính, to đùng. Nhưng trụ sở UBND xã thì ngược lại: "Cũng phình phường thôi". Đó là dáng vẻ của "xã tỷ phú" Cương Gián của huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) được dư luận biết đến như một con tàu về XKLĐ. Nhưng đó là con tàu buồn. Câu chuyện "ly hôn giả" mà người dân nơi đây gọi đùa là "ly hôn giả cầy" khiến cho vùng quê ven biển nổi những đợt sóng ngầm…  
Đường vào xã ly hôn giả cầy khắp nơi vẫn còn dấu ấn ngổn ngang cây đổ, cột điện gãy khi cơn bão số 3 quét qua. Xe chúng tôi dừng trước cổng trụ sở UBND xã. Người cán bộ nữ ngừng tay bên đống cây gãy cành ân cần: "Các chú hỏi ai chứ lãnh đạo xã đi cơ sở cả. Đang khắc phục bão mà...". Phòng Trưởng Công an xã Cương Gián mở cửa.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Bài cuối: Mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở đâu?

“Nhặt” chuyện về Hồ Xuân Hương ở làng Quỳnh!

Quê nội nữ sĩ Hồ Xuân Hương đến nay dẫu chưa có nghiên cứu nào chính thống nhưng đã có nhiều sự nhất quán là ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu-Nghệ An). Tuy nhiên cha của tác giả bài thơ “Bánh trôi nước” là ai thì dân làng Quỳnh vẫn có nhiều phân vân. Ngay đến trực hệ đời thứ 5 của Hồ Xuân Hương cũng thừa nhận điều này…

Hồ Xuân Hương là con ai?
Ông Hồ Xuân Quế, 81 tuổi-Trưởng ban cán sự họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi thừa nhận: “Mộ của bà ở mô thì chúng tôi không biết. Ngay cả ban liên lạc họ Hồ ở Hà Nội cũng không hay. Tui cũng chỉ nghe sơ sơ là mộ của bà ở mô chỗ Hồ Tây lúc lại nghe ở Vĩnh Phúc thì phải. Còn việc thời trẻ bà có về thăm quê không thì cũng chỉ là giai thoại thôi…”. Thế ông có biết, nữ sĩ Hồ Xuân Hương con ai? Một hồi suy nghĩ ông Quế phân vân: “Không những tôi mà dân làng Quỳnh này đều thừa nhận là bà là con của ông Hồ Phi Diễn…”. Tuy nhiên theo tìm hiểu thì một bộ phận người dân nơi đây vẫn nghe mang máng là Hồ Xuân Hương con ông  Hồ Sĩ Danh? Vậy sự thật này đến đâu?
Một góc làng Quỳnh nay

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Chuyện lạ ở "chùa" Động Hang!

Chùa động Hang ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có từ bao giờ  không ai biết. Thế nhưng, từ hàng chục năm nay, một người dân bản địa đã tự nhận mình được giao sứ mệnh của "thánh bề trên" đứng ra xây chùa!? Vượt mặt các cơ quan chức năng địa phương, hằng ngày "thánh bề trên" ra tay chữa trị cho hàng trăm "con bệnh" từ khắp nơi đổ về?! 


Luồn rừng hầu... "thánh"!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vị "thánh bề trên" ở đây chính là  ông Trần Văn Phú ở khối 10, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. Trong lúc chúng tôi đang loay hoay hỏi đường để được gặp “thánh” Phú,  anh xe ôm niềm nở: "Các anh đi vào đó chừng vài cây số thôi. Đi hết rừng thông là đến nơi. Ở đây ai cũng biết ông ấy...".
 
r
"Chùa Hang" được xây dựng trước sự bất lực của ngành chức năng

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Bài 2: Mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở đâu?

Dấu tích thật và giai thoại nơi "cha sinh"!

Giếng bà Cả nay đã thành ao nuôi cá. Tích về cái giếng này ra sao nay vẫn được người dân xóm 4 (Bấy giờ là chòm 4) xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu-Nghệ An) vẫn còn nhớ vanh vách. Theo giai thoại thì đây chính là nơi mà một lần về chơi quê nội, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã đi gánh nước và bị trai làng chọc ghẹo, “tức máu” mới ứng khẩu thành thơ (Vũ hậu tức cảnh)…

Chuyện về giếng bà Cả…
Dẫn tôi men theo đồng lúa xanh xanh, con đường nhỏ tí hin đất nhão nhoẹt. Bùn lấm dày nhèm nhẹp, anh Nguyễn Xuân Hưng (Xóm 4 xã Quỳnh Đôi) nói: “Đó tề (Đó kìa) giếng bà Cả nay thành ao cá rồi. Năm 1972 bom mỹ ném tan hoang nhưng giếng bà Cả vẫn còn. Bầy tui (Chúng tôi) lúa đó chừng 12-13 tuổi thường ra đây lấy nước. Nước ở giếng trong và ngọt lắm. Bấy giờ ở xã ni (Xã này) xóm nào lúc ấy gọi là chòm 4 cũng có một cái giếng như thế. Nào là giếng Ao, giếng Chùa, rồi giếng Re nữa… Phần lớn là giếng đất thôi. Giếng có hình cái phểu rộng lắm. Chộ tui (Nơi Tôi) và anh đứng đây lúc bấy giờ là thành giếng đấy. Tui nghe kể lúc dân làng đào giếng vì mạch phun nước lên mạnh quá nên bà Cả phải sai người thì lấy Chum nút mạch lại để cho kẻ đào đấy. Ấy vậy mà cứ đào được một ít thì lại phải múc nước ra. Cả cái làng ni đều dùng nước giếng của bà Cả đấy…”.
Bia tưởng niệm tại làng Quỳnh

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Bài 1: Mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở đâu?





Nữ sĩ Hồ Xuân Hương-Một nhà thơ nữ hiếm hoi trong làng thơ Việt Nam mà xưa nay từ dân dã tới trí thức chẳng mấy ai không biết. Người ta thuộc thuộc nằm lòng những bài ngâm vịnh về đủ mọi thứ trên đời, giọng thơ tinh nghịch, đùa cợt pha chút mỉa mai thế tục…, ấy vậy mà cuộc đời của bà ra sao? Và đặc biệt là mộ của nữ sĩ hiện đang ở đâu là một dấu hỏi lớn?


Chúng tôi đã tìm về xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu-Nghệ An)-Nơi mà sự đồng nhất của nhiều nhà nghiên cứu văn học là quê nội của “bà chúa thơ nôm” mới thấy những dấu tích trong giai thoại vẫn còn vẹn nguyên…


Về quê nội...  "bà chúa thơ nôm"!

"Nịnh thúi" theo... Nock Ten!
                                                                                                                            Trọng Đức
Bức ảnh đăng trên báo CANA được tui xem là "ấn tượng" nhất trong tuần. Và thời sự nữa. 

Ông Giám đốc CANA đi chống bão hay không nỏ rõ nhưng bức ảnh mà phóng viên đưa lên nhằm để khen. Ấy vậy mà thành "nịnh thúi" theo bão số 3 (Nock Ten)...



Mời anh em diện kiến bức ảnh:

Vài dòng chú thích cực kỳ ấn tượng: Đại tá Nguyễn Xuân L  - Giám đốc CANA (đứng bên phải) chỉ huy cứu hộ đợt lũ lịch sử tháng 10/2010
Ơ hay! Răng bão lũ số 3 năm 2011 mà lại đưa ảnh của 2010. Chắc phóng viên nhầm ảnh chăng? mà nhầm răng được nhỉ. Báo cơ mà. Mà lại báo CA nữa. Phải chính xác chứ. Càng phải chính xác?

Nghĩ thế nên cứ thấy băn khoăn: Không biết bão số 3 ông Nguyễn Xuân L có đi chống và kiểm tra tình hình trước khi bão đổ bộ không nhỉ? hay ông ngồi trong phòng lạnh để chỉ đạo anh em đi chống bão?

Còn nếu ông L có đi chống bão, ấy sao lại đưa ảnh của năm 2010 mà trưng! Mục đích của người đăng ảnh là muốn nâng cao trách nhiệm của xếp mình, rằng ông ấy rất sâu, sát với dân. Rất có tinh thần trách nhiệm với dân, yêu dân, lo cho dân...vân vân và vân vân.

Ấy vậy mà tự dưng lại trưng cái ảnh 2010 ra thì bằng nước "giết xếp"!

Mình cứ nghĩ chắc ông L có đi kiểm tra thật nhưng phóng viên không có máy ảnh cũng nên.

Nếu thật thế thì "thương cho "xếp" quá đi!

Lạy "lính" đừng "nịnh" nhé!