Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chuyện ít biết về tộc người Thái ở xứ Nghệ!

Những cô gái Thái ở Piềng Mật-đối tượng trai bản đi “chọc sàn”
Tại sao trước khi chôn cất người thân, nhất thiết phải bỏ một cái đầu bò đã lược bỏ da lên quan tài người chết; lễ hội giành riêng cho các thầy Mo (thầy cúng) diễn ra như thế nào và chuyện người nào mới được làm lễ cúng cho người đã “về đất”... Những câu chuyện huyền bí trên nghe có vẻ đã xa vời nhưng hiện vẫn còn đậm nét ở tộc người Thái ở một số địa phương miền biên viễn của vùng đất xứ Nghệ…

Kỳ I:
Đêm “chọc sàn” ở… Piềng Mựn!

Khuya khoắt. Mưa như thác đổ, nước cuồn cuộn dội xuống mái nhà gỗ khoác áo tôn kêu như sấm dội. Thác nước đổ về cuốn phăng Tuapin phát điện. Bóng điện tắt, bản người Thái Piềng Mựn xã miền biên viễn giáp Lào, Mai Sơn (Tương Dương-Nghệ An) đen kịt hệt như ở trong lòng ống khói… Nhung-cô gái đẹp như bông hoa rừng lao vào bóng mưa… 

Là lúc, chúng tôi biết mình đã “chọc sàn”… hụt. Một phong tục “tán tỉnh yêu đương” của trai bản người dân tộc Thái ở bản này hiện còn lưu truyền mà ít biết, lạ lẫm đối với nhiều người…

Men rượu… đê mê…

Gần 7 giờ tối chúng tôi mới lọ mọ mò vào đến bản Piềng Mựn. Đêm lờ nhờ nơi miền biên viễn xa lạ. Lân la men con đường nhỏ cây rợp lối đi, tìm đến nhà ông Bí thư chi bộ bản tên Kha Trung Tiến. Nhà sàn gỗ kiên cố. Mặt phừng phừng phả hơi rượu thơm thơm, ông Tiến nói như giải thích:  

“Cán bộ đến muộn. Chiều ni ta đã làm con lợn và đám gái trai bản đợi sẵn nhưng chẳng thấy cán bộ mô. Dừ thì hắn về cả rồi. Thôi cán bộ rửa mát đi để ta bảo hắn làm cơm mời…”.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ sửa soạn, chúng tôi bụng đói quắt mặt. Hai mâm rượu được dọn ra. “Tiệc” đãi khách là gà chân đen luộc chặt bỏ chỏng chơ trên nền giấy báo cũ, hai bát rau bầu nhúng vào nước xáo luộc gà và một nhúm muối hột bỏ ở góc “mâm” cùng ít cơm nếp. 
Một bữa cơm đãi khách của người Piềng Mựn

Và tất nhiên là không thể thiếu một chai rượu “quốc lũi”. “Cán bộ ăn tạm nhé. Tối rồi, hắn chỉ kiếm được thế này thôi…”, ông Tiến nhìn vào mâm cơm giải thích. Sau những chén rượu thăm, chúc sức khoẻ, chúng tôi mắt quay như chong chóng.

Cơm tối xong, ché rượu cần được dựng ở nhà tự lúc nào. “Giờ thì trai bản giao lưu rượu cần với cán bộ nhé…”, sau lời mời của ông Bí thư chi bộ bản, đám thanh niên trai bản vạm vỡ kéo đến nói chuyện như vỡ nhà. Đối với người Thái nơi đây, rượu cần là “đặc sản” để mời thực khách. Chúng tôi là khách được uống trước cùng với các cụ cao tuổi trong bản. 

“Một người một sừng, 6 người 6 sừng uống chậm phạt nhé…”, Chàm (Người rót nước vào bình rượu-PV) nói. Cả tiệc rượu chúng tôi không biết mình đã uống bao nhiêu sừng. Hết uống với thầy Mo (Thầy cúng), chủ nhà, rồi giao lưu trai, gái bản… Chỉ biết men rượu đã… đê mê. Nhưng vẫn cảm nhận vị ngọt ngọt, chát chát và đăng đắng nhưng thấy thơm đến lạ. Và tất nhiên là đã… lê phê!

Ở đây còn tục “chọc sàn” không, đứng bên thành cầu thang nhà, tôi quay sang hỏi Dương-chàng trai con trai ông Trưởng bản có khuôn mắt khá đẹp trai-cái đẹp của người vùng núi? Còn chứ, lát nữa cán bộ có đi không, để ta dẫn đường?

Tôi đi… chọc sàn?

