Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Bài 2: Mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở đâu?

Dấu tích thật và giai thoại nơi "cha sinh"!

Giếng bà Cả nay đã thành ao nuôi cá. Tích về cái giếng này ra sao nay vẫn được người dân xóm 4 (Bấy giờ là chòm 4) xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu-Nghệ An) vẫn còn nhớ vanh vách. Theo giai thoại thì đây chính là nơi mà một lần về chơi quê nội, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã đi gánh nước và bị trai làng chọc ghẹo, “tức máu” mới ứng khẩu thành thơ (Vũ hậu tức cảnh)…

Chuyện về giếng bà Cả…
Dẫn tôi men theo đồng lúa xanh xanh, con đường nhỏ tí hin đất nhão nhoẹt. Bùn lấm dày nhèm nhẹp, anh Nguyễn Xuân Hưng (Xóm 4 xã Quỳnh Đôi) nói: “Đó tề (Đó kìa) giếng bà Cả nay thành ao cá rồi. Năm 1972 bom mỹ ném tan hoang nhưng giếng bà Cả vẫn còn. Bầy tui (Chúng tôi) lúa đó chừng 12-13 tuổi thường ra đây lấy nước. Nước ở giếng trong và ngọt lắm. Bấy giờ ở xã ni (Xã này) xóm nào lúc ấy gọi là chòm 4 cũng có một cái giếng như thế. Nào là giếng Ao, giếng Chùa, rồi giếng Re nữa… Phần lớn là giếng đất thôi. Giếng có hình cái phểu rộng lắm. Chộ tui (Nơi Tôi) và anh đứng đây lúc bấy giờ là thành giếng đấy. Tui nghe kể lúc dân làng đào giếng vì mạch phun nước lên mạnh quá nên bà Cả phải sai người thì lấy Chum nút mạch lại để cho kẻ đào đấy. Ấy vậy mà cứ đào được một ít thì lại phải múc nước ra. Cả cái làng ni đều dùng nước giếng của bà Cả đấy…”.
Bia tưởng niệm tại làng Quỳnh

Tại sao gọi là giếng bà Cả? Anh Hưng dáng người lam lũ, chất phác kể chuyện như một “sử gia” của làng. Là thế hệ mới lớn lên khi chiến tranh sắp kết thúc nhưng cái tích về giếng này qua giọng kể của anh vẫn tỏ tường. Theo anh Hưng thì giếng này “sinh ra” từ khoảng 600 năm trước. Lúc bấy giờ ông Tổ họ Phan ở Phú Mỹ (Tức xã Quỳnh Hoa huyện Quỳnh Lưu bây giờ-xã cách xa Quỳnh Đôi chi mươi cây số)-ông được xem là người khai khẩn, chiêu dân lập ấp ở xã Quỳnh Hoa. Vợ ông chết nên sang xã Quỳnh Đôi lấy vợ kế là bà Hà Thị Thai-Con đầu ông Hồ Hân (Theo anh Hưng thì các cụ bảo ông Hân làm tướng dưới thời Lê Lợi?). Lúc bấy giờ làng Quỳnh nắng hạn, khô khốc. Dân làng không có nước để uống, sinh hoạt. Vậy nên bà Thai đã đứng ra vận động sức dân để đào giếng. Giếng nằm ở trung tâm xóm 4 nước trong veo vẻo là kết quả của những ngày lao lực mà bà Thai cùng với dân đào.

Có được nước uống, không những vậy còn rất trong và ngọt nên để tưởng nhớ công của bà Thai, người dân mới quen gọi đây là giếng bà Cả. Sau này bà Thai mất đi giếng được gọi nguyên là bà Cả. Sở dĩ như vậy là vì bà là con cả trong gia đình ông Hồ Hân.

… Và giai thoại!

Theo nhiều nguồn thư tịch và có sự đồng nhất với các nhà nghiên cứu văn học thì Hồ Xuân Hương sinh ra ở xứ Bắc. Tuy nhiên lúc sinh thời bà có về thăm quê nội hay không thì đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào cụ thể. Theo giai thoại thì hơn một lần bà đã về thăm nơi “cha sinh”. Gặp lại bà con, anh em họ hàng. Và trong những lần “chạm mặt”, xung đột đã nổ ra. Lúc còn trẻ bà về quê có đi gánh nước ở giếng bà Cả.  Thùng nước là hai chiếc nồi đất nung. Do vốn là con gái đất bắc không quen lắm với việc quê. Phần vì giếng bà Cả là giếng đất, đường trơn nên sơ ý bà bị ngã. Đôi thùng nước bằng đất vỡ ra. Nước đổ tung toé.

Trai làng quê mùa, xấu xí thấy người con gái xinh xắn về thì tò mò kéo đến xem. Gặp chuyện bà bị ngã nên cười chế diễu mà thích thú. Xuân Hương thấy thế ứng khẩu thành thơ. Trong bài “Vũ hậu tức cảnh” (Dịch là Tức cảnh sau mưa) có viết: Vén bức màn mây thấy mặt trời; Xanh xanh từng đám trắng từng nơi; Núi non cũng muốn nhô đầu dậy; Cây cỏ trăm hoa mỉm miệng cười. Đây là những câu thơ chữa thẹn nhưng thật ma quái.

Một giai thoại khác lại ghi trong một lần về quê nội, Xuân Hương đã đối đầu ngang ngửa với các sĩ tử, ông đồ. Thấy bà về quê, những người ngưỡng mộ bà lũ lượt kéo tới nhà để xem mặt, bắt... hồn thơ, xem có đúng "danh bất hư truyền" như người đời tán tụng không ? Bấy giờ trước mặt họ là một người đàn bà nhan sắc chưa phải chim sa cá lặn, dung mạo cũng chẳng phô bày nhung lụa, phấn son, nhưng phong thái đoan trang, ngôn từ lịch thiệp, lại nổi tiếng về trình độ học vấn, giỏi thơ nôm, khiến ai cũng cảm thấy hài lòng, mến mộ.
Xa xa là giếng bà Cả nay thành ao nơi có giai thoại nói Hồ Xuân Hương đã về gánh nước ở đây

Cuộc thi tài diễn ra ngay tối đầu tiên, tất cả các sĩ tử, văn nhân đều bị đánh bại, riêng ông đồ Dương Trí Tản- tính tình ngang ngạnh, tự phụ, là ra vẻ bất cần. Chờ cho đám bạn bè thất trận đi vãn ông mới thủng thẳng tìm đến ra mắt người đẹp. Rít xong điếu thuốc lào, nhả khói mù mịt gian phòng, Trí Tản cố tình ứng khẩu lại bài thơ đã chuẩn bị sẵn: “Eo lưng thắt đáy thật là xinh; Điếu ai hơn được điếu cô mình; Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa; Càng núc, càng say tính với tình”.

Quá dạn dĩ trong những trường hợp mượn điếu để tả người, vờ say thuốc để say người, lại biết rõ tính tình, nguồn gốc ông đồ tự phong (không qua thi cử, không đỗ ông cống, ông nghè, lại thích đe... hàng tổng) Xuân Hương “tẩn luôn”: “Giương(Từ đồng âm với tên họ là Dương của ông Trí-TG) oai giễu võ thật là kinh; Danh tiếng bao lăm đã tản rồi; Thoáng ngửi, thoáng ghê hơi hương lửa; Tài trí ra sao hỏi tính tình?”.

Có người đã bình rằng: Bài thơ tỏ rõ bản lĩnh nhanh nhạy, sắc sảo và cũng không kém phần thẳng thắn, quyết liệt của Hồ Xuân Hương. Dùng chính cái tên của ông đồ rởm, gõ đầu trẻ không xong, còn đòi gõ đầu Hồ Xuân Hương? Mượn điếu bát để tỏ tình thân... gái; chưa được gái già cho phép đã tính chuyện ái ân (hương lửa) trong khi Xuân Hương có cả đống người chạy theo tán tỉnh nơi kinh kỳ, đô hội còn không được nữa là người nghiện thuốc lào, suốt ngày hun khói mù trời, ăn nói ngạo mạn, xấc xược như ông ta. Thấy thế ông Trí không dám giữ bộ mặt dương dương tự đắc nữa mà nhân lúc mọi người tản đi vì trời khuya, bèn bấm bụng rút lui. Từ đó thôi ti toe, không còn giở thói đàn anh, bắt nạt, lấn lướt, lớp nho sinh, văn sĩ trong làng nữa.

Sách Giai Nhân Di Mặc: Hồ Xuân Hương (In tại Hà Nội thời Pháp thuộc) có mấy câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông rằng: “Người ta nói nhiều về Hồ Xuân Hương; Nhưng người đó là a; Thật mỉa ma; Không ai biết rõ; Như có như không như không như có; Nàng ở làng Quỳnh; Nàng lại ở phường Khán Xuân; Mờ mờ tỏ tỏ…”. (Hồ Xuân Hương- người đó là ai?). Mấy câu thơ ngắn ít nhiều gợi cho người đọc thấy được cái mơ hồ huyền thoại của một nhà thơ nữ hiếm hoi trong làng thơ Việt Nam. Đã có không biết bao nhiêu biện thuyết, bao nhiêu sách báo, bao nhiêu nhà nghiên cứu văn học, bao nhiêu tác giả trong nước đến những người nước ngoài cũng đã bàn luận nhiều về thân thế, sự nghiệp văn chương của nữ sĩ họ Hồ này nhưng đáng buồn thay các ý kiến vẫn khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau…
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét