Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Bài 2: Tình ết!

Cuộc đời đầy sóng gió của “cô dâu ết”!

Quyên không có vẻ mình mang căn bệnh  "ết"!
Đứa trẻ bụ bẫm cất tiếng khóc chào cũng là lúc Ngô Thị Quyên (SN 1977) ở làng Lè xã Châu Quang (Quỳ Hợp-Nghệ An) tuyệt vọng. “Giấy báo tử” trao tay cô quá bất  ngờ khi biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Từ khoảng 7 đến 10 tháng sau đó, con và chồng lần lượt ra đi cũng là lúc cô không còn thiết sống trên cõi đời này nữa. Niềm vui chưa tày gang nhưng sóng  gió cuộc đời đã vội vùi dập lên bông hoa rừng tinh khôi…

Em mơ làm cô nuôi dạy trẻ!
Ngồi trước mặt tôi là Quyên bằng xương bằng thịt-một nạn nhân (Tôi gọi những người nhiễm HIV là nạn nhân) của căn bệnh AIDS. Cô không đẫy đà mà nhỏ thó nhưng rắn rỏi và đầy sức sống. Cô không đẹp nhưng đôi mắt to tròn làm Quyên trở nên sắc sảo. Tôi đồ rằng trước đây cô đã khiến cho rất nhiều người đàn ông phải xiêu lòng. Gần 5 năm chinh chiến với căn bệnh “ết” cô không gục ngã mới là là lạ nói chi đến chuyện “đẹp”.


Quyên rất cởi mở nói về cuộc đời mình. Một cuộc đời bất hạnh mang tên làng Lè nơi cô sinh sống. “Tuổi trẻ của em cũng đẹp lắm chứ. Em luôn mơ làm cô giáo nuôi dạy trẻ. Được vui vẻ bên các em nhỏ. Nhìn nụ cười chúm chím trên môi các em là tui vui rồi…”, Quyên tâm sự.

Học hết phổ thông vì một số điều kiện, Quyên không theo đi  ngành học ở xa. Sẵn có ước mơ từ lâu, cô theo học một lớp đào tạo giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Một thời gian sau khi hết khoá học, cô được nhận vào làm giáo viên mầm non ở xã Châu Quang. Cầm quyết định trong tay cô mừng lắm. Có sắc lại có việc làm, bấy giờ cô được rất nhiều chàng trai chú ý. Bỏ qua tất cả những lời bàn, Quyên yêu một anh lái xe. Người yêu  cô cũng là người ở huyện Quỳ Hợp.
Tình yêu của cô giáo thôn quê say đắm lắm. Năm 2002 họ đi đến hôn nhân. Lễ thành hôn của họ vui lắm. Hạnh phúc ngọt ngào hơn khi gia đình biết Quyên có thai. Đứa con đầu lòng chào đời với bao kỳ vọng của mọi người. Cũng thời gian này, Quyên phát hiện chồng mình nghiện ma tuý. Cô thấy sóng gió đã bắt đầu ập đến. Hạnh phúc gia đình mới đó mà rạn vỡ. Cô chỉ còn có con là niềm vui, là lẽ sống của cuộc đời mình…“Dường như cuộc đời em như một trò chơi. Đâu khổ, khổ đau và niềm vui ngắn ngủi bao giờ cũng như một cặp song sinh đến cùng một lúc…”, Quyên nói về thân phận mình như một định mệnh. 

Trong 3 tháng con và chồng ra đi vì “ết”! 
“Thì cũng biết mần răng. Anh ấy thì đi theo với những chuyến xe. Em bụng mang dạ chửa vẫn đến lớp, vẫn nghe những tiếng xì xào vợ thằng nghiện. Những lúc đó muốn tìm lộ đất mà chui xuống cho đỡ cực…”, Quyên kể về những ngày ảm đạm.


Danh sách "quýt làm cam chịu"!

Chợt cô như chùng dây lát. Tiếng thở dài khe khẽ trong lồng ngực như trấn tĩnh cô lại để nhắc đến sự bất hạnh. Mang tiếng chồng nghiện chỉ mới là bước khởi đầu của cơn “bão chấn”. Năm 2003, Quyên nhập viện và sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Niềm vui như vỡ oà xoá đi không khí u uất  bấy lâu. Giữa lúc tiếng cười, niềm vui chưa ngớt thì gia đình Quyên nhận được tin động trời. Rằng qua xét nghiệm, Quyên bị “dính ết”.



Lúc bấy giờ đấy là căn bệnh thế kỷ đáng sợ nhất mới nghe qua mọi người đã “sởn da gà”. Con số người nhiễm HIV ở Quỳ Hợp lúc bấy giờ cũng mới đếm trên đầu ngón tay. Việc một cô giáo mầm non mang trong mình căn bệnh “ết” là một cái gì đó ghê gớm lắm, khó có thể gột rửa được. “Em cứ mông lung chả hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đầu lúc nào cũng ù ù. Lúc đấy cái chết là nghĩ loé lên đầu tiên.



Vì em không nghĩ mình sẽ đối diện ra sao đây với sự thật. Còn bạn bè, đồng nghiệp rồi làng xóm, xã hội, họ sẽ nhìn mình ra sao? Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà không muốn nghe câu trả lời khiến em sống mà như đã lài khỏi cõi này…”, nói lại cái thời khắc nhận giấy “báo tử” đối với Quyên thật nặng nề.



Điều lạ là bị lây bệnh từ chồng nhưng khí phát hiện Quyên bị “ết” thì chồng cô mới hay. Mặc dù bác sỹ đã khẳng định nhưng Quyên vẫn không tin đó là sự thật. Cô đã cùng người thân ra Hà Nội để kiểm tra với hi vọng đó là “sai sót nghề nghiệp”. Cầm giấy xét nghiệm máu dương tính trên tay của bệnh viện cô suy sụp hẳn. Trở về nhà cô chả thiết sống nữa. 7 tháng sau khi sinh đứa con trai đầu lòng qua đời. Niềm  hi vọng cuối cùng của cuộc đời cũng đã bị “thần chết” cướp đi.

Cuộc đời Quyên như địa ngục. Đau đớn chưa dừng lại ở đó, 3 tháng sau khi con mất người chồng của Quyên cũng qua đời vì “ết”.


Mang trong mình căn bệnh HIV, chồng con đã ra đi, nỗi đau quá lớn đối với người phụ nữ chưa đầy 30 tuổi. Một người vợ goá mang trọng bệnh. Còn nỗi đau nào hệt đớn đau như thế. Sóng gió cuộc đời chả chừa một ai. Chỉ tiếc là thân phận bất hạnh lại rơi vào gia đình của một cô gái quá trẻ. Cô sẽ sống sao đây khi không còn gì để bấu víu.

“Thực sự lúc đó em không còn biết làm gì là đúng nữa. Chồng, con, công việc phút chốc chỉ còn là dĩ vãng. Thà gặp hoạ mà chết tức tưởi còn khoẻ hơn. Nhưng ông trời đã bắt hành hạ em phải chết từ từ. Chết tuyệt vọng…”, đôi mắt trân trân nhìn vào khoảng không Quyên than thở.


“Quýt làm cam chịu”!
Anh Nguyễn Văn Đoá-CTV đắc lực tuyên truyền phòng chống căn bệnh thế kỷ AIDS cho hay: “Hiện tại theo dang sách chúng tôi có thì ở Quỳ Hợp hiện có đến 44 người bị nhiễm HIV. Trong đó số đã chết cũng hơn một nửa. Đáng thương nhất là những trường hợp mà chồng lây sang vợ…”. Vừa nói anh Đoá lần chiếc sổ cũ kỹ ghi chép những người “dính ết”.

Quyên và đồng nghiệp sống và sống tốt cùng cộng đồng bảo vệ HIV


Nhìn đôi tay người CTV này lần mò từng hàng, dòng tên một tôi cảm thấy lạnh người. Bởi trong số này lứa tuổi từ 19 đến 30 chiếm đa phần. Nhiều nạn nhân ra đi khi tuổi chưa đầy 20 tuổi, hay khi đang còn là học sinh. Có gia cảnh cả vợ chồng đều mắc bệnh, đứa con bơ vơ lạc lõng trên cõi đời này.


Vợ chồng Nguyễn Thị Hằng (Hơn 30 tuổi) ở thị trấn Quỳ Hợp ra đi vì căn bệnh “ết” đã để lại đứa con thơ. Nghiệt ngã đến với Hằng khi chồng nghiện hút chích và dính HIV. Năm 2002, Hằng phát hiện mình cũng bị nhiễm bệnh từ chồng. May mắn thay đứa con của họ lúc bấy giờ vừa tròn 1 tuổi vẫn khoẻ mạnh, bình thường. Năm 2003  người chồng ra đi, Hằng suy sụp hẳn. Bốn năm sau Hằng cũng đã ra đi vì “ết’ để lại con cho bà nội nuôi. Đau đớn hơn phía bên nhà chồng có O và dượng cũng mất vì căn bệnh “ết”.


Đến Quỳ Hợp, tôi đã phải chứng kiến nhiều câu chuyển thảm thương như số phận của Hằng và Quyên. Nhưng người phụ nữ hiền lành, xinh đẹp suốt ngày chỉ biết vun đắp cho gia đình hạnh phúc. Lòng tốt của họ được “đền đáp” bằng căn bệnh “ết’ mà người chồng trao cho.


Ở đó họ đã sống và chiến đấu, dám đối đầu với bệnh tật. Sống chung với những lời kỳ thị của xã hội. Quyên và những người bạn của cô thật sự bản lĩnh. Chính bản chất đó đã làm nên điều kỳ diệu trong “ngôi nhà ết” ở thị trấn Quỳ Hợp. Tình yêu lại cháy giữa những số phận nghiệt ngã. Mới thấy cuộc đời thật đẹp. Mà cặp vợ chồng Vinh Quyên mới là “nhân vật chính” của câu chuyện cổ tích tình yêu ấy…

Năm 1981 lần đầu tiên tại Hoa Kỳ người ta phát hiện 5 nam thanh niên có quan hệ đồng tính luyến ái bị viêm phổi nặng và tử vong do suy giảm miễn dịch. Đó là những bệnh nhân đầu tiên trên thế giới chết vì AIDS. Năm 1983, tại viện Pasteur (Pari) nước Pháp lần đầu tiên người ta phát hiện ra vi rút và đặt tên là HIV. Ở Việt Nam ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990. Đến nay HIV phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới ở tất cả các nước. HIV không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt vùng lãnh thổ. Ở đâu có con người sinh sống thì ở đó hiện nay đều có HIV.
(Trích tài liệu tập huấn Nâng cao hiểu biết cho cán bộ ban chỉ đạo phòng chống AIDS các cấp về HIV/AIDS và cách phòng chống)
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét