Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Bài 3: Tình ết!

Cổ tích tình yêu trong “ngôi nhà ết”!

Tình yêu đã đến với Vinh-Quyên
Chị vượt qua nỗi đau chồng, con mất, mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV quyết sống có ích; anh mạnh mẽ dũng cảm nhận ra “vết trượt cuộc đời” của mình để hướng thiện… Hai số phận đớn đau đến tội nghiệp ấy đã gặp nhau và tạo nên câu chuyện tình yêu diệu kỳ khi đang đối diện, chống chọi với “thần chết”…

Hướng thiện sau 10 năm “nhúng chàm”…
Biết, chơi và thực sự “say đắm” với ma tuý có “số, má” trong giới giang hồ; đặc biệt nhất là từ khi Nguyễn Thành Vinh biết mình  có thể “chết” bất cứ lúc nào vì “dính chưởng ết” thì ít ai nghĩ cậu có thể “quay đầu”. Hơn 10 năm “ngang dọc” đã luyện cho cậu bản tính lì lợm, thà chết chứ không chịu đầu hàng. “Thực sự cai nghiện đối với tôi chả có nghĩa lý gì. Tôi không còn thiết sống thì cai mần chi. Và sống hẳn có ích gì…”, Vinh nói về những ngày tháng tuyệt vọng. Vậy nhưng những lúc tĩnh tâm ở những trại nghiện Vinh lại nghĩ nhiều tới gia đình, tới bố mẹ. Và năm 2002 vợ Vinh sinh một cháu gái đầu lòng khoẻ mạnh, Vinh mới thấy mình thật may mắn.  Dường như dòng máu hướng thiện bắt đầu trỗi dậy trong cơ thể cậu. Khiến cho những ngày tháng đó  cậu hay nghĩ đến con gái. Thấy “thèm” được sống.

Năm 2003, Thành Vinh lại bị bắt đi cai ở Lèn Dơi (Nghi Lộc-Nghệ An). Tưởng Vinh sẽ biết ăn năn, nhưng sau 9 tháng cai nghiện rồi ra trại, cậu lại tiếp tục theo “lối mòn”. “Tôi thấy mình thật mâu thuẫn. Lúc tôi thấy cuộc đời thật đẹp. Mình đã trở thành người bố. Nhưng lúc lại nghĩ ngày mai mình sẽ chết hẳn sống để làm gì. Nghĩ thế khiến cho mọi quyết tâm của tôi tan biến. Rồi lại theo bạn bè hút chích…”, Vinh nói về những ngày khó khăn nhất của cuộc đời mình. 
Chuyện với PV (Áo trắng), vợ chồng Vinh Quyên vẫn niềm nở!



Vết trượt  dài của Vinh kéo dài đến 3 năm sau. Khoảng tháng 2 hay tháng 3 năm 2006, bố mẹ quyết tâm đưa Vinh lên Anh Sơn cai nghiện. “Ông bà cứ nghĩ đưa lên đây sẽ rời xa được môi trường, bạn bè xấu. Hơn nữa trên thì thì có tiền cũng không biết mua thuốc ở mô. nhiều lúc nằm tui nghĩ: Mình thì còn đếch gì nữa. Sống không bằng chết. Hơn 10 năm chơi bời phá phách còn gì. Con gái cũng đã được 4 tuổi. Cứ nghĩ sau này nó đi học, bạn bè có hỏi về người bố này cũng tội cho con. Nghĩ thế mà tui cứ trằn trọc mãi. Rồi tui quyết tâm cai nghiện…”, Vinh tâm sự. Sau khi cai nghiện trở về thì vợ chồng Vinh li dị. Đây là khoảng thời gian cực kì “sốc” đối với Vinh.

Điều kỳ diệu của tình yêu
Và như chợt nhận ra cuộc sống thực tại thật đẹp, Vinh kể cho tôi nghe câu chuyện tình yêu của mình cũng với một “cô dâu ết”. Thực sự tôi bất ngờ khi trước mắt mình là một cặp vợ chồng mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Cả hai con người này cũng đã từng qua một lần đò; cũng cùng chịu chung một sự bất hạnh. Chỉ khác là cái cách mà họ đến với “ết” khác nhau. Nhìn nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc và đầy tự tin của họ khi nói về số phận của mình mới hay cuộc đời thật đẹp. Nhìn họ tôi nghĩ không có bệnh tật nào có thể khiến họ gục ngã. Vinh tự tin, không có vẻ ái ngại khi nói về quá khứ của mình. Ngồi bên cạnh, luôn nở nụ cười rạng rỡ Ngô Thị Quyên mê đắm nói đến hạnh phúc  riêng tư của họ.    

   … Ngày ấy Vinh còn nhớ như in. Anh thực sự muốn sống nên mới tìm đến thuốc kìm hãm sự phát triển của căn bệnh HIV. Rồi anh được tham gia một khoá tập huấn, điều trị ngắn hạn về căn bệnh HIV ở TX Cửa Lò (Nghệ An). Giữa những số phận nghiệt ngã, Vinh bắt gặp ánh mắt hút hồn của cô gái miền sơn cước. Sẵn có tính “lãng tử”, Vinh đến gần cô gái để chuyện trò. “Thì tôi cũng đến hỏi han về cô ấy. Rằng tại sao lại bị bệnh… thế thôi… Không ngờ…”, nụ cười mãn nguyện như ông lão đánh cá vớt được con cá vàng, Vinh hóm hỉnh nói về quá trình chinh phục tình yêu của mình.
        “Xã hội nên tạo điều kiện cho họ sống hạnh phúc”!
Bà Phan Thị Trí
Bà Phan Thị Trí-Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp: “Mình mừng cho họ vì họ đã tự nguyện đến với nhau. Và bằng tình yêu thực sự. Mình cũng mong muốn họ hạnh phúc. Xã hội nên tạo điều kiện cho họ sống thực sự hạnh phúc…”.

… Buổi đó, vượt lên nỗi đau mất con mất chồng, lại mang trong mình căn bệnh “ết” cô giáo mầm non Ngô Thị Quyện đã tự tin sống và chiến đấu với bệnh tật. Phải rất lâu lắm cô mới chấp nhận một thực tại rằng mình bị căn bệnh quái ác. “Cũng đã có những phút tôi nghĩ đến cái chết. Nghĩ mình sống để làm gì. Nhưng thấy như thế thật tồi tệ. Lúc đó trên địa bàn Quỳ Hợp cũng có một số người khác cũng bị bệnh. Tui cứ nghĩ mình có tội gì đâu. Mình phải sống chứ...”,  cô giáo Quyên nhớ lại. Rồi thời gian thắm thoắt thoi đưa, Quyên tham gia vào một nhóm đi tuyên truyền vận động những người có cùng cảnh ngộ. Và cô đã gặp Thành Vinh. Với cách nói chuyện có duyên trong khoảng thời gian ít ỏi chờ khám bệnh phát thuốc họ đã đồng cảm về nhau. Sự đồng cảm của những nạn nhân “ết”.

“Thực sự lúc đó chúng tôi không nghĩ mình sẽ có tình yêu. Mà chỉ là sự cảm thông. Quyên một cô gái đầy bất hạnh. Cô chả có tội tình già cả. Nhưng cuộc đời nghiệt ngã đã cướp đi của cô những gì quý giá nhất. Quyên thực sự là động lực để tôi thấy quý cuộc đời. Cuộc đời tôi khác xa một trời một vực với cô. Tôi sướng quá hoá hư, còn Quyên chỉ toàn đớn đau. Những ngày sau khi gặp Quyên tôi mới thấy mình quý cuộc sống biết nhường nào…”, Thành Vinh nói về Quyên như một “liều thuốc hồi sinh”. Phút gặp gỡ giữa hai nạn nhân ết ấy tưởng như cơn gió thoảng qua. Ấy vậy mà đã làm nên điều kỳ diệu. Những ngày sau đó, Thành Vinh quen dần với việc mình phải dùng thuốc để điều trị. Và mỗi lần như thế anh lại nghĩ đến Quyên. Sau lần gặp gỡ ấy, họ có đôi lần “tái hợp”, chuyện trò ngay ở Vinh. Để rồi đến khoảng tháng 4/2007 đùng đùng Thành Vinh chuyển lên đất Quỳ Hợp sinh sống để được gặp Quyên nhiều hơn. Và họ đã yêu nhau trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Hạnh phúc thực mà như mơ!
“Gia đình tôi  phản ứng mạnh lắm. Trong nhà có một người “ết” đã khổ rồi còn rước chi một người nữa. Rồi hai con người cùng mắc bệnh ết sẽ sống sao đây. Nhưng tôi không thể không có Quyên…”, Thành Vinh bảo. Bất chấp sự can ngăn của mọi người, dám đón nhận khó khăn trước mắt hai con người bệnh tật đã đi đến hôn nhân. Khoảng tháng 6/2007 thì Vinh Quyên quyết định kết hôn. Đám cưới của họ thật đặc biệt. Nhà chú rể ở TP Vinh nên “tiệc cưới’ của họ sẽ diễn ra ở nhà họ gái ở làng Lè xã Châu Quang (Quỳ Hợp). Đám cưới không có nhạc nhưng có sự góp mặt đông đủ của mọi người. Phía họ nội mặc dù trước đó phản ứng kịch liệt nhưng bố mẹ, chị em gái vẫn lên mừng hạnh phúc cho Vinh. Phía nhà gái còn có thêm sự góp mặt của bố, anh trai chồng cũ của Quyên. Thành phần bạn bè của cô dâu chú rể không thể thiếu đó là những người cùng cảnh ngộ với cô dâu chú rể như mắc bệnh “ết” và nghiện. Hiếm có một đám cưới nào lại cảm động và “lạ” đến thể!

Nhận những lời chúc tụng mừng hạnh phúc cho đôi “tân lang”, Quyên không thể nào nghĩ mình lại có ngày này. Trước đó cô đã phó mặc tất cả cho số phận, cô cứ nghĩ mình như chiếc lá vô tình dòng nước cuốn trôi lúc nào không hay, lúc lại nghĩ mình như bong bóng nước vụn vỡ tan giữa cuộc đời. Giờ đây có Vinh sát cánh cô đã đứng lên để giành lại cuộc đời. Sau đám cưới, bố mẹ chú rể đã xây cho “vợ chồng  ết” một căn nhà ba gian với đầy đủ tiện nghi ngay ở xã Châu Quang. Hàng tháng ông bà còn chu cấp tiền cho anh chị lo phần thuốc men. Hạnh phúc thực sự và hiện rõ trên khuôn mặt của cặp vợ chồng Vinh Quyên khi ngồi chuyện trò với chúng tôi.

Những lời tâm sự từ cõi lòng của Thành Vinh khi chia tay chúng tôi thật cảm động. Anh bảo: “Người ta thì tìm mọi cách để được sống ở Thành phố. Còn tôi sướng không chịu, lại lên rừng thiêng sinh sống, làm một lão nông tri điền thực sự. Sớm cũng 5 giờ sáng dậy ra đồng. Chiều cùng vớí con trâu ra đồng có lúc đến 7 giờ tối cũng chưa về. Cũng gặt hái như ai. Vừa rồi ông bà ngoại cho 2 sào ruộng và vợ chồng tôi nuôi thêm 2 con trâu…”.
Từ nhỏ có khi mô cày cấy sao anh biết làm?

Thành Vinh nhìn vợ cười. Nụ cười thật rạng rỡ nói: Thì làm rồi quen đi. Mà tôi cũng không làm được nhiều. Vì những lúc đó tôi hay bị ra mồ hôi... Lúc này tôi mới choàng tỉnh nghĩ mình đang chuyện trò với cặp vợ chồng đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ: Căn bệnh lấy đi cuộc đời nhiều điều nhưng đã hồi sinh cho cuộc sống này thật lắm điều kỳ diệu…
 Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét