Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Kỳ cuối: Săn… nhà sàn phó chủ tịch!

 Nhà sàn mới vẫn dựng lên ở xã Xiêng My
Sương giăng giăng như mạng nhện đọng trên mí mắt, tôi xuýt xoa vì lạnh lại lẽo đẽo theo Đại vào bản. Lần này, tôi vào vai một dân chơi đi săn cái hồn cốt của tộc người ở bản rừng về làm biệt thự ở thành phố Vinh (Nghệ An). Đi rồi mới thấy, nhà sàn cũng là thứ hàng hóa miễn là có tiền là mua được. Ngay đến, nhà của phó chủ tịch UBND xã cũng rao bán huống hồ là của dân!

                          *Phu vàng đi buôn gỗ lậu!
Đại-hoa tiêu dẫn đường thấy tôi phân vân khi nghĩ sau khi chiếc xe chở gỗ lậu dùng để làm nhà sàn bị lật chết 10 người thì việc mua nhà sẽ khó khăn. “Cứ đi đi, ưng mua mấy nhà cũng có mà”, hắn khẳng định như để động viên tôi.

Từ “rốn gỗ”…

 Khi tôi ngồi lên xe, Đại dặn trước: Đi giờ là trưa không về đâu. Phải vào bản xa mới có nhà đẹp! Tôi im lặng. Điểm đầu tiên, tôi đến là bản Chon của xã Xiêng My-địa bàn đã cung ứng số gỗ lậu trên xe gặp nạn. Bản Chon đẹp với những căn nhà sàn 3 gian còn mới xếp đều đặn dọc quốc lộ 48C. 
Nhà sàn mới
Quan sát, dưới gầm nhà ở bản này còn nhiều những cột gỗ và khối gỗ lớn xếp gọn gẽ. Đại cho xe chạy từ từ, mắt nhìn dáo dác như là để săm soi, tính toán. Dọc bên đường không khó để nhận ra những căn nhà sàn mới thơm mùi gỗ đang dựng dở. 


Nhìn những cột, xà to lớn khiến tôi liên tưởng đến những thân cây vừa đốn hạ ở rừng sâu. Tiếng xe nhao nhao trong gió lẫn vào tiếng máy cưa, đục đẽo của nhiều xưởng mộc. Ở bản Chon không hiếm để thấy sự xuất hiện của những xưởng như thế.

Đại dừng trước một căn nhà gỗ bên đường đang làm dở ở bản Chon. Như bắt được vàng, hắn kéo người phụ nữ chừng 30 tuổi đứng bên đường ra xa chúng tôi. Sau tiếng xì xào to nhỏ bằng tiếng Thái, Đại nói: 


Chủ nhà này đi vắng nhưng cứ vào xem đi. Giá con này cũng không dưới 800 triệu đồng. Tôi theo Đại và người phụ nữ kia vào xem “hàng”. Bộ khung của nhà sàn 3 gian này đã hoàn thành. “Nhà có 16 cột cao toàn gỗ trai cả, mỗi cột cao hơn 6 mét. Mới đây cũng có dân Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An-PV) sang hỏi mua nhưng sau đó hẹn liên lạc lại nhưng giờ vẫn chưa thấy. 
Vào Xiêng My
Chắc họ cũng chỉ hỏi dò để đi buôn thôi”, người phụ nữ nói với chúng tôi bằng giọng dò xét. Hỏi số điện thoại của người chủ căn nhà này, Đại cho rằng không liên lạc được vì ông ấy đang vào rừng kéo gỗ. “Cả cái xã này, nhà này là to nhất đấy. Nhà chưa xong là vì gia đình ông ấy có chuyện thôi”, Đại chào hàng. Tôi vội chụp mấy kiểu ảnh với lý do rằng lấy mẫu về sếp duyệt rồi liên hệ sau.

Rời bản Chon sau khi đã thăm mấy nhà sàn khác nữa, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời đồng ý bán với giá dao động từ 250 đến 350 triệu đồng/căn. Tuy nhiên phần lớn những nhà sàn này đều 3 gian nhưng đã cũ. Chủ của các ngôi nhà đều đưa ra lý do là muốn bán để làm nhà sàn đất.
   Chính quyền kiểm tra chặt chẽ!

“Tương Dương là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất cả nước nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ có khoảng 1 ngàn ha. Trong đó đất trồng lúa nước chỉ có xấp xỉ 700 ha nên bà con chủ yếu sống bằng phát nương làm rẫy. Về việc khai thác gỗ lậu thì chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho dân. Mặt khác đối với những nhà sàn mà được bán ra ngoài thì giao cho anh em địa phương phải kiểm tra chặt chẽ. Nếu không đúng luật thì nhất quyết không được xác nhận”, ông Lô Thanh Hài-Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương.
    
…Đến nhà phó chủ tịch xã 400 triệu đồng?

Tại bản Khe Quỳnh, xã Xiêng My, sau khi to nhỏ với một thanh niên bản địa, Đại dẫn tôi vào nhà sàn bên đường. Nhà to, cao nhưng đã cũ. Người đàn bà chừng 50 tuổi ngại ngùng khi thấy có sự xuất hiện của chúng tôi. Đại vào lời bằng cử chỉ của tay đi mua nhà sàn, người đàn bà im lặng. 


Mời khách uống nước, câu chuyện mới vỡ lẽ khi đó là vợ của phó chủ tịch UBND xã Xiêng My Kha Quang Ba (Đã xác nhận qua lời của ông Lô Xuân Tình-Chủ tịch UBND xã Xiêng My). Vợ phó chủ tịch nói trước đây ở xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) thuộc vùng lòng hồ bản Vẽ. Sau mới tái định cư ở bản Khe Quỳnh này. 
Nhà sàn ra giá 800 triệu đồng
Ông Ba trước là Bí thư Đảng ủy của xã Nhôn Mai. Khi xuống Xiêng My thì làm phó chủ tịch xã. Tôi bắt chuyện và hỏi giá ngôi nhà bao nhiêu, người đàn bà bảo phải hỏi ý ông Ba. Có được số điện thoại, tôi dùng máy điện thoại mình bấm cho ông Ba. Ông Ba gặp, vợ chồng to nhỏ bằng tiếng Thái.

Nghe ghi âm cuộc điện thoại này, người bản địa biết tiếng Thái dịch nội dung: Vợ hỏi ông Ba có người đến mua nhà. Ông Ba bảo họ mua bao nhiêu. Bà vợ bảo sẽ bán 250 triệu đồng. Tuy nhiên người đàn bà này lại nói giá với chúng tôi là bán căn nhà 400 triệu đồng? Tôi im lặng nhìn quanh ngôi nhà. 


“Nhà 20 cột hầu hết là Đinh Hương cả thôi. Gỗ này mua từ các xã Mỹ Lý khi đang còn ở Nhôn Mai. Sau này tái định cư thì chúng tôi chuyển nhà xuống đây”, vợ ông Ba nói. Lúc này câu chuyện đã có vẻ dễ dàng hơn. Có lẽ người đàn bà này tin chúng tôi là dân buôn thứ thiệt. 


Cùng đi với vợ phó chủ tịch xã Xiêng My, chúng tôi sang nhà bên cạnh là ông Kha Quang Hùng. Ông Hùng là em trai của ông Ba đi vắng. Nhà ông Hùng đã cũ 3 gian nhưng không còn “ngon” bằng nhà anh trai. Hỏi giá thì người trong nhà “hét” 370 triệu đồng. Trong lúc đang xem nhà thì bà vợ phó chủ tịch lại khoe: 


“Bên nhà còn 3 cột gỗ Đinh Hương nữa, bán mỗi cột 10 triệu đồng. Còn bộ dong kia thì không bán đâu”!
“Kiên quyết xử lý dạng trá hình”!
“Chúng tôi không tham mưu cho địa phương bán nhà sàn mới, và nghiêm cấm anh em xác nhận để bán nhà sàn về xuôi. Kiên quyết xử lý những dạng trá hình làm nhà một đến 2 năm rồi bán”, ông Lữ Văn Chôm-Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương.
Lách luật để nhà sàn về xuôi!

Từ nhà ông phó chủ tịch xã Xiêng My ra, người đàn ông tên là Hoàng Văn Hân ở bản Khe Quỳnh dẫn chúng tôi về nhà. Giới thiệu nhà mình cũng 20 cột, hầu hết là gỗ trường, mới làm, anh Hân ra giá bán nhà 300 triệu đồng. “Tôi nói để các anh mua được thôi. Hô cao quá khó mua”. 
Nhà ông phó chủ tịch xã Kha Quang Ba cũng ra giá 400 triệu đồng!
Trong câu chuyện, anh Hân tiết lộ gỗ làm nhà được anh vào chặt ở núi Lèn (tiếng Thái là Pu Phá). Để làm được nhà này anh phải góp gỗ gần 1 năm.  Cũng theo người đàn ông này thì cách đây mấy năm cũng có nhà sàn ba gian ở bản Nhạp (xã Xiêng My) sau ra tái định cư ở khe Quỳnh thì bán được gần 100 triệu đồng. Tìm hiểu được biết gỗ mà người dân Xiêng My làm nhà đều được khai thác và góp nhặt từ rừng Lèn, rừng Pù Huột-Đây là khu vực thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huột.

Ông Lô Thanh Hài-Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương thừa nhận chuyện dân vào rừng khai thác gỗ lậu là có. Nhưng việc khai thác nhỏ lẻ, mục đích là để kiếm miếng ăn hàng ngày. 


“Có cầu thì ắt có cung. Không ai mua thì dân khai thác làm gì. Còn việc dân khai thác làm nhà sàn để bán cũng có nhưng ít. Đó phần lớn là những anh đầu nậu gỗ là chính. Chứ dân chủ yếu là đi làm thuê. Sự biến tướng ở chỗ là anh khai thác, rồi mua và dựng nhà lên xong lại bán đi để tìm cái tiền chênh lệch. 
Vợ ông phó chủ tịch xã Xiêng My bên mấy cột Đinh Hương
Đây là kẻ hở của luật pháp”, ông Hài giải thích chuyện người dân làm nhà sàn rồi rao bán. Cũng theo phó chủ tịch huyện Tương Dương thì trước đây huyện đã có văn bản yêu cầu những hộ dân tái định cư từ vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ mới được vận chuyển và bán nhà cũ để bảo tồn bản sắc văn hóa. Quy trình của của việc này được xã xác nhận, sau đó huyện, Hạt kiểm lâm thẩm định.

“Sau chúng tôi bị tuýt còi. Vì dân bảo như thế là vi phạm luật vì họ bảo nhà chúng tôi cũ thì chúng tôi đưa đi. Nhưng như thế nào là cũ thì rất khó. Cứ nhà dựng lên thì cho là cũ. Cơ sở mà đã xác nhận là nhà cũ thì phải cho họ đi. Vậy nên cũng có thể giới đầu nậu lợi dụng điểm này để đưa nhà sàn về xuôi. Đây là cái mà anh em rất khó quản lý”, ông Lô Thanh Hài khẳng định.
Trọng Đức

Tiếp tục vận động dân giữ rừng!

Ông Hùng (trái) trao đổi với tác giả
Ông Dương Ngọc Hùng-Giám đốc Khu bảo tồn thiên Pù Huống thừa nhận chuyện dân vào rừng khai thác gỗ là có. “Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng. Mặt khác cũng đã xử lý việc khai thác lậu nhưng không thể triệt để được. Dù sao đi nữa thì việc sống và bám vào rừng cũng do cuộc mưu sinh của người dân khó khăn thôi. Tôi cũng công nhận việc có người mua nhà sàn cũng là nguyên nhân khiến dân vào rừng để khai thác gỗ lậu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét