Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Bài 2: “Phù phép” lợn xuôi thành... lợn Nít


Sau hai tháng lứa lợn Nít con này sẽ có giá vài triệu đồng
Bắt nhịp với thời cuộc, lợn Nít miền Tây xứ Nghệ nhanh chóng chiếm lĩnh “thị trường quan chức”: Nó như món quà “độc” để “thết”, “cúng”… lãnh đạo. Những ngày cận kề tết, dân buôn xứ Bắc đã đánh xe ào ào lên rừng gom cạn hàng trăm con lợn Nít.

 “Sản vật” này trở nên khan hiếm và bị đẩy giá lên rất cao. Và chuyện “lái lợn” sở tại, ngược xuôi đem lợn lên rừng “phù phép” thành lợn Nít không phải là chuyện lạ…


Đem ô tô lên rừng “hốt”… lợn Nít


Thực ra mấy tháng gần đây thịt lợn Nít mới được “chuộng” đến thế. Trước đây thịt lợn nhỏ chẳng có “ma” nào xơi. “Thịt nó tanh vả lại nhão nhoẹt chẳng ngon lành gì nên cho cũng không ai ăn. 

Gần đây mới rộ lên phòng trào này chứ. Lợn Nít trở nên hiếm và đắt như vàng…”, lái lợn Tấu giải thích.

Lợn Nít giá thời điểm bình thường thì giá hơi chỉ dao động từ 25 đến 30 ngàn đồng/kg. Nhưng khi mà “cầu” lớn thì giá lợn Nít tự lên cao lúc nào không hay. T bảo mấy tháng gần tết giá lợn lên đến 35, thậm chí 40 (35 đến 40 ngàn/kg-PV) mà cũng khó kiếm. Lái lợn sở tại là thế, còn giá của dân xứ Bắc thì lúc nào hơn hơn dăm mươi giá.
Vào bản nơi miền Tây xứ Nghệ rất hiếm gặp cảnh lợn Nít thả rông như thế này

Dân buôn xứ Bắc chủ yếu là người các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình… đánh cả ô tô vào đầu bản để bắt lợn Nít. Ngay lập tức “lái lợn” sở tại như là “chân rết” của họ lao xe vào sâu các bản để  “hốt” lợn. Lợn nhỏ, lớn cứ từ 3kg đến trên dưới 10kg đều bắt tất. Giá thời điểm có lúc lên tới 50 (Tức 50 ngàn/kg). Dân bản nhà nào cũng có mộ ổ lợn mươi con lập tức có trong tay vài triệu tiêu tết.
  Đối với người dân miền núi thì lợn nít là “sản vật” nhà nào cũng có. Khi mà nhu cầu mua với giá rất cao thì người dân đã lập tức “bán thốc bán tháo” để kiếm tiền tiêu tết. Trước một ổ lợn chỉ được vài trăm, nay thì được xấp xỉ nửa triệu đồng, số tiền thực sự lớn đối với người dân bản địa. Và chỉ trong một thời gian ngắn lợn nít miền Tây đã trở nên khan hiếm.
Dân buôn xứ Bắc ào ào lao xe lên tập kết chừng 2 ngày, chiếc xe tải hai giàn chẳng mấy chốc chật cứng lợn Nít. Một xe cũng hàng trăm con lợn Nít. Núi rừng miền tây trở nên xáo động. Người dân bản Khe Bá, Định Tiến, Kẻ Nính… của xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) háo hức hẳn lên.

Sau hai đợt lên rừng “tăm” lợn Nít. Các bản làng xã Châu Hạnh lập tức “cạn” lợn Nít. Trước đây đi vào bản thấy cảnh lợn chạy tung tăng khắp nơi: Dưới sàn nhà, trên rẫy, dọc đường… Nay thì thi thoảng mới bắt gặp chú lợn nít ủn ỉn ủi đất bên đường. 

Hàng trăm con lợn “đặc sản” nhanh chóng toả đi các vùng, nhà hàng trong cả nước. Giá lợn Nít dưới xuôi trở nên cao ngất ngưởng nhưng là của hiếm. Hiếm đến mức nhiều nơi đầu năm muốn kiếm ít thịt lợn Nít lấy “hên” nhưng cũng chẳng có. 
2 chú lợn Nít này có giá 1 triệu đồng như “gia chủ” vẫn lưỡng lự chưa muốn bán

“Đến tụi tui muốn “thết” lợn Nít bạn dưới xuôi lên cũng mò không ra. Đấy mấy bữa trước đành lùng vịt bầu (Cũng là đặc sản của Quỳ Châu-PV) để “dọn” thay thế đấy. Bầy tui đã thế, dân bản địa muốn ăn cũng chịu thôi. 

Mổ một con lợn Nít mấy trăm bạc để ăn “xót” lắm. mà dân thì ai cũng nghèo. Vừa rồi lại bão lụt, đói nhăn răng nên ai cũng bán thốc bán tháo mà…”, Tấu như có vẻ tiếc nuối tuôn một tràng “đại hải’.

Dẫn chúng tôi đến nhà của Lò Văn Cường ở bản Khe Bá. Theo Tấu thì đến “tay này” mà không có lợn nữa là đành chịu. Gặp Cường xách trên tay một cân thịt trâu “chết rét” ở đầu ngõ, hắn hồ hởi: 
Chỉ với chiếc chuồng tạm và cái chum bể làm chỗ ăn, nhà nào ở bản Khe Bá cũng có trong tay bạc triệu từ việc bán lợn Nít

“Vào đây cấy đã. Uống với tui chén rượu. Chú Tấu đây là chỗ quen biết mà”. Trong men rựợu phê phê, Cường bảo: “Trước tết tui mới bán được một ổ nhưng giá chỉ 50 thôi. Chỉ được 300-400 ngàn chỉ mấy. Để đến giừ giá 60 cũng chả mò đâu ra. Tiếc thật. Ấy vậy mà ba bữa tết chẳng có lợn nên đành “xẻo’ con lợn mạ rồi mấy anh em “đụng” nhau”. 

Nói rồi Cường dẫn chúng tôi ra sau nhà, hai chiếc chuồng liêu xiêu với mấy thanh ván ghép vội. Chỉ hai chú lợn Nít “lợ” Tấu bảo: “Hắn định để hai con ni làm “mạ” đấy. Cuối năm cũng chán tiền. Ở cái bản này tìm lợn mạ cũng khó chứ không phải lợn Nít con…”.

“Quả lừa” lợn Nít

“Dân buôn sở tại muốn kiếm đôi con lợn Nít làm quà cho bạn làm ăn mà cũng khó. Huống chi. Trước thì cứ đến sát tết họ mới đặt cho tui đi lùng lợn. Nay thì nếu chậm chân là chẳng có lợn Nít để biếu. Bởi thế mà mấy tháng trước họ cũng đã rục rịch đặt trước rồi…”, Tấu thành thật.

Cũng theo Tấu thì tết vừa rồi hắn “chiêu” được hơn 20 con lợn Nít. Mỗi con dăm chục, tổng cộng cũng được mươi triệu đồng tiêu tết. “Ấy có bà buôn bán ở thị trấn Quỳ Châu gưỉ tui 3 triệu đồng kiếm ít con lợn Nít để biếu may mà tìm được. Nhiều người gửi nhưng tui tìm “đỏ mắt” cũng chưa ra…”, Tấu tiếc nuối.

“Đấy vừa rồi cũng có mấy tay đánh cả xe lên để “săn” lợn Nít nhưng có mô. Tưởng bở, nhưng trong tết đã bị “hốt” hết rồi. Xe nằm dài gần tuần lien nhưng được có mấy con. Đến mức lợn Nít mà chừng 2 đến3 cân họ cũng bắt. Nhiều nhà có ổ lợn mới “ra lò” họ cũng đến dò hỏi và có ý đặt cọc trước. 

Tiền tươi thế nhưng cũng rất ít người dân giám cầm, họ cứ bảo thì “chú cứ để cho xuôi xuôi cái đã”. Giừ nhà nào mà có lợn Nít mà bán là “hốt bạc” đấy”, Tấu nói về lợn Nít với vẻ tiêng tiếc mà như đề cập đến một thứ gì quý giá lắm.
Chú lợn Nít long đen óng này mới được “dân buôn” ưa chuộng

Theo Tấu thì lợn Nít không phải ai cũng biết. Nhiều người cứ thấy người ta bảo là lợn Nít thì cũng hiếu kì ăn cho biết. Chứ không hiểu là mình đang bị ăn “quả lừa”. Và chuyện “lợn xuôi” hoá thành lợn nít đã được giới lái lợn như T sử dụng thành thạo. 

Lợi dụng lúc đêm tối, những tay lái lợn như T lại lén lút xuống Quỳ Hợp bắt lợn Cốc Van-giống lợn cũng nhỏ, lông đen nhưng tai to, mõm to đem vào bản nhập thành lợn Nít. Thậm chí ở đâu có lợn đen mà nhỏ cũng đem lên rừng “phù phép’ thành lợn Nít bán có giá lắm.

Trên chuyến xe đi công tác Quỳ Châu có người đồn: “Có mà lợn Diễn Hồng (Một xã của huyện Diễn Châu-PV) chứ Nít niệc gì. Toàn là lừa cả…”. Đây là đối với người không biết chứ dân bản thì họ biết tỏng tòng tong cái sự lợn xuôi thành lợn Nít. Và đối với quan chức sành ăn ở xứ huyện thì lại chẳng thể “qua mặt” được.

Rời phố núi chiều sương, tôi băn khoăn cho việc một thứ “đặc sản” miền Tây xứ Nghệ như lợn Nít đang khan hiếm thì ít mà tiếc cho “vàng giả hoá vàng thật” thì nhiều…!
Trọng Đức

Khe Bá là một trong 8 bản của xã Châu Hạnh (Quỳ Châu)  được hưởng dự án 135. Bản có gần 200 hộ trong khi đó hộ nghèo chiếm hơn 50%. Người dân chủ yếu đi làm gỗ, lên rừng kiếm củi vì ruộng ít nước. Sau đợt lũ lụt vừa qua, Khe bá cũng như các bản trên địa bàn xã bị “mất trắng”, nhhà cửa tan hoang. Nhiều gia đình phải đi “tha phương cầu thực”. Vậy nên trong nhà có thứ gì đáng giá là bán hết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét