Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Kỳ cuối: Chuyện ít biết về tộc người Thái... xứ Nghệ!

Thầy mo Kha Văn Hường


Ma Páng Xổng-phong tục huyền bí

Sau khi cúng xong, gia chủ đem cho thầy mo một đùi bò; còn đầu sẽ được lóc da, thịt sau đó đem bỏ lên quan tài của người chết rồi lấp đất lại… Đó là “tục” không thể thay thế của lễ cúng ma Páng Xổng (Cúng người chết). Tuy nhiên thầy mo phải có… “nòi” (Truyền thống) không Ma sẽ trả lại “sính lễ”, bắt người thân mình chết thay thế… Thầy mo Kha Văn Hường ở bản Piềng Mựn (Mai Sơn-Tương Dương-Nghệ An) nói về lễ cúng huyền bí mà ở địa phương mình đang thực hiện…


Chôn người chết với… đầu bò?

Theo thầy mo lễ cúng người chết ở Piềng Mựn là khắt khe nhất. Không phải ai cũng có thể cúng được. Làm bía cho người ốm, cầu mùa, lễ ma nhà… thì hầu như đã “mang danh” là thầy mo thì đều làm được. 


“Thầy mo hắn phải có nòi mà. Không không cúng được mô. Ta đây gần 70 tuổi nhưng cũng không làm được mà. Không có nòi làm ma nó bắt vạ đấy…”, thầy Hường nói về lễ cúng này.

Nghĩa là thầy mo phải có truyền thống “nối dõi tông đường”, được bà con ghi nhận. “Bằng cấp” của thầy là sự đón tiếp của người dân, nên chẳng qua trường lớp gì bao đời nay thầy mo ở Piềng Mựn vẫn được người dân kính mến. Ông Hường là thầy mo đời thứ 4 nhưng cũng không thể thực hiện được lễ cúng này. Vì dòng dõi của thầy chưa có ai cúng được. Nghĩa là chưa “có tầm”. 

“Mình không có nòi thì cúng không hết lý thuyết mô. Nên ma nó không hiểu mà. Thế là không được mô…”, thầy mo giải thích.

Lý thuyết cúng ma Páng Xổng khó lắm à?

-         Ta không biết được mô. Phải là thầy có nòi mới làm được mà!

Thực ra thì việc bài cúng ma người chết hay làm bía như thế nào chẳng có quy định nào, cũng chẳng có ai bắt buộc là thầy phải làm theo một lập trình sẵn. Mà thầy cứ có “uy tín” thì sẽ được làm.  Tuy nhiên có một điều bắt buộc: đã là thầy mo cúng ma Páng Xổng thì cứ nhất định 3 năm lại tổ chức lễ hội Xăng Khan (Hội các thầy mo) một lần. Tại đây các đệ tử sẽ được học hỏi, sẽ phải tôn vinh thầy.

Quy trình cúng ma Páng Sổng cũng khác so với các lễ khác. “Khác chớ. Khi có người chết, gia chủ mời thầy mo đến rồi cùng gia đình làm thịt lợn hoặc bò.  Thầy mo sẽ đến cúng một ngày một đêm. Ờ thì thầy cúng cho người chết phù hộ cho người thân mạnh khoẻ mà…”, thầy mo Hường nói.

Sau khi kết thúc lễ cúng, gia chủ sẽ xẻo một đùi con vật đem cho thầy. Thầy sẽ đưa về nhà làm rượu thịt để mời dân làng cùng hưởng thụ lộc. Riêng đối với đầu bò hay lợn sẽ được róc lấy da, thịt. Rồi đem bỏ lên quan tài người chết lấp đất lại. 

Việc làm này theo thầy mo là để cho muông thú bảo vệ người chết được yên bình. Điều này hợp với phong tục của người Thái vì người chết chỉ được chôn cất một lần và không “sang tiểu” (Bốc mả) như cách làm của người xuôi.   

Ma… bắt vạ!
Có lẽ vì sự khắt khe hay phong tục không thành văn mà ở Piềng Mựn có đến hàng chục thầy mo. Nhưng chỉ có  một thầy mo là cúng được ma Páng Xổng. Nếu nói là quy định thì không phải nhưng tự bao đời những thầy mo nơi đây vẫn tôn trọng nghề của mình. 
Dù không có luật lệ nào quy định nhưng khi có người thân ra đi, dân Piềng Mựn vẫn tìm cho được thầy mo có “nòi” để cúng. 

Không có nòi thì nhất quyết không làm lễ cúng ma người chết. Cho dù đó là người thân của mình cũng không được. Phải chờ mời được thầy mo “chính hiệu” tới cúng rồi mới được chôn cất người thân.

Ông Lô Văn Cái (68 tuổi) ở bản Huồi Tố (Mai Sơn) được xem là người duy nhất ở xã Mai Sơn thực hiện được lễ cúng lạ lùng này. Thực ra so với tuổi nghề thì thầy Cái “làm nghề” ít hơn các thầy trong vùng. Nhưng thầy Cái là đời thứ 4 trong gia đình có “nòi” cúng ma Páng Xổng. 

Nên lẽ dĩ nhiên là thầy thuộc hết các bài lý thuyết của lễ cúng này.

“Chỉ thầy Cái cúng thôi. Ta không làm mô…”, nói đoạn thầy mo Hường kể lại chuyện có thầy làm trái đã bị ma… bắt vạ để chứng minh cho điều mình nói. Cách đây 4 đến 5 năm thầy Lương Văn Hoan ở bản Na Kha (Mai Sơn) cũng là thầy cúng thông thường. 

Không có truyền thống cúng ma người chết. Nhưng hôm đó thầy đã “mạo phạm” cúng cho một người thân trong bản. Một ngày sau thì thầy Hoan trở về nhà thấy đau ở cổ, rồi qua đời ngay sau đó.
Khám phá nhưng còn nhiều điều chưa biết

Sau chuyện thầy mo Hoan ra đi, các thầy mo trong bản lại càng tin hơn cái “lý” không có nòi thì không được cúng ma Páng Xổng của mình. Và xem đó như là quy định bất di bất dịch.

Vậy nếu thầy mo Cái mất mà không có con cái thì xã sẽ không có người cúng à?
-Có chớ. Đệ tử của thầy sẽ thay thế mà. Thầy mo đệ tử họ học chăm lắm. Ngày mô cũng phải đến học thuộc các bài cúng mà. Hắn sẽ cúng được…

Cúng ma Páng Xổng nghe có vẻ là chuyện hủ tục. Nhưng xem ra giữa thời đại nay, phong tục huyền bí này xem ra vẫn là thứ “đặc sản” của người Thái ở xứ Nghệ.
Trọng Đức 

Ông Kha Xốn Phon-Trưởng bản Piềng Mựn không bất ngờ khi chúng tôi nhắc đến lễ cúng ma Páng Xổng. “Bản ta không quy định bắt buộc thầy mo nào thì được cúng người thân chết mô. Nhưng thầy hắn được cái “linh”, ma nó nghề thì dân bản tín nhiệm thôi. Cả cái bản ni thì nhiều thầy mo lắm. Nhưng ta hay gọi thầy mo Hường mỗi khi bản có việc. Còn thầy mo cúng ma Páng Xổng thì ít lắm…”, ông Phon giải thích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét