Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Khát vốn, hàng trăm dự án… “chết yểu”!


                            Con đường trăm tỷ đồng vào xã Lạng Sơn tan nát do thiếu vốn

 Không chỉ đường 7B qua huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) với kinh phí hơn 200 tỷ đồng nhưng người dân đi lại vẫn phải đi ủng, đi xe bò mà năm 2012, hàng trăm dự án ở tỉnh đã và chưa “khai sinh” đều nằm trong tình trạng “khát vốn”. Tình trạng này dẫn đến, hàng loạt dự án triển khai dang dở, dẫn đến gây khó khăn cho người và phương tiện đi lại.


“Khai sinh” cũng… chết!

  
Dự án đầu tư nâng cấp đường 7B đoạn qua huyện Anh Sơn được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ do huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư với tổng số vốn là 218 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 35 cây số qua địa bàn các xã: Tào Sơn, Lạng Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Hùng Sơn, Đỉnh Sơn và Thành Sơn của huyện Anh Sơn. 

Dự án được khởi công vào tháng 3/2009, theo dự kiến ban đầu các gói thầu sẽ hoàn thành trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, đến nay sau ba năm khởi công tuyến đường vẫn còn dang dở, nhiều đoạn vẫn chưa giải phóng được mặt bằng.

Có mặt tại đoạn đường 7B chạy qua xã Lạng Sơn chứng kiến cảnh tuyến đường bị đào bới nham nhở, lầy lội. Đoạn đường dày khoảng 4 cây số nhưng để đi qua phải mất hơn 1giờ đi bộ. Đây là cách duy nhất để vượt qua đoạn đường này vì xe máy không thể “chiến” được.

Tại các xã Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Tào Sơn… việc đi lại của người dân cũng không khá hơn bởi tuyến đường là một bãi đất đỏ lầy kéo dài cả hàng chục cây số. Ngoài đi bộ thì phương tiện duy nhất có thể vượt qua các bãi lầy này là xe bò kéo. 

Theo bà Võ Thị Hồng Lam-Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn  thì nguyên nhân chủ yếu là do từ năm 2011, vốn của dự án phải tạm ngừng theo Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ (Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội). 

Tuy nhiên hiện số tiền giải ngân cho dự án này mới hơn 80 tỷ đồng. Không có tiền nên nhiều nhà thầu đã tạm ngừng thi công. Giải thích về hướng xử lý sắp tới, bà Lam cho biết đã vừa qua có hỏi UBND tỉnh Nghệ An nhưng số vốn dự kiến sẽ cấp cho năm 2012 là 10 tỷ đồng.

Chủ tịch địa phương này cho rằng với số tiền đó thì làm một chiếc cầu nhỏ cũng chưa xong! Không có vốn, bỏ bê thi công sắp tới nhiều chiếc cầu với kinh phí hàng chục tỷ đồng có nguy cơ “chết khi chưa sinh”? “Chúng tôi đang đề xuất tỉnh Nghệ An quan tâm thêm vốn.
Nhiều dự án đường ở Nghệ An do thiếu vốn sẽ “chết yểu”


 Tìm hiểu thêm thì đây là tình trạng phổ biến đang diễn ra tại tỉnh Nghệ An khi  thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Theo Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Nghệ An thì hiện tỉnh này đang triển khai gần 100 dự án từ các lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, y tế, ký túc xá sinh viên (chưa kể các dự án trường học) với tổng kinh phí dự kiến là 13,500 tỷ đồng  thuộc vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên mới chỉ cấp kinh phí được gần 6,600 tỷ đồng, tương ứng với gần 50,5% số vốn dự kiến.

…Sắp “sinh” cũng… “tử”!

Mặt khác với số vốn còn thiếu gần 50% thì theo Sở kế hoạch và đầu tư thì năm 2012, dự kiến chỉ bố trí 20% (trong số 50% thiếu này), còn gần 30% vốn địa phương tự cân đối. Cụ thể một số dự án sẽ tự chống chọi với khó khăn như: 

Đường 7B bố trí 130/283 tỷ đồng, hiện bố trí được 84 tỷ đồng, năm 2012 bố trí 10 tỷ đồng; đường Châu Thôn (huyện Quế Phong) đi Tân Xuân (huyện Tân Kỳ) tổng 730 tỷ đồng, dừng hơn 100 tỷ đồng; đường Tây Nghệ An, tổng 2, 157 tỷ đồng, dừng  800 tỷ đồng; đường Hữu Khuông (huyện Tương Dương) tổng 657 tỷ đồng, dừng vài trăm tỷ đồng… 

Quan sát thì hầu hết các dự án trên đã triển khai theo hình thức đồng loạt các tuyến, các gói thầu. Vậy nên khi mà nguồn vốn bị cắt giảm, hầu hết các dự án bị trì trệ. Quan sát, các dự án bị kêu nhiều đó là làm đường giao thông.

Đường dang dở, mưa xuống, người dân, phương tiện đi lại rất khó khăn. Trong khi nguồn vốn giải ngân lại chậm nên kinh phí để khắc phục như “muối đổ biển”!

Không chỉ những dự án đã triển khai mà có 21 dự án đã đã lập xong, được phê duyệt đầu tư cũng nằm trong tình trạng treo lại. Tổng số kinh phí của những dự án này dự kiến cũng gần 20 ngàn tỷ đồng. Đây hầu hết là những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Nghệ An. 

Cụ thể như đường ven biển, đường cầu Yên Xuân (huyện Nam Đàn); đường Ta Đo-Khe Kiền; đường quốc lộ 45 nối quốc lộ 48; đường khu kinh tế Đông Nam nối Hòa Sơn (huyện Đô Lương)… Ngoài ra còn có 72 dự án là đã có chủ trương chuẩn bị phê duyệt. Tổng kinh phí của những công trình này cũng hơn 70 ngàn tỷ đồng.

Theo ông Hồ Sỹ Hòa-Trưởng phòng tổng hợp-hành chính-Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Nghệ An thì nguyên nhân dẫn đến sự bị động về vốn là do không lường trước được việc cắt giảm. 

“Nghĩ nguồn trái phiếu là có đủ, có quanh năm nên các dự án được triển khai đồng loạt. Đây là khó khăn chung chứ không riêng gì tỉnh Nghệ An. Giải pháp sắp tới chỉ có vận động doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư như BOT, BT…”, ông Hồ Sỹ Hòa trả lời.
Trọng Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét