Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Bài cuối: Tình ết!

“Ết” ơi… đừng tuyệt vọng ?

Con đường mòn mà Vinh-Quyên cùng đồng nghiệp thường đi!
Vinh Quyên-“vợ chồng  ết” không những chiến thắng bệnh tật vươn lên sống hạnh phúc mà còn dang tay giúp những người cùng cảnh ngộ. Hàng ngày anh chị và “đồng nghiệp” đã đi khắp các ngõ ngách nhặt nhạnh hàng trăm chiếc kim tiêm còn sót lại, chỉ cho “bạn bệnh” biết cách hạn chế, kìm hãm sự phát triển của căn bệnh HIV… Cùng với họ đến những “điểm đen” hút chích, tôi hiểu những nạn nhân ết họ không bao giờ tuyệt vọng…

Chúng tôi đến trạm xá thị trấn Quỳ Hợp-nơi “đóng quân” của những người bị nhiễm HIV khi cơn mưa rừng vừa ngớt. 1 giờ chiều, vợ chồng Vinh Quyên chưa đến, chị nhân viên trực cho hay: “Anh chờ một lát. Vợ chồng Vinh quyên sẽ đến ngay thôi. Ngày nào họ cũng đến đây “làm việc”… 
Tôi mừng vì ở nơi này, khoảng cách giữa những nạn nhân ết và người bình thường chỉ là “Zêro”. Ít ra những  con người xấu số này vẫn được xem là một công dân bình thường, được làm việc và sống có ích cho xã hội…

“Dựng tóc gáy” đi nhặt kim tiêm…
14 giờ vợ chồng Vinh Quyên đến. Sau cái bắt tay thật chặt và nụ cười hiện rõ chúng tôi cùng những thành viên trong nhóm tuyên truyền HIV đi nhặt kim tiêm. Ngoài vợ chồng Quyên còn thêm chị Hồng-thành viên tổ Đồng Đẳng cùng một CTV khác ngồi lên 3  xe máy lao vào “điểm nóng”. 
Các thành viên này đều khoác trên mình chiếc áo xanh nước biển và không quên mang theo hộp đựng kim tiêm. Chỉ có chúng tôi là lạc loài. Thú thực ngồi sau xe người đồng nghiệp theo chân “đội quân” này tôi vẫn thấy chộn rộn, nhất là sau khi bắt tay với Vinh. Từ trung tâm thị trấn, chúng tôi đi chừng một cây số đã đặt chân đến điểm cần đến. “Đây là đường vào xưởng Quặng-khối 5 của thị trấn. Một trong 7 “điểm đen” mà đối tượng nghiện làm điểm đáp…”, xe vừa chạy Quyên nói vọng rồi giải thích.

Trước mắt chúng tôi là con đường sâu hun hút, hoang lạnh ít có bóng người. Lia mắt nhìn xung quanh hàng chục chiếc kiêm tiêm đã qua sử dụng vương vãi dưới nền đất loang lỗ; đôi cái treo lủng lẵng lên bờ rào. Cái cảm giác ghê rợn dần hiện rõ khi tôi cứ liên tưởng chỉ một sơ sẫy nhỏ là mình có thể bị kim đâm phải. Xe dừng, Quyên và chị Hồng bình thản lao vào nhặt kim tiêm. 
Một, hai rồi nhiều chiếc được chị Quyên tỉ mẫn nhặt lên rồi đâm đầu kim vào thân cây cho nó quặp lại rồi bỏ vào hộp. Chúng tôi đã cảm thấy hết sợ khi chứng kiến những thành viên như chi Quyên nhặt kim tiêm. Anh bạn  đi cùng lớ ngớ: Đi dép ni mà dậm cái thì toi. Vừa nói chốc chốc anh lại nhìn xuống dép xem mình có dậm phải kim không vì ở dưới nền đất la liệt kim. “Ri thì chi mà nhiều. Nhiều lúc chúng em cứ nghĩ mình đang mò ốc ấy. Nhiều kinh khủng…”, nụ cười thật hiền chị Hồng nói.
 Hãy chung tay "giúp ết"!

Thế các chị không sợ à, tôi hỏi?
“Làm riết đi cũng quen rồi. Cũng không thấy sợ nữa”, vừa nói chị Quyên vừa săm soi mắt nhìn vào mọi ngóc ngách bụi rậm rồi chổng mông thò đầu thò tay vào để nhặt kim tiêm. Một hình ảnh thật đẹp nhưng ghê rợn. Chừng 15 phút đi nhặt chiếc hộp đựng kim tiêm đã đầy. “Thường thị một tuần chúng tôi nhặt một lần ở các điểm. Một lần như thế được 2 hộp/2 người tương đương với gần 500 kim tiêm. Một tháng chúng tôi lại phải nộp 1,5 ngàn kim/người để cho ngành chức năng tiêu huỷ. Lúc nào mà bận quá không đi nhặt được thì nhiều lắm…”. 
Lúc rời khỏi địa điểm rùng rợn, thấy có  cả những chiếc kim tiêm bỏ cận thận vào bao ni lông. “Chúng tôi đi tuyên truyền, phát kim tiêm và bỏ họ sau khi sử dụng thì bỏ vào bao. Nhưng rất ít con nghiện thực hiện. Thậm chí họ còn đưa cả hoa quả, bánh kẹo… vào đây để ăn sau khi đã thoả mạn cơn thèm thuốc…”, chị Quyên thất vọng.
    
“Ngôi nhà” của những nạn nhân HIV
Năm 2003 sau khi chồng, con mất vì căn bệnh thế kỷ, phải một thời gian rất dài Quyên sống trong tuyệt vọng. Nhưng dường như vốn trách nhiệm là một cô giáo khiến cho Quyên không thể đầu hàng số phận và nghĩ phải làm một việc gì đó. May thay năm 2004 tổ Đồng Đẳng nằm trong dự án phòng chống HIV/AIDS của Ngân hàng thế giới ra đời, Quyên “xung  phong” vào tổ chức này. 
Ban đầu chỉ có mình Quyên sau này còn có thêm Hằng-cũng là một nạn nhân cùng cảnh ngộ với cô cùng làm việc. Bấy giờ ở Quỳ Hợp, người dân không quen lắm với sự xuất hiện của hai cô. Và cũng chẳng biết họ làm việc gì. Chỉ hay là Quyên và Hằng cứ la cà đến những gia đình có con nghiện để vận động tuyền, phát kim tiêm và bao cao su cho họ. Tư vấn thêm cho họ cách để bảo vệ người thân và phòng chống căn bệnh HIV…

“Đến phát kim tiêm mới cho người nghiện thì người thân họ đuổi giãy nãy. Họ bảo khuyên con người ta thôi chích không được lại đi “bày đường cho chuột chạy”. Họ không biết làm như thế sẽ tránh được sự lây lan của dịch bệnh. Thậm chí nhiều người có người thân bị Ết khi chúng em đến họ còn đuổi đi. Họ dấu vì xem đó như là vết nhơ làm ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng sau nhiều lần đến và bảo họ chúng em đến là để giúp người bệnh sinh hoạt để tránh lây lan với người khác… Sau dần dà họ cũng chịu…”, Quyên nói về những ngày khó khăn nhất đi vận động. 
Hiện tại Hằng đã mất, và tổ Đồng Đẳng đã có thành viên mới là chị Hồng. Quyên vẫn luôn tự hào đây là “ngôi nhà chung” của những bệnh nhân ết trao đổi, động viên truyền kinh nghiệm cho nhau chiến đấu với bệnh tật.

“Vì ngày mai tươi sáng Quỳ Hợp”
Đây là tên gọi của nhóm những người bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV ở Quỳ Hợp do Nguyễn Thành Vinh sáng lập. Hiện nhóm có 15 thành viên và 7 cháu nhỏ là con em của những nạn nhân ết. 
Cần thêm nhiều người như vợ chồng Vinh-Quyên!

“Tình cờ có anh nhà báo lên công tác mới hỏi em là mình đã có nhóm của những người dính HIV chưa. Về em cứ suy nghĩ mãi. Mới đây em biết ở Hà Nội cũng có một nhóm như thế nên mới tìm ra Hà Nội để học tập cách thức hoạt động của họ. Và ngày 15/3/2008 vừa rồi nhóm  của em được thành lập…”, trưởng nhóm Thành Vinh tâm sự.
 Cũng theo Vinh thì nhóm gặp mặt thường xuyên. Nhiệm vụ của Vinh là tìm đến sách báo, mạng Internet… để lấy những nội dung  liên quan đến cách phòng, chữa và những bài thuốc đối với căn bệnh ết rồi phổ biến cho những thành viên để họ làm theo. Ngoài ra nhóm cũng thường xuyên thông báo và đến chăm sóc những người bị bệnh. “Nhóm có 7 em nhỏ là con cái của những bệnh nhân ết nên rất đáng thương. Trong số này có những em cả bố và mẹ đều bị bệnh. Có em thì bố mẹ đã chết phải ở với ông bà nội già nua. Tội nghiệp các em lắm…”, Vinh than thở.

Hiện tại thì Vinh day dứt điều gì nhất?
“Em thì cũng tạm ổn. Chỉ mong tìm một việc làm cho những thành viên trong nhóm. Phần giúp họ được khuây khuả, phần có thêm tiền để họ cải thiện sức khoẻ. Vì phần lớn gia đình cuả họ đều nghèo nên rất khó để bấu víu. Hơn nữa nhóm em cũng chưa có kinh phí nên hoạt động khó khăn lắm…”.
Câu chuyện chúng tôi dừng dây lát khi Vinh nói về nguyện vọng của mình. Chia tay Vinh, xa những thành viên trong “ngôi nhà ết” tôi cầu mong cho họ sống khoẻ mạnh, có ích. Và mong sao xã hội hãy xem họ như những người bình thường, giúp đỡ họ được hạnh phúc.
            
                            “Cần có sự giang tay của toàn xã hội”
 Bà Phan Thị Trí-Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp: “Tôi nghĩ thật mình tuyên truyền vận động nhưng rất khó để ngày một ngày hai xoá đi cái nhìn kỳ thị của xã hội đối với những người nghiện, nhiễm HIV. Việc họ thành lập ra nhóm thật tốt. Ở đó họ nói chuyện trao đổi với nhau rất thoải mái. Họ có cái lương tâm mong muốn người khác không bị như mình. Nhóm hoạt động như thế là rất tốt quá hay. Huyện sẽ xem xét lấy kinh phí từ nguồn tuyên truyền tác hại ma tuý để cho nhóm hoạt động. Còn về công việc thì ở tầm huyện là rất khó. Mà cái này cần có sự dang tay của toàn xã hội…”.
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét