Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Những "Eva" trên đỉnh lũ!

Chị Phương và cái mủng cứu người

Trong ba đợt lũ liên tục vừa qua ở miền Trung, PV Bee.net.vn đã gặp, chứng kiến nỗi đau đến tột cùng và cả tấm gương can trường của những người phụ nữ miền Trung, vốn nổi tiếng tảo tần, chịu thương chịu khó.
Chị im lặng khi con ra đi!

Nhà ở thôn 1 Yên Thọ, đang đêm nước lũ lên nhanh. Căn nhà chị Trần Thị Hóa (40 tuổi) nhanh chóng chìm trong nước. Gần 2 giờ sáng, chị  và người thân được đưa đến Trạm xá xã Tân Hóa lánh nạn. Mang bầu tháng thứ 8 nên chị Hóa tự tin con mình vẫn bình yên. “Thấy lũ về, tui cứ thầm nghĩ: Con ơi khoan đã ra. Lũ về nặng lắm”, nói thầm thì, tay chị Hóa xoa xoa bụng dặn con.
3 giờ sáng cùng ngày, cũng như những người dân trong xã, chị được  đưa vào triền núi tránh lũ. Đến triền hang, chật chội chị mang bầu chỉ được ngồi. Vì lấy đâu ra chỗ mà nằm. Lúc này, thời điểm đó, đối với người dân Tân Hóa làm thế nào mà nước lũ không đuổi kịp mình là được, huống chi nói đến nằm, ngồi. Nghĩ thế chị Hóa cũng tặc lưỡi chấp nhận.

 
Chị Hoà với nỗi đau mất con.

Gần sáng, thấy đau đau nhưng chị cũng cố chịu. Hơn một lần chị xoa bụng: “Nằm yên con. Mọi người còn chống lũ. Mẹ con mình đang được ở chỗ khô ráo là may rồi. Hàng trăm con người ngoài kia đang chới với trong dòng nước lũ. Mặt nhăn nhó vì đâu, chị ngồi khuỵu xuống. Bên cạnh mọi người nằm ngổn ngang cố chợp mắt…”.

Ánh sáng lờ mờ của ngày mới chị chỉ thấy trước mắt nước lũ bủa vây. Chị chẳng còn nhìn thấy bóng nhà nào nữa. Một ngày ngồi trong hang đá, đói, rét, chị lịm dần đi. Khi tỉnh lại chị chỉ biết mình lại đang nằm trên nóc Trạm xá xã Tân Hóa.

Gần sáng (tức sau hai ngày đi lánh nạn) chị đau dữ dội. Phía ngoài nóc nhà, bác sỹ nhỏ to, mặt căng sức. Chị đẻ khó. Một tiếng chuyển dạ, chị sinh con.

“Ai đó bảo sinh rồi. Con trai, con trai. Nằm bẹp vì mệt nhưng tui chẳng thấy tiếng trẻ khóc. Bất an. Nhưng mắt mờ không gượng dậy nổi, loáng thoáng tôi chỉ thấy trên tay người bác sỹ là đứa trẻ nằm im lìm. Nhìn những cử chỉ của bác sỹ tôi nghĩ là con tôi đang được hô hấp. Chừng dăm phút sau mọi thứ im bặt. Tui mới biết là con đẻ ra nhưng chết ngạt rồi…”, giọt nước mắt đã rơi, chị Hóa nhớ lại.

Hôm nay lũ đã rút nhưng con thì nằm mãi với đất. Con ra đi đã mấy ngày nhưng chị vẫn phải nằm trên nóc nhà.  “Muốn về lắm. Xem con được yên nghỉ ở đâu. Con chết bác sỹ bảo do ngồi trong hang nhiều quá. Lại đói, lạnh nên mới thế…” nói thế chị Hóa nước mắt lại chực trào ra. Dác nhìn hai hốc mắt chị trõm sâu. Chị khóc mà nước mắt chẳng thấy đâu. 
Người đàn bà cứu hơn 100 người trong lũ dữ 
Trong đợt lũ vừa qua xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng nề. Trong con nước lớn có một người đàn bà đã liều mình dùng thuyền thúng chèo đi cứu cả làng. Đó là chị Mai Thị Hoài Phương (30 tuổi) ở xã Liên Trạch. Vào đêm mùng 4 rạng sáng 5/10 nước lũ đổ về thôn Phú Kinh nhấn chìm cả làng. Thấy vậy, chị Phương một mình chèo thúng đi khắp các nhà dân cứu gần 100 người thoát chết.
Chị Phương nhớ lại: “Từ đâu nước lũ ầm ầm đổ về tui chở chồng và con lên ga Lạc Sơn rồi về bà nội để xem tình hình thế nào đưa đi di tán, nhưng do nước lên quá cửa nhà nên tui đưa ông bà đi xong. Từ trong làng tiếng người dân kêu cứu, khóc than: Cứu với! Không chết mất… cứ vang lên”. 
Trước con nước lớn chị mặc cho mưa to, gió lớn, nước chảy mạnh đã khiến chiếc thuyền của chị cứ xoay tít muốn cuốn trôi đi. Vốn là một người con sinh ra ở miền biển làm dâu ở xã Liên Trạch chị đã khéo léo chèo lái con thuyền của mình. Là những người già, phụ nữ và trẻ em đang chui đầu ra khỏi mái ngói kêu cứu thì chị có mặt. 

Mỗi lần chở chỉ có hai người nhưng đến 6h ngày 5/10 một mình chị với chiếc thuyền đã  đưa gần 100 người dân thôn Phú Kinh đến nơi an toàn. Do dầm mưa và dầm mình trong con nước lũ ngay sau đó chị Phượng bị cảm lạnh, không còn một chút sức lực để tự đứng lên. 
Cơn lũ đi qua, vợ chồng chị Phương đã bị lũ cuốn trôi hết, mặc dù đã đi qua nhưng hiện tại cuộc sống của gia đình chị hết sức khó khắn. “Không cứu người đêm đó nước lũ không bao giờ cướp được tài sản của nhà tôi nhưng mất của làm ra được chứ người chết thì lấy mô ra”. Chị Phương tâm sự.
Người đàn bà "vác tù và hàng tổng"
Ngược xuôi những vùng rốn lũ Hà Tĩnh suốt mấy ngày, gặp rất nhiều thân phận phụ nữ xác xơ vì lũ. Lũ tràn về, đàn ông ngâm mình cố cứu tài sản, còn họ, những người phụ nữ, những người mẹ ôm đứa con thơ, như những con gà mái giương đôi cánh rộng che chở đàn con trước lũ diều hâu.
Nhưng với chị Liên ở xóm 4, xã Đức La, Đức Thọ, những ngày lũ lại là một hình ảnh khác. Tất tả  ngược xuôi quanh xóm, khua cả làng chạy lũ.

Gặp chị, ấn tượng đầu tiên và mạnh nhất là nụ cười luôn thường trực trên môi. Thấy canô cứu trợ vừa đến đầu làng, chị phăm phăm vừa chèo thuyền ra đón vừa hét to: “Ông Tam, con Tú chèo ra theo tui ra nhận mì tôm. Mấy ông mụ “tra” ngồi yên đó, không được chèo ra, ngã xuống là “ba ngày nổi” đó hỉ”.
d
  “Này chú, chị bơi và chèo thuyền giỏi nhất cái xóm này, đàn ông còn phải ngại”

Nhận mấy chục thùng mì tôm từ tay lãnh đạo tỉnh, chị chỉ  huy mọi người phân phát cho từng hộ dân và  trên môi vẫn nở nụ cười. Chị hóm hỉnh: “Có lũ về, bà con tui mới chộ tận mặt các bác lãnh đạo tỉnh hè, lâu chừ toàn chộ trên ti vi, lại được nhận quà cứu đói!”.

Cứ nghĩ chị  chắc con cái đã lớn, rảnh việc, đi lo cho bà  con. Hỏi chuyện mới hay, chị có tới 8 đứa con, cô bé 13 tuổi đang đi cùng chị là  thứ 6. Ông chồng đau yếu đang nằm trên “chạn”. Chuyện nhà một tay chị quán xuyến.
d
"Các bác cho hắn xin thêm thùng nữa, nhà hắn nghèo nhất xóm. Chỉ có hai ông bà tra!"

“Dân ở đây sống chung với lũ chú ạ, mạ tui đẻ tui trên lũ. Chạy lũ tui chủ động. Thóc gạo thu về tui đưa lên chạn hết. Nhìn nước sông La chuyển màu, tui biết có lũ về liền hô con cái treo giường, treo xe, chuyển đồ lên cao, rứa là mình yên, sợ chi”- chị Liên bảo vậy.

Việc nhà xong, con cái và chồng yên vị trên “chạn”, chị Liên chèo thuyền khắp xóm, đến mấy nhà chỉ có ông già, bà lão neo người, vừa chuyển người di tản, vừa thu vén đồ đạc. “Mấy nhà đó con cái đi làm xa hết rồi, mình có sức đến giúp họ. Chớ họ có chuyện chi, mình sống sao yên”- chị Liên nói, và lại hóm hỉnh: “ Này chú, chị bơi và chèo thuyền giỏi nhất cái xóm này, đàn ông còn phải ngại”
Đang nói chị bỗng hét: “Con tê, mi tới đây” rồi quay lại: "Các bác hắn xin thêm thùng nữa, nhà hắn nghèo nhất xóm. Chỉ có hai ông bà tra”.

Chị Liên lại tất tả chèo thuyền vào xóm, nước lũ đang dâng cao tới 3m.

“Mấy ông tê, răng đứng rứa, bơi ra đây nhận phần nì” – tiếng gọi của chị Liên văng vẳng trong tiếng canô rú máy tiếp tục hành trình cứu trợ.
Quỳnh Thi - Trọng Đức - Đắc Thành 
(Nguồn: Bee.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét