Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Bài cuối: “Chàng ết” lập… “bang Sông Lam Xanh”!


 Lạ kỳ thay, khi đã biết mình mang căn bệnh “ết”, Phan Văn Kiên (ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) lại quyết tâm và cai được nghiện. Để có thể sống bằng sức của mình anh đã thành lập “hội”, cùng những người có “H” vẽ nên dòng Lam xanh thơ mộng.

Trước khi có thể “làm Người”, Kiên đã quyết tâm cắt cơn bằng mọi giá. Ngày rời khỏi “trại” về với địa phương, anh đã bỏ qua những ánh mắt dò xét, nghi ngờ để sống mạnh mẽ. Giờ đây, mọi người đã trìu mến gọi Kiên bằng cái tên “ông chủ” hay “chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Lam Xanh…



Gian nan đi lập… “bang, hội”!

Kiên cai nghiện thành công và trở về trong vòng tay âu yếm của gia đình. Dẫu đã có sự lôi kéo nhưng anh vẫn vượt qua sự cám dỗ để không bị tái nghiện. “Lúc ra trại cũng có đám bạn cạnh khóe lắm. Nhưng mình đã quyết tâm rồi nên đã thôi không nghiện nữa”, chợt đôi mắt anh sáng lạ khi nhớ lại những ngày đầu đấu tranh với cơn thèm thuốc.

Câu chuyện của chúng tôi chợt chùng xuống khi Kiên nhắc đến xã hội. Kiên bảo rằng: Lúc bấy giờ, những người mang căn bệnh “ết” như anh đối với mọi người là một cái gì đó rất ghê gớm. Đi đâu, làm gì cũng bị người ta nhìn ngó, sợ sệt.

Ngày đầu hòa nhập là chuỗi thời gian khó nhất mà anh có thể vượt qua được. “Có lúc mình tặc lưỡi: Đằng nào cũng chết. Hút, hít nữa cũng thế mà sống cũng thế. Chi bằng làm bi cho sướng đã. Nhưng rồi chợt bình tâm lại nghĩ mình sống phải có ý nghĩa chứ nên thôi”, Kiên nhớ lại.

Nhưng sau đó, mọi người hiểu nên Kiên đã nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Những dự án phòng chống AIDS tại cộng đồng ở Nghệ An lúc bấy giờ được anh tham gia đầy đủ. Tại đây, anh đã được gặp, chuyện trò, trao đổi với những người cùng cảnh ngộ.

Rồi trước năm 2008 khi mà nguồn kinh phí của một dự án phi Chính phủ nhằm hỗ trợ thuốc men cho những người có “H” bị cắt, Kiên đã suy nghĩ rất nhiều. Tại sao những người có “H” lại không tự sống bởi chính mình? Sao không nắm lấy tay nhau cùng sẻ chia vượt qua khó khăn?
 “Tên là Sông Lam Xanh là để dễ ghi nhớ tên địa phương. Và mong được mãi mãi danh và vươn lên sống như tên dòng sông quê hương-dòng sông mãi mãi chảy trôi, xanh màu hy vọng. Qua đó nhắc nhở mỗi người hãy sống thiết tha với cuộc đời”, Phan văn Kiên-Chủ nhiệm HTX Sông Lam Xanh chia sẻ.
Những băn khoăn ấy như căn bệnh sợ bóng đêm dày vò Kiên khiến anh nhiều đêm không chợp mắt. Một sáng đẹp trời, anh vùng dậy nghĩ: Mình sẽ thành lập nhóm. Và cái tên “Sông Lam Xanh” là điều mà anh ấp ủ đầu tiên.

Nghĩ là làm, Kiên đã tìm hiểu tư liệu, xin ý kiến của mọi người rồi tự mình hì hục 1 tháng đề viết đề xuất. Được đồng ý, anh lại cùng đám bạn đi vận động mọi người tham gia. “Ngoài việc mình đi vận động từng người, mình còn phát tờ rơi để anh em tự đăng ký”, Kiên nhớ lại.

Một ngày của tháng 10/2008, nhóm tự lực “Sông Lam Xanh” do Kiên làm trưởng đã ra mắt tại khách sạn Phương Nam (Trước đứng chân ở gần Tam Giác Quỷ, TP Vinh). Nhóm có sự tham gia của gần 30 thành viên có “H” trên địa bàn.

Hỏi anh nhớ nhất điều gì ngày ra mắt, Kiên chợt như mạnh mẽ và phấn chấn hẳn rồi tâm sự: “Trước hôm phát giấy mời mọi người đến tham dự, trời mưa to lắm. Ngay cả sáng diễn ra lễ cũng mưa to. Vậy mà toàn bộ khách mời đã đến dự đông đủ”.

Khâm lượm cho bạn “ết”!

Dẫu đã thành lập nhóm rồi nhưng theo Kiên thì lúc bấy giờ sự kỳ thị của một số người với những những người bị bệnh “ết” vẫn còn nặng. Ngay cả người thân, của bạn có “H” cũng cách ly không hiểu.

Đến tận bây giờ, Kiên vẫn còn day dứt khi nhớ lại hình ảnh bạn mình qua đời. Đó là khoảng cuối năm 2008, một thành viên của nhóm đã qua đời. Anh sống ở thành phố Vinh nhưng cũng vì đua đòi nên cũng bị nghiện rồi dính “ết”.

Đưa đi trại cai nghiện nhưng đã bị trả về vì căn bệnh không thể cứu chữa được nữa. Trở về nhà, gia đình xa lánh, bắt sống cách ly. Và gần 2 tháng sau thì anh bạn qua đời.

Lúc đó phần vì gia đình bạn nghèo, phận lại sợ bị lây nhiễm nên bỏ bê. Khối xóm cũng sợ sệt nên không ai dám làm. Kiên và những thành viên trong nhóm đã có mặt. Từ khâu chuẩn bị tang lễ đề khâm lượm, thay quần áo cho bạn đều được nhóm Kiên thực hiện.

“Đám tang bạn hôm đó chỉ có những người trong nhóm thôi. Sau buổi đưa tang, tôi đã gặp khối trưởng phường đó nói: Con người ta ai sống cũng có lỗi. Chết đi rồi thì tội lỗi đã được gột rửa. Người bị bệnh ết nếu cẩn thận thì cũng như bệnh khác thôi. Các bác đừng có kỳ thì họ. Nói thế rồi tôi về”, nói là vậy nhưng Kiên vẫn phiền muộn lăm lắm.

Để có thể vận động, thuyết phục người thân, hàng xóm sống chung với “ết”, đã nhiều lần Kiên đã phải nghe những lời nhỏ to khi đi vận động: “Nghe gì bọn đó. Bị ết không chết trước thì cũng chết sau thôi”.

Và theo Kiên thì đến nay nhóm đã có gần 50 thành viên. Vậy nhưng kể từ khi thành lập đã có 15 bạn đã qua đời vì căn bệnh quái ác này. Nhóm mới được hơn 4 năm. Mỗi năm có gần 4 bạn “về đất” khiến cho Kiên phiền muộn!

Và “đám cưới ết”!
  
Trong cái sự ưu tư của Kiến chốc chốc vẫn ánh lên sự tự hào. Anh bảo: “Mỗi thành viên trong nhóm đều có những số phận khác nhau. Vậy nhưng đau xót nhất là những người phụ nữ bị ết vì chồng lây nhiễm. Họ chẳng biết gì cả. Chỉ đến khi, chồng qua đời thì họ mới biết mình đã nhận được án tử hình.

Và xót xa hơn là những hoàn cảnh có bố hoặc mẹ và có khi là cả hai vợ chồng đều chết vì ết. Để lại trên cõi đời là đứa trẻ vô tội. Nhiều cháu cũng đã bị lây bệnh phải sống chật vật trên cõi đời”, chuyện của Kiên về những số phận trong nhóm như cuốn sổ tay buồn không có trang cuối cùng.

Nhưng điều an ủi phần nào đối với Kiên đó là đã có những cặp vợ chồng lấy nhau khi họ cùng tham gia nhóm “Sông lam Xanh”. Bạn Lê Văn H (31 tuổi) vào nhóm năm 2008 cùng với Nguyễn Thị H (32 tuổi). Tại đây cả hai đã đồng cảm và yêu nhau. Đến năm 2010 họ đã cưới nhau.

Không chỉ cặp vợ chồng “song H” này mà đến nay nhóm của Kiên đã đón nhận 5 cặp với 5 “đám cưới ết” rồi. Tại những đám cưới này mọi người không còn thấy khoảng cách người bệnh mà chỉ thấy niềm vui, nụ cười.

Chiều đã muộn. Tôi nắm lấy bàn tay Kiên, bước ra khỏi cửa, mặt trời vẫn đỏ ối mạnh mẽ phía sau rặng cây xa rồi hỏi: Anh có sợ mọi người biết mình bị “ết” không! Kiên nhoẻn miệng cười hiền hậu như thể mọi thứ chẳng là gì khi thấy mình đã sống  có ý nghĩa!
Trọng Đức

“Hợp tác xã của những người ết”

Tháng 10/2011, nhóm của Kiên đã chuyển đổi thành Hợp tác xã Sông Lam xanh. Đây là mô hình kinh doanh đầu tiên cho tập thể những người có “H” trên địa bàn tỉnh. Và cửa hàng kinh doanh lương thực thực phẩm với thương hiệu "Gạo xứ Nghệ" tại số 15, đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ra đời. Hiệm tại HTX này cũng đã thành lập cơ sở 2 tại huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) và đã thu hút được 30 thành viên tham gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét