Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

“Bội tín” với… Truông Bồn!

Lễ khởi công dự án Truông Bồn rầm rộ nhưng hiện vẫn đang “dậm chân”  
Tôi viết những dòng về huyền thoại Truông Bồn trong nắng sớm của tháng kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Cứ da diết nỗi niềm khi nghĩ đến Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử này thực hiện từ năm 2010 nhưng hiện vẫn cứ như đang “dậm chân”. 

Càng băn khoăn, hổ thẹn hơn với lịch sử bởi nguyên nhân có phần bắt đầu từ sự thất hứa của một số nhà tài trợ?

Dự án.. lịch sử!


Ngỡ dừng chân tại Truông Bồn trên quốc lộ A (thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), vẫn nghe tiếng bom dội trong kháng chiến chống Mỹ. Vẫn như chứng kiến,  xe pháo, hàng hóa tập kết để chi viện cho chiến trường miền Nam. Truông Bồn huyền thoại-“túi bom”, “cửa tử”, nơi hơn 200 bộ đội, Thanh niên xung phong, dân quân địa phương đã anh dũng hi sinh và bị thương tại nơi này vẫn hiện hữu. 

Tại “Tọa độ lửa” Truông Bồn, hình bong các chị, các anh Thanh niên xung phong Đại đội 317-Đội 65 đã vượt lên mưa bom, bão đạn của quân thù, vẫn với tinh thần quyết tâm sắt đá: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”… 

Đêm sửa đường, cứu xe, chuyển hàng, mặc áo trắng làm cọc tiêu hướng dẫn đường cho xe qua. Vào thời khắc cuối cùng: 6 giờ 10 phút sáng ngày 31/10/1968, 13 Thanh niên xung phong đã anh dũng hi sinh trong khi đang san lấp hố bom đảm bảo giao thông. Truông Bồn đã trở thành huyền thoại lịch sử khi mà dòng máu của các chị, các anh đã hòa vào đất Mẹ, quyện vào hồn thiêng sông núi quê hương như thế.
Tượng đài chiến thắng ở Truông Bồn nham nhở
  
Để tôn vinh, ghi nhớ huyền thoại này, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh đã ký QĐ số 1591/QĐ.UBN-XND phê duyệt Dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn. Dự án với diện tích quy hoạch xây dựng gần 22ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 175 tỷ đồng do Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh làm chủ đầu tư. 

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, thực hiện từ khi phê duyệt đến năm 2015. Nguồn vốn của dự án lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư theo chương trình, dự án văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng; nguồn vốn đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Nhìn vào bản vẽ chi tiết quy hoạch mới thấy đây là một dự án có tầm mang tính lịch sử. Đó là khu tưởng niệm như đền thờ các liệt sỹ (20 tỷ đồng), nhà tả vu (3 tỷ đồng), nhà hữu vu (3 tỷ đồng), phục dựng hố bom (1 tỷ đồng); trục biểu ghi tên di tích (2 tỷ đồng), tuyến đường tránh trước khu mộ các liệt sỹ (10 tỷ đồng); đài tưởng niệm (27 tỷ đồng), phù điêu đá tự nhiên Thanh Hóa (6 tỷ đồng); nhà trưng bày truyền thống (15 tỷ đồng)…

Với mục tiêu xây dựng có ý nghĩa lớn nên ngày 25/6/2010, dự án trên đã
được UBND tỉnh long trọng tổ chức khởi công. Hơn ai hết, người dân bản địa, đặc biệt người thân của những người ngã xuống mong mỏi, hồi hợp chờ được ngắm nhìn hình hài hoành tráng của tổng thể Dự án huyền thoại Truông Bồn. 

Vậy nhưng…!

Triển khai… nghèo nàn!

Dự án quy mô, khởi công rầm rộ là thế nhưng sau 2 năm triển khai, có mặt tại Mỹ Sơn thấy ảm đạm khi mà nhiều hạng mục vẽ ra chỉ để nằm trên giấy. “Phê duyệt mấy năm rồi nhưng không thấy họ xây dựng. Chúng tôi rất ủng hộ việc xây dựng di tích nhưng thấy dự án chậm triển khai quá. 

Cũng không biết dự án có triển khai nữa không. Dân nằm trong vùng quy hoạch cũng không biết tính răng đây, dự án có làm không để chúng tôi còn biết đường lo liệu”, ông Nguyễn Trọng Toán-xóm trưởng xóm 10, xã Mỹ Sơn-là một hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch dự án phân vân.
Phối cảnh dự án Truông Bồn vẫn nằm trên giấy
 Hiện tại ở phía sau khu vực Đài chiến thắng của di tích Truông Bồn ở dốc U Bò là các mảng núi bị đào nham nhở. Đây là hậu quả của việc một số người dân đã khai thác đá trước đây. Khu mộ của các liệt sỹ Truông Bồn ở xóm 10, xã Mỹ Sơn cũng đã bị nhiều nhà dân “phong tỏa”. 

*Phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho “tiểu đội thép”.

Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ thuộc C 317 TNXP Nghệ An. Trong đó có 13 chiến sĩ đã hy sinh ngày 31/10/1968. Và "người còn lại" may mắn sống sót cho đến ngày nay là bà Trần Thị Thông- tiểu đội trưởng tiểu đội 2 - C317. Trước đó, ngày 12/1/1996. Bộ văn hóa-thông tin đã có QĐ 51/QĐ-BT về công nhận Truông Bồn là khu di tích lịch sử

Sở dĩ có chuyện này, theo ông Võ Thanh Phúc-Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn thì: “Dự án khởi công từ lâu nhưng triển khai rất chậm, ngay cả mặt bằng để bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực triển khai dự án vẫn chưa đền bù giải phóng xong. Cứ đà này thì không biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành”.

Theo báo cáo số 1277/BC-SVHTTL ngày 4/7/2012 về tiến độ và kế hoạch đầu tư xây dựng dự án trên thì hiện mới hoàn thành 4 gói thầu như xây dựng nhà che mộ và tu bổ mộ các liệt sỹ, nhà thiêu hương, bình phong trước mộ 13 liệt sỹ, tường bao quanh khu mộ, sân vườn cảnh quan khu mộ và chuyển đổi từ chất liệu bê tông và gốm sang đá tự nhiên Thanh Hóa cho tượng đài chiến thắng, phù điêu khu đài chiến thắng… với tổng khối lượng hoàn thành khoảng 13 tỷ đồng. 

Vậy là sau gần 2 năm triển khai dự án nhưng khối lượng công việc vẫn chưa thực hiện được 1/10 phần tổng thể dự án. “Do tỉnh Nghệ An nguồn thu còn hạn chế, thường xuyên hứng chịu hậu quả của thiên tai. Do đó việc đầu tư xây dựng dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn theo mong muốn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn”, báo cáo số 1277 ghi rõ.

Và chuyện “bội tín” của nhà tài trợ!

Ngày 26/10/2008, nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện Truông Bồn hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đăng ký ủng hộ kinh phí xây dựng di tích. Thông tin từ tỉnh Nghệ An thông báo tại lễ kỹ niệm là đã có gần 300 tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã đăng ký quyên góp ủng hộ xây dựng khu di tích Truông Bồn, với số tiền hang chục tỷ đồng. 

Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại số tiền mà chủ đầu tư dự án nhận được từ các nhà tài trợ là rất ít so với số lượng đã đăng ký ủng hộ. Nhiều khoản kinh phí mà các tổ chức cá nhân có nguy cơ bị lãng quên theo thời gian. Hiện sau gần 4 năm tổ chức vận động tổng thể di tích lịch sử Truông Bồn vẫn không có nhiều thay đổi.
Trong lúc chờ kinh phí thì giải pháp trước mắt là cho nhà dân "bao vây" dự án Truông Bồn
 Theo ông Cao Đăng Vĩnh-Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh thì việc dự án chậm là do chưa có kinh phí. Và trong số này có một phần kinh phí các nhà hảo tâm hứa ủng hộ để xây dựng dự án nhưng sau đó chưa trao. “Dự án chậm là do không có tiền. Trong đó có có một số nhà tài trợ hứa ủng hộ nhưng sau đó họ không cho thì thôi… Họ hứa thì mặc kệ họ chứ. Và cơ bản là hiện họ không tham gia (trao tiền đã hứa tài trợ-PV)… Nhiều đơn vị chúng tôi điện thoại, đi đòi nhưng cũng không thấy”, ông Cao Đăng Vĩnh trả lời.

Vậy nên để dự án trên sớm được xây dựng, hoàn thiện, ngày 20/6/2012, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TW Đoàn Nguyễn Đắc Vinh và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc đã ký chung vào “Thư ngỏ” với nội dung: 

“Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNC Hồ Chí Minh và Bộ giao thong vận tải kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng hạng mục quan trọng của dự án. Thời gian khởi công công trình dự kiến quý III năm 2012, thời gian thực hiện dự kiến 1 năm và hoàn thành đầu tư nhân dịp kỷ niệm 45 năm, ngày hi sinh của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong tại Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2013).
Trọng Đức

*Nhà tài trợ từ chối nghe điện thoại!

Bà Nguyễn Lương Hồng-Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho rằng: “Chúng tôi cùng một số ngành có kêu gọi vận động và số tiền đăng ký đúng là lớn nhưng thực tế tiền chuyển về thì không lớn như đã đăng ký. Hiện vẫn có nhiều đơn vị chưa ủng hộ… Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi nào chúng ta khởi công dự án thì họ sẽ trực tiếp đến đầu tư chứ họ không chuyển tiền mặt về trước… Việc họ chưa chuyển tiền nhiều lần Tỉnh đoàn có phát văn bản, có gọi điện thoại. Ban đầu thì doanh nghiệp bốc máy, sau đó có điện thoại thì họ không nghe nữa”.


1 nhận xét:

  1. - Đoạn đầu, anh Đức nên sửa thành Quốc lộ 15A.
    - Một bài viết khác của Xuân Ba trên Tiền phong cũng rất ý nghĩa, dường như hương khói đã giành hết cho Đồng Lộc mà quên đi Truông Bồn. Rất may còn có sự trợ giúp của cán bộ ngành GTVT-những con người nối tiếp những o thanh niên xung phong, đã đóng góp được hơn 40 tỷ đồng.

    Trả lờiXóa