Gần 12 giờ. Đêm vắng. Không nghe tiếng sáo gọi bạn tình. “Khuya mấy cũng được. Con trai cứ đến trước cửa nhà con gái cầm sáo thổi. Hắn thấy hay là ra mà. Không thì cứ đạp cửa mà vào. Cứ nói chuyện hắn ưng cái bụng là được. Hắn thích thì hắn cho ở lại…”, Dương dẫn tôi đi giải thích. 

Nhưng đó là ngày xưa, còn bây giờ trai bản Piềng Mật không còn thổi sáo. Thích cái bụng con gái nào thì tìm đến nhà mà nói lời yêu là được. Thế đến muộn cô gái và gia đình không phiền lòng à, tôi hỏi?
 Ông Kha Trung Tiến-Bí thư Chi bộ bản Piềng Mựn cho hay: “Thực ra thì tục chọc sàn của trai bản có từ lâu rồi. Nhưng hiện tục không còn như xưa nữa. Nó cũng giống như chuyện tán tỉnh của các đôi trai gái người xuôi thôi. Nhưng chỉ khác là trai bản đi tán gái thường vào lúc khuya, khi mọi người đã đi ngủ cả. Giờ thì một số nhà không còn ở nhà sàn nữa nên tục chục sàn cũng không còn mà gõ cửa hay cãy cửa thì đúng hơn…”.
- Không mô, cứ đi mà. Ở đây mọi người đều làm thế. Có chi mô!
- Thế có được ngủ lại không?
- Ờ cái đó là tuỳ chớ. Hắn ưng cái bụng, thấy nói chuyện hay là cho ngủ lại mà!

Đoàn chúng tôi gồm 4 người chia làm hai tốp. Một tốp đi xóm dưới, còn tôi theo Dương đi xóm trên. Theo chàng trai bản này thì đối tượng chúng tôi đến là cô gái tên Nhung. Mới tốt nghiệp lớp 12 xong không thi tiếp mà ở nhà. Ở cái bản xa xôi này thì “học vấn” như cô gái này cũng đáng để cho đám trai bản săm soi. 

Nhà Nhung không phải nhà sàn mà là nhà gỗ. Trời khuya, mọi thứ vắng lặng. Nhà Nhung còn đỏ điện. Dương không ngại ngần đập cửa, tôi thấy ái ngại. Lát sau, Nhung mặc chiếc quần ngố ra mở cửa. Cô gái có khuôn mặt dễ nhìn, nhỏ nhắn, ưa nhìn, rót nước mời khách. Trong nhà mọi người đã đi ngủ, chỉ còn lại tôi ngồi đối diện với Nhung. Đầu góc phản (Làm bằng gỗ như chiếc giường) Dương đã ngủ lúc nào không hay.

Trời càng lúc càng khuya, mọi thứ xung quanh vắng lặng, chỉ còn lũ muỗi mắt bay vo vo dưới nền đất ẩm thi nhau “chén thịt” khách. Qua câu chuyện Nhung cho biết tối nào chẳng phải thức khuya như thế. 

Đám trai làng không đêm nào là không tới nhà “gõ cửa”. Nhưng đến giờ cô bảo “vẫn chưa có ai mà”? Sẵn có men rượu cần đê mê, ngồi bên cạnh đoá hoa rừng xinh xắn, khiến cho thời gian cứ chầm chậm trôi. Giữa cái lúc ấy, ngoài trời gió thổi, cơn mưa rừng ập đến, mưa xối xả. Nước mưa như từ trên rừng dội xuống mái nhà gỗ khoác “áo tôn” kêu như thác đổ. 

Mưa càng lúc càng to, bóng điện yếu ớt rồi tắt lịm. Trong nhà tối om. Đêm như mực. “Nước suối cuốn TuaPin (Máy phát điện của của dân vùng cao) đi rồi…”, nói đoạn Nhung thoắt lao vào bóng mưa.

“Nó đi với em trai ra suối cứu Tua Pin ấy mà. Không thì mất tiếc lắm. Mai không có điện à...”, Dương thức dậy tự lúc nào nói. Chúng tôi cũng lao vào mưa trở về. Người ướt sũng, đến nhà ông bí thư bản tiệc rượu cần đang “thăng”. Gần 1 giờ sáng. Rượu đang còn ngọt.  Anh bạn đồng nghiệp cũng đi “chọc sàn” về tự lúc nào. “Chọc sàn hụt rồi”, bạn nói.

Tiếp tục với những sừng rượu cần thi thố cùng trai bản. Tôi ngấm men say rồi không biết ngã xuống giường như cây chuối tự lúc nào. Trong mơ màng của rượu, tôi thấy Nhung hay tiếc nuối cho một phong tục lạ lùng nhưng đã  mai một của tộc người Thái mà tôi vừa bỏ lỡ.
Trọng Đức

Kỳ tới:
Lễ hội của... thầy Mo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét