Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Lời nguyền từ “khe máu rồng”?


Bà Năm lo sợ”  năm 2015 nước khe Nước Mọc sẽ cạn!

Ăn cá là chết? Tắm sẽ bị bệnh… là những chuyện tưởng như không tưởng khi nhắc đến khe Nước Mọc hay còn gọi khe “máu rồng” ở bản Nưa xã Yên Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Đã có lúc, người dân bản địa xem đó như là lời nguyền bất khả kháng!

Nắng trưa, nước ở khe Nước Mọc trong, xanh vắt. Nằm bao bọc giữa những hàng cây cổ thụ và cánh đồng mạ non, khiến cho sự huyền bí như “dày” thêm.


Từ chết vì ăn cá…

Gặp bà Vi Thị Năm (53 tuổi) bên khe, tôi hỏi: nghe bảo ăn cá dưới khe là mắc bệnh phải không?

Bà Năm, lấy hai tay cúi gập người xuống vốc một ít nước từ dưới khe để rửa mặt rồi trầm ngâm. Chuyện người đàn bà này kế không biết năm nào, tháng nào, chỉ biết là lúc bà sinh ra đã nghe rồi.

“Lúc đó, có một đơn vị Lâm nghiệp đóng ở đây. Cá ở khe Nước Mọc nhiều lắm nhưng dân không ăn mô (đâu). Sợ bị ốm mà. Một hôm , có một anh công nhân lâm nghiệp đi đánh dậm (đi bắt tôm, cua) lúc qua suối đã bắt cá nơi đây về ăn.

Được ít hôm thì anh này bị bệnh. Đưa đi chữa thì bệnh cứ ngày càng phù nề. Gần 1 tháng sau thì anh công nhân qua đời. Nghe đâu anh này người ở xã Chi Khê (huyện Con Cuông), bấy giờ cũng chừng 40 đến 45 tuổi”, bà Vi Thị Năm nhớ lại.
Điểm chỉ tay nơi nước ùn lên quanh năm ở khe
Chuyện anh công nhân vì ăn cá dưới khe Nước Mọc mà chết không hay đúng bao nhiêu phần nhưng những đồn thổi như một lời nguyền khiến cho người dân tin hơn? Và thực ra thì câu chuyện ăn cá dưới khe sẽ mang họa không phải bắt đầu có sau cái chết của người đàn ông xấu số.

“Trước khi tôi đang nhỏ cũng đã nghe các cụ nói thế nhưng cũng không tin. Nhưng bấy giờ dân bản địa chẳng ai bắt cá về ăn đâu. 

Ngay cả chuyện xuống tắm cũng không mà. Dân chỉ lấy nước về ăn và nhìn khe đẹp thôi. Nhưng mươi năm trở lại đây thì khác rồi”, đôi mắt đầy vẻ bí ẩn khi bà Vi Thị Năm nói đến những điều có vẻ như là huyễn hoặc.

…Đến khe nước “hai phai”!

Khe Nước Mọc, cái tên thật lạ! Bà Năm chỉ biết từ lẩu lâu, người dân vẫn quen gọi như thế. Theo cách lý giải của người đàn bà này thì sở dĩ gọi  vì dưới khe có một số điểm nước cứ ùn lên. “Ta sống hơn 50 năm rồi mà cái rốn nước đó nó vẫn cứ ùn lên. Không khi nào nghĩ mô (đâu)”, bà Năm giải thích.

Khe này, người dân Thái gọi là Tạ Bó (khe nóng lạnh). Nghĩa là vào mùa đông thì nước ở dưới khe ấm, còn vào mùa hè thì nước ở đây lại mát. Người dân nơi đây còn hay gọi đùa nhau đó là khe nước “hai phai” để nói về chuyện “lạ” này.

Không chỉ khác biệt với các khe nước khác về nhiệt độ mà theo người dân nơi đây, nước ở dưới khe không bao giờ cạn. Mặt khác còn rất trong và xanh. Vào nhưng mùa khô hạn nước ở khe Bản Hầy (cùng xã Yên Khê) có thể cạn nhưng ở khe  này nước vẫn cứ “mọc” lên bình thường.
Khe Nước Mọc nhìn đơn giản nhưng chưa bao câu chuyện ly kỳ
 Có một thông tin khá bất ngờ đó là, bà Năm cho rằng vị nước ở khe Nước Mọc không có gì đặc biệt nhưng nước ở đây lại nặng hơn nước ở bất cứ nơi khác. Hỏi sao bà biết. Bà Năm bảo: “Tôi đã đong nước vào hai cái thùng rồi. Và đúng là nước ở đây nặng hơn mà”.

Chuyện bà Năm nói chưa biết thật như thế nào nhưng vẫn thấy “lạ”. Và ly kỳ như những điều mà dân gian đã thêu dệt xung quanh cái tên khe Nước Mọc vậy.

Chuyện rằng, Tạ Bó được mọc lên là vì ngày xưa ở huyện Con Cuông có động Đào Nguyên nằm sát dòng sông Lam thuộc xã Bồng Khê. Đây là nơi để đón tiếp những chàng trai tài giỏi ở trần gian xin được lên chốn thiên thai thưởng ngoạn. Để tỏ lòng hiếu khách, Ngọc hoàng đã cho tạo một cái giếng tiên để cho các tiên nữ đến đó tắm gội mà đón người tài.

Cũng có thông tin cho rằng đã có người dân ra tắm phát hiện khe nước "chảy máu" thay vì xanh biếc như thường lệ nên họ bảo đó là “máu rồng”. Và khe Nước Mọc có thêm cái tên khe “máu rồng” cũng từ đó.

Đến năm 2015 khe Nước Mọc sẽ cạn!

Đó là cách nói của bà Vi Thị Năm về sự lo sợ khe “máu rồng” sẽ bị con người tàn phá. “Trước đây cả làng này ai cũng lấy nước nơi đây về uống. Sau này có giếng rồi nên không ai dùng nữa. Đặc biệt, bấy giờ người dân không ai xuống tắm, cũng như bắt cá về ăn đâu”, bà Năm nói.

Vậy nhưng những năm trở lại đây, theo bà Năm nhiều người nơi khác đến tắm nên bà con bản địa bắt đầu cũng học theo. Đặc biệt, lúc trước cá ở dưới khe nhiều và to nhưng bây giờ thì rất ít. “Lúc trước, giờ nào cũng có cá. Giờ thì cá sợ người đi hết rồi. Hơn nữa một số người họ đi kích hết nên cá chạy mất”, người đàn bà này lo sợ.
Con người đang làm cho khe Nước Mọc “biến dạng”
 Bà Vi Thị Năm cũng chia sẻ rằng nếu chính quyền không có sự can thiệp, bảo vệ thì theo thầy mo bảo đến năm 2015 nước ở khe Nước Mọc sẽ cạn?

Trao đổi, ông Lô Trung Dân-Trưởng bản Nưa thừa nhận khe Nước Mọc không còn giữ được cái sự huyền bí như xưa. “Giờ ngày hè mọi người đến đây tắm nhiều lắm. Họ tắm không kể ngày đêm đâu. Cá ở dưới khe cũng vì thế mà ít dần. Địa danh này sẽ bị hỏng nếu cấp ngành chức năng không có phương án bảo vệ”, ông Lô Trung Dân khẳng định. 
Trọng Đức
Khe Nước Mọc thành điểm du lịch!

“Đúng là cũng có thông tin ăn cá dưới khe sẽ mắc bệnh nhưng lâu lắm rồi. Giờ khe Nước Mọc thu hút rất nhiều người đến thưởng ngoạn. Hơn nữa cá dưới khe cũng đã ít dần do một số đối tượng đi kích. Hiện nếu không bảo vệ, nâng cấp, địa danh này sẽ bị phá hỏng. Chúng tôi đang lập đề án, xin kinh phí để sữa chữa nơi đây thành điểm du lịch”, ông Vi Văn Đậu-Chủ tịch UBND xã Yên Khê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét