Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Đi đẻ trên đò!

Câu chuyện về sự sinh tồn trên đất lũ khiến tiếng khóc nhiều hơn là cười. 

"Mưa như dội bom, đêm núi ở một địa phương tỉnh Nghệ An không ánh điện. Khoảng sân mà lũ trẻ thường đá bóng chiều tà nay chỉ thấy nước là nước. Nước ngập đường, gần nuốt cây cột điện. Khuya khoắt, chị chuyển dạ rồi được mọi người đưa đến trạm xá trên chiếc xuồng độc mộc có nốc máy.

20 phút lênh đênh giữa cánh đồng trũng, chị “cập bến” trên bàn đẻ. 5 phút sau, tiếng trẻ khóc ré lên. Mưa vẫn không ngớt, người thân của chị mừng, cười trong tiếng thở dài nhè nhẹ!"


Đặt bút ghi những dòng này, ở nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An mưa vẫn không ngớt. Nhiều xã, nước sông Lam lên cao đã khiến cho mọi con đường vào xóm bị ngăn chặn. Gần nửa tháng bị cô lập như vậy.

Con ơi hãy ngủ...
Tiếng à ơi của chị Nguyễn Thị Mai (27 tuổi, ở xã Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An) cứ não nề. “Con ơi hãy ngủ” - người mẹ trẻ thì thầm bên con khi ngoài kia mưa dội vào mái ngói dội ra những tiếng động lớn. Bé gái mới sinh khóc mỗi lúc to hơn vì sợ. Bà mẹ trẻ cho con ngậm vú nhưng bé vẫn khóc. 

Trong câu chuyện về lũ, việc bé gái con chị Mai được sinh ra là “đề tài” chính. Chị Mai đã mang bầu gần 9 tháng. Đi khám, bác sỹ bảo phải qua tháng 9/2011 mới sinh. Ai cũng an tâm vì ngoài kia nước lũ đang lên. Con đường vào nhà đã ngập cao hơn đầu người. Nước trắng đồng. Hàng cột điện ngày nào nay chỉ lấp ló, chới với trên mặt nước. Người thân khấn trời khấn phật để khi nước lũ rút, chị Mai lại sinh nở. Vậy mà…
Con đò là cứu cánh của người dân vùng lũ, kể  cả sản phụ đi  đẻ
Con đò là cứu cánh của người dân vùng lũ, kể cả sản phụ đi đẻ
Cơm tối xong khi trời còn sáng, chị Mai đi ngủ. Nửa đêm nghe tiếng chị gọi, mọi người thức giấc. Chị chuyển dạ. Trong tích tắc, người thân gọi đò để đưa chị đi trạm xá.
Gần 20 phút ngồi lênh đênh trên đò, chị được đưa lên bàn đẻ. “Chỉ có tích tắc thôi là nó sinh. Thấy đứa bé khóc, chúng tôi mới thở phào. Lúc ấy chỉ biết khóc vì sướng thôi. Mẹ tròn con vuông rồi”, mẹ chị Mai kể.

Phận nghèo đi khám bệnh trong lũ

Tại xã Thanh Lâm, bao xóm đã cô lập. Sơn Lĩnh 1, Sơn Lĩnh 2 nước đã bao vây tất cả. Hai thôn này nằm bên cạnh núi, cách biệt với xã Thanh Lâm. Địa chỉ này chỉ cách sông Lam có mấy bước chân nên được mệnh danh là “rốn lũ”. Ngày lũ, để vào 2 xóm này chỉ có cách là đi đò.
Bà Phan Thị Đường (hơn 70 tuổi ở xóm Sơn Lĩnh 2 xã Thanh Lâm) có đứa con gái năm nay 27 tuổi. Khi nước lũ dâng được 1 tuần, đang ăn cơm, cô Nguyễn Thị Vân ho ra máu. Sau đó sức khỏe Vân ổn định, hơn nữa ngoài trời vẫn mưa, nước lũ lại đang lên nên chuyện khám bệnh cho Vân đành gác lại.

Ngày 18/9, trời bớt mưa, bà Đường nhất quyết bảo đứa cháu ngoại chở Vân ra thuê đò để xuống thành phố Vinh khám cho con. Khám xong buổi trưa thì thì đầu giờ chiều mẹ con bà lại khăn gói về quê.
“Về không nước lũ lại vào. Mưa lớn đưa con đi đò cách trở ngại gặp chuyện chẳng lành”, bà Đường nói.

Được biết, để có thể ra đường khô đi xe máy, bà Đường đã phải thuê đò có nốc máy lênh đênh qua nhiều cánh đồng rồi đến cồn Thập Mẫu (Giáp danh giữa xã Thanh Giang và Thanh Lâm). Tại đây mới có thể đi xe máy để xuôi thành phố Vinh được. Bình thường từ nhà ra đến đây chừng 10 phút nhưng đi đò ngày lũ cũng mất đến nửa tiếng đồng hồ.

Chừng ấy quãng đường, cả đi cả về bà Đường trả cho người lái đò 240 ngàn đồng. Cộng cả tiền thuốc men của con, xấp xỉ tiền cũng bạc triệu. Phận nghèo trong lũ đã khổ, gặp chuyện đi lại như chị Mai, bà Đường thì chỉ muốn khóc.

An nhàn ngày lũ

Ở những xã bị nước lũ cô lập thì việc không có ăn mà vẫn ngồi uống nước chè lại không phải chuyện lạ. Theo anh Nguyễn văn Sơn ở xóm Sơn Lĩnh 2 thì nước lũ đã lên được gần nửa tháng. Thôn của anh và các thôn lân cận đã bị “phong tỏa”.

Sự sinh tồn chỉ có tự thân vận động. Cơm không thiếu chỉ có thiếu rau.
“Ăn cá với dam (Con dam) mấy ngày này đến phát ngán rồi. Gạo thì trong phi cũng đủ ăn nhiều tháng không lo đói. Nhưng khó nhất là rau ria. Có vạt rau cải trong vườn thì nước đã ngập cũng như ăn cả rồi. Nhút (Tức xơ quả mít, mít non cắt ra muối) trong lon cũng đã vét sạch rồi. Kiếm được rau gì thì ăn thứ ấy thôi”, anh Sơn nói đến rau mà như một cái gì đó xa xỉ lắm. Thậm chí nhà nào có buồng chuối xanh còn non cũng phải tận dụng để cải thiện bữa ăn.

Thiếu là thế nhưng mỗi khi lũ về (năm nào cũng có lũ), người dân các xã ven sông Lam lại “nhàn” hơn. Ấm nước chè xanh ngút khói trong ngày mưa có lẽ là “đặc sản” không chỉ buổi sáng sớm mà giờ nào cũng có.
Vớt vát lúa ngập còn lại
Vớt vát lúa ngập còn lại
Người lớn thì vậy, trẻ con cũng nhàn không kém. Tại xã Thanh Giang, nước lũ lên cao, nhiều ngôi trường bị ngập, học sinh được ở nhà. Tranh thủ nước lên cao, các em lại ra đồng bắt cá, bắt cua.
Không có học sinh, tập thể giáo viên của nhiều ngôi trường cũng vắng hoe. Giáo viên ngồi bó gối chờ nước lũ rút để đón các em đến trường.
“Năm nào cũng thế, cứ đến mùa lũ chúng tôi lại nhàn. Để cho các em kịp chương trình học, học sinh vùng lũ phải học trước khi khai giảng hơn 1 tháng để đón lũ. Vậy nên từ lúc khai giảng xong được mấy ngày là lũ về nên các em lại nghỉ học”, cô giáo Nguyễn Thị Hà, trường THCS Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, Thanh Chương nói.
Ngồi túm tụm xung quanh ấm nước, mọi người nói chuyện rôm rả. Cái sự vất vả và lo lắng cho chuyện đói chẳng thấy đâu chỉ có tiếng cười. Có lẽ đó là điều mà ấn tượng với tôi khi đến với người dân nơi đất lũ.
Trọng Đức   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét