Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Di tích vắng "Wiliam Cường"



    Toàn tỉnh có 1395 di tích là được kiểm kê, phân cấp quản lý, trong đó có 255 di tịch được xếp hạng cấp đặc biệt, Quốc gia và tỉnh nhưng nơi có công trình vệ sinh công cộng đúng nghĩa thì rất hiếm. Ông Phạm Văn Hùng – Phó Ban Quản lý di tích danh thắng (thuộc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An)  cho rằng nguyên nhân là do ngành chức năng chưa quan tâm đúng mức hoặc trong quy hoạch lập dự án nâng cấp mới thì “cái nào cũng có vẽ công trình vệ sinh” nhưng thực tế chưa hợp lý.
Ông Phạm Văn Hùng

1395 di tích rất hiếm công trình vệ sinh
Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết đối với các công trình vệ sinh công cộng trong các di tích?
   Cũng như các công trình khác, theo tôi việc xây dựng các công trình vệ sinh ở các di tích là nhu cầu bình thường. Là con người ta, ai chẳn nghĩ đến chuyện đó dù ở đâu. Cho nên khi đến với di tích ngoài việc chiêm ngưỡng, học tập, tham quan…, du khách khi có nhu cầu thì cần phải có nơi để giải tỏa. Hiện số di tích quản lý, kiểm kê phân cấp trên địa bàn tỉnh là 1395, trong đó cái xếp hạng đặc biệt, Quốc gia và tỉnh là 255 di tích. Nhưng di tích có nhà vệ sinh đúng nghĩa thì rất hiếm. Tôi rất tán đồng việc báo chí cũng như du khách băn khoăn về vấn đề này. Cụ thể, đối với những công trình lớn, đặc biệt là những công trình mới như đền Quang Trung, đền Cờn hay đền Cuông mà khách tham quan vẫn chưa tìm thấy địa điểm để phục vụ cho nhu cầu vệ sinh thì chưa được. Tất nhiên, chúng ta cũng cần thấy đây là vấn đề nhạy cảm.
Phải chăng người ta nghĩ xây công trình vệ sinh ở trong khu di tích sẽ làm mất đi sự linh thiêng, thưa ông?
    Tôi không nghĩ như thế. Tâm linh nào cũng làm cho con người có điều kiện thư giản tốt hơn. Vấn đề là mình xây dựng chỗ nào mà không ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan. Quan trọng là quy hoạch như thế nào cho hợp lý. Chứ còn nói xây công trình vệ sinh mà ảnh hưởng đến tâm linh thì vô lý quá. Chính làm như thế thì di tích mới thiêng lên để thu hút du khách chứ.
“Chưa quan tâm đúng mức”
Theo ông nguyên nhân gì mà chúng ta đang phải “đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh trong các di tích?
    Thực ra, nói thật chúng tôi cũng đang sơ suất. Nhưng đây là ý kiến mà tôi nhận được phản hồi đầu tiên từ báo chí. Và tôi cho rằng việc cần thiết phải có nhà vệ sinh đúng nghĩa trong các di tích là rất đúng. Đây là vấn đề rất thường nhật và chí lý đấy chứ. Bởi, đơn giản như chúng ta đi công tác ở đâu, có vào đến nhà dân cũng phải để ý đến chuyện tế nhị này. Vậy nên du khách để ý cũng là đúng. Điều này thực sự lâu nay chúng ta cũng thiếu sự quan tâm thật. Ai cũng biết nhưng một thời gian dài không ai để ý và nói cả mà chúng ta đang ngại chuyện nọ chuyện kia.
Vậy trong hồ sơ trình công nhận di tích hoặc dự án mới nhằm nâng cấp di tích, ngành chức năng có quy định bắt buộc phải có công trình vệ sinh không thưa ông?
   Cũng có. Chẳng hạn như đền Cuông cũng có nhưng lại không hợp lý. Vì công trình đặt ở gần nhà khách nhưng chỉ có 2 đến 3 phòng mà ai muốn đi thì phải có chìa khoá. Cho nên công trình vệ sinh này muốn phục vụ lệ hội thì không thể tải nổi. Hay như trong quy hoạch nâng cấp đình Võ Liệt cũng có 4 đến 5 phòng vệ sinh nằm ở phía Tây di tích. Nói chung tất cả các dự án mới mà được nâng cấp thì trong quy hoạch người ta phải tính đến yếu tố lượng khách tham quan và trong đó đặt ra yêu cầu phải thiết kế công trình vệ sinh. Tuy nhiên công trình đặt xa nên khi đến tham quan, du khách không chú ý thì rất khó biết như đình Võ Liệt chẳng hạn.
    Trước đây, việc lập hồ sơ di tích không bao giờ có quy hoạch công trình nhà vệ sinh. Chỉ có sau này khi có sự án trùng tu, tôn tạo thì bao giờ cũng có bãi giữ xe, sân lễ hội và kèm theo công trình vệ sinh. Tuy nhiên những dự án mới trùng tư sau này thì cái nào cũng vẽ công trình vệ sinh trong quy hoạch cả nhưng chưa hợp lý, chưa đáp ứng được. Như vào dịp lễ hội đền Cuông du khách rất đông nhưng tại đây cũng chỉ làm có 2 đến 3 nhà vệ sinh hay nhà vệ sinh ở đình Võ Liệt xây dựng giữa đồng nên vấn đề điện nước cũng rất khó khăn. Thực tế mà để có nhà vệ sinh mà đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Bộ Y tế cũng rất khó và hiếm. Cho nên thẳng thắn mà nói là chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Tuy nhiên sắp tới chúng ta cũng khẩn trưởng phải có đề án như thế nào để giải quyết. 

“Không phải khó mà không làm”
Ông cho rằng trách nhiệm chính để giải quyết “chỗ bí” ở các di tích thuộc đơn vị nào?
   UBND tỉnh đã có quyết định phân cấp quản lý thì  đơn vị nào đứng ra quản lý di tích thì phải có trách nhiệm. Tuy nhiên muốn triển khai xây dựng công trình vệ sinh ở các di tích thì cũng phải tính đến nhiều vấn đề. Dĩ nhiên là nó không thể được xây dựng ở khu vực 1 của di tích. Mà phải xây phần giáp giữa khu vực 2 với khu vực bảo vệ ngoài cùng chứ gần di tích là không được. Ở đây cũng có cái khó khăn là theo Luật Di sản thì khu vực 1 là bất khả xâm phạm, trong khi khu vực 2 cũng rất hạn chế nên khi chọn công trình nhạy cảm này thì cần phải tính đến hướng, phong thuỷ… Tuy nhiên không phải khó mà không làm. Phải thực hiện thì mới đảm bảo vệ sinh môi trường lâu dài, bền vững, mới thu hút được du khách.
Sắp tới đơn vị sẽ tham mưu những giải pháp “tình thế” gì trong khi chờ cái tương lai, thưa ông?
   Đối với những di tích mà chưa có dự án mới để nâng cấp thì khi chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị quản lý có thể là xã, huyện nên quan tâm. Hiện chúng ta chưa đòi hỏi là phải chuẩn một lúc nhưng phải có các công trình vệ sinh tạm thời trong các di tích để đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan. Bởi vì bản thân con người ta ai ai cũng đều có nhu cầu như thế nên không cớ gì mà chúng ta không quan tâm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đóng góp cho các dự án mới khi quy hoạch phải có công trình vệ sinh nhưng phải đảm bảo môi trường cảnh quan chung của di tích nhưng theo Luật Di sản văn hoá. Theo tôi phải xem xét đưa vấn đề vệ sinh này vào phần cứng trong quy hoạch trùng tu lại di tích. Thực tế nó là công trình phụ nhưng lại là chính đấy chứ.
Trọng Đức

Đền Quang Trung cũng chưa có công trình vệ sinh?
       
Theo tin từ lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An thì, hiện nay một số di tích trên địa bàn khi tiến hành bảo tồn tôn tạo thì có 2 nguồn đó là ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Cho nên nhiều lúc do kinh phí cũng việc quy hoạch chưa hoàn chỉnh nên một số di tích chưa có công trình vệ sinh. Tuy nhiên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên nhất định sau này di tích đó cũng sẽ có. Hiện như đền Quang Trung – Công trình đẹp nhất tỉnh những cũng chưa có nhà vệ sinh. Năm 2012, ban quản lý đền này đề xuất và đáng lẽ năm nay UBND TP sẽ đưa vào xây dựng nhưng hiện tại do ghi vốn chậm nên công trình này không được triển khai. Sau đó, Ban quản lý lại muốn làm nhà vệ sinh di động nhưng UBND TP Vinh không cho vì cho rằng đó là chỗ linh thiêng nên chờ để làm cho chuẩn. Mà giờ xây dựng hai nhà vệ sinh ở đền này giá cũng gần 2 tỷ đồng… Việc xây dựng công trình vệ sinh trong các di tích là hết sức cần thiết, phải quy hoạch một cách hợp lý nhằm đảm bảo các yếu tố như sự linh thiêng của đền, hợp vệ sinh môi trường và thuận tiện cho du khách… Nhiều địa phương bảo do thiếu kinh phí nên việc xây dựng hạn chế cho nên cũng cần xã hội hóa bởi nguồn nhà nước thì rất ít.
 

1 nhận xét: