Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Thể xác tôi đã thuộc về người khác!

"Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy… Kể từ giờ phút này, ngày 20/2/2011, thể xác tôi thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”. Người viết bức thư này vẫn đang rất khỏe mạnh. Ông đã tự chọn đoạn kết cho mối tình với Y học

Nghiện Y học

Đến nhà (xóm Xuân Định, xã Nghi Đức, TP. Vinh), chúng tôi được gặp một người đàn ông 53 tuổi, áo sơ mi trắng, cavat sọc chéo xanh, xám, bộ vét màu tro. Trông ông nhã nhặn, nghiêm túc và khỏe mạnh.

“Ngày trẻ tôi thích học y lắm. Cứ thấy hình ảnh người bác sỹ trẻ khoác chiếc áo Blu trắng tôi lại thèm. Năm cấp 3 tôi nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Y Hà Nội”, nói đến đây thạc sỹ Nam im lặng giây lát.

Rồi ông bảo: "Thi xong trường Y, đang chờ kết quả thì có trường về tuyển công an. Tôi đậu. Thương con sau này vất vả, và thích nghề giáo nên bố ông đã xin cho ông chuyển sang ngạch sự phạm ở Trường Đại học Sư phạm Vinh (hiện là Đại học Vinh). Tôi đã chọn ngành Sinh học cho “gần gũi” với bác sỹ". 


Thạc sỹ khoa học Lương Hoài Nam.
Thạc sỹ khoa học Lương Hoài Nam.

Dẫu vậy nỗi “thèm thuồng” làm bác sỹ vẫn cứ bám riết lấy ông trong mỗi giấc ngủ. Đang học năm thứ nhất Trường Đại học sư phạm Vinh, ông Nam nộp đơn thi vào Trường Đại học Y.

Điểm thi ở đúng trường ĐH Sư phạm Vinh ông đang theo học. Ngày làm "sỹ tử", ông đã hóa trang rất kỹ. Nhưng một giám thị của trường nhận ra cậu học trò "đi thi trộm".

“Lúc bấy giờ, nhà trường đã họp lên họp xuống nhiều lần xem có đuổi học tôi không. Lúc đó việc một sinh viên được theo học nhiều trường không phải dễ dàng như bây giờ” - ông Nam kể lại đầy nuối tiếc.

Chàng sinh viên U50

Hỏi ông sau cái chuyện đi “lăng nhăng, bồ bịch” ấy ông có bị đuổi học? Không nhận thấy tiếng thở dài trong ông nhưng lại có cái gì đó vướng bận.

Ông khoe may nhờ có giáo viêc chủ nhiệm lúc bấy giờ đã thuyết phục hội đồng nhà trường nhiều lần. Hơn nữa các thầy cũng hiểu được sự thích thú ngành Y của cậu sinh viên trường mình nên bỏ qua. 

Học xong và sau này trở thành nhà giáo ở nhiều địa điểm và nơi dừng chân gần nhất là Trung tâm giáo dục thường xuyên số 2 tỉnh Nghệ An nhưng hai chữ “ngành y” vẫn âm ỉ cháy trong tâm can của cậu sinh viên năm xưa.
Đơn xin hiến xác của ông Nam.
Đơn xin hiến xác của ông Nam.

“Tuổi ngày càng cao, khát vọng của mình vẫn ấp ủ. Khoảng năm 2008 tôi quyết định đi học để ngành Y. Nhiều ý nghĩ, cái liếc mắt, bĩu môi về chuyện “khác người” của tôi”, ông Nam tâm sự.

Và rồi những ngày sau đó, tại Trường Cao đẳng y tế Nghệ An (nay là Trường Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An), người ta lại thấy một người đàn ông luống tuổi học cùng giảng đường với bọn trẻ mà tính tuổi thì bằng con.

"Tôi thường bị nhầm là giảng viên" - ông Nam vừa cười vừa nói. Học xong Cao đẳng, ông Nam tiếp tục học lên Thạc sỹ. Ông đã bảo vệ thành công đề án thạc sỹ về cây thuốc dân tộc Thái vùng Tây - Bắc Nghệ An. 

Đoạn kết của “mối tình đầu” với y học!

Trước khi giới thiệu chúng tôi gặp thạc sỹ  Lương Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh Nguyễn Trọng Tài đã chần chừ. Ông điện thoại cho ông Nam.


 “Anh hiến mình là vì một nền y học của nước nhà tiên tiến. Với tư cách là những người thầy thuốc, chúng tôi rất cảm ơn trước nghĩa cử cao đẹp của anh Nam. Không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua được sức ép từ gia đình, dòng họ rồi quan niệm về tâm linh... để hiến tặng thể xác của mình.
Nhà trường sẽ làm một số thủ tục tiếp theo để phù hợp với luật pháp và tâm linh của người Việt. Mặt khác cũng phải làm thế nào để khai thác công năng tối đa đáp ứng được tình cảm của người cho. Nhà trường không chỉ có nhu cầu về một xác mà cần nhiều hơn nữa vì sự phát triển của cộng đồng, y học…” -

Tiến sỹ  Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh
Ông Tài kể: "Anh ấy đã suy nghĩ giây lát rồi nói: Tôi nghĩ cá nhân mình hiến xác là chuyện rất đỗi bình thường, là rất nhỏ nhoi. Nhưng hiện Trường đã lên  Đại học tôi nghĩ nhà trường không chỉ cần một xác mà cần rất nhiều. Nếu việc tuyên truyền mà kêu gọi được nhiều người cùng đóng góp cho y học nước nhà thì tôi đồng ý".
Rồi ông Tài trao cho chúng tôi là đơn tự nguyện kèm tấm  ảnh 4+6 và một số giấy tờ liên quan. Nét bút người đàn ông trạc tuổi ngũ thập bay lượn, cứng cỏi. 

“Vốn yêu thích nghề y nên từ nhỏ tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về ngành này. Tôi hiểu rất rõ giá trị của xác người trong việc nghiên cứu và học tập. Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy… Kể từ giờ phút này, ngày 20/2/2011, thể xác tôi thuộc về Trường Đại học Y khoa Vinh”.

Ông đã lựa chọn như vậy. Hệ quả của khát khao tuổi trẻ, của sự theo đuổi ước mơ cống hiến cho y học. Ngay cả khi đã chết đi rồi.

Tôi biết, ông Nam đã thuyết phục vợ rằng: “Mình hiến xác là mình được sống mãi...”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét