Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Gây khó... người tài



Ông Đinh Xuân Lâm

Gần 14 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài tỉnh chỉ thu hút được 2 tiến sỹ; số nhân lực chất lượng cao hầu như không có. Thực tế, nhân tài vẫn chưa mặn mà về quê hương cống hiến dù UBND tỉnh đã trải thảm đỏ mời gọi. Về vấn đề này, ông Đinh Xuân Lâm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ lý giải: nguyên nhân có thể do nhiều khi Sở, ban, ngành không tâm huyết với vấn đề này, thậm chí nhiều nơi vì lý do cá nhân mà trì hoãn, không tạo điều kiện, gây khó dễ cho đối tượng thuộc diện thu hút.
“Thu hút chất xám hầu như không có”
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm thu hút nhân tài. Ông đánh giá như thế nào về tính chất của chính sách này?
Chính sách thu hút nhân tài, chất lượng cao được tỉnh quan tâm, thực hiện rất sớm. Năm 1999, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn 1876/CV.UB (ngày 25/6/1999) để thu hút những sinh viên tốt nghiệp Đại học chính quy loại khá, giỏi. Đó là những ngành kinh tế kỹ thuật mà tỉnh cần nhằm bổ sung cán bộ cho các huyện miền núi. Có thể nói chính sách này đã đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa cán bộ trong những năm đó. Cá biệt, có những huyện dù biên chế đã đủ nhưng vẫn tiếp nhận nguồn nhân lực đã thu hút. Những em này khi về sẽ làm theo dạng hợp đồng và tỉnh sẽ bổ sung quỹ lương để khi có người về hưu thì sẽ thay thế.
Đến năm 2001, tỉnh lại có Quyết định số 30/2001/QĐ-UBND (ngày 27/3/2001) về thu hút nhân lực chất lượng cao. Quyết định này tiến bộ, chất lượng hơn Quyết định 1876 như thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Riêng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi thì chỉ thu hút những ngành tỉnh còn thiếu. Việc thu hút này có hỗ trợ một ít kinh phí ban đầu đối với đối tượng được thu hút. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho những người đang công tác đi làm các luận án tiến sỹ, thạc sỹ nhằm nâng cao trình độ chuyên ngành. Năm 2007, tỉnh tiếp tục có Quyết định 30/2007/QĐ-UBND (ngày 09/4/2007) về thu hút nhân lực chất lượng cao. Về bản chất, Quyết định 30 năm 2001 và Quyết định 30 năm 2007 không khác nhau nhưng mức hỗ trợ tăng lên. Đến năm 2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 65/2010/QĐ-UBND (ngày 26/8/2010). Đối tượng thu hút lần này mở rộng ra cơ quan Đảng, đoàn thể (trước đây chính sách thu hút chỉ áp dụng cho các cơ quan chuyên môn hành chính Nhà nước) và mức độ hỗ trợ cũng nhiều hơn trước. Xét về quá trình thì các văn bản nhằm thu hút nhân tài của tỉnh có chiều hướng đi lên.
Hiệu quả của chính sách này như thế nào sau gần 14 năm triển khai, thưa ông?
Có thể khẳng định hơn 10 năm thực hiện chính sách, tỉnh đã thu hút được nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, tạo điều kiện cho hàng chục người đi làm luận văn tiến sĩ, thạc sĩ. Nhìn chung các đối tượng thu hút đã phát huy được hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ và được cơ sở đánh giá tốt. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì việc thu hút chưa đảm bảo. Đến nay tỉnh chỉ mới thu hút được hàng trăm người, trong đó có nhiều em tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, giỏi, riêng thu hút chất xám thì hầu như không được bao nhiêu. Theo Quyết định 65 thì mới đây cũng chỉ thu hút được 1 tiến sỹ y khoa đang làm cố vấn ở Bệnh viện Ung biếu tỉnh. Còn thạc sĩ, tiến sĩ thì thu hút không nhiều, số lượng đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, tiến sỹ thì rất ít, chỉ vài ba người.
“Không phải ai cũng tạo điều kiện cho người giỏi”
Tỉnh đã trải thảm đỏ để mời gọi con em xứ Nghệ về phục vụ quê hương nhưng nhân tài lại chưa mặn mà. Ông có thể cho biết nguyên nhân?
Thực ra tỉnh còn nghèo, ngân sách hàng năm không đảm bảo cho chi song tỉnh đã rất cố gắng giành ra một khoản để thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Việc tạo điều kiện cho cán bộ đi làm luận văn tiến sỹ, thạc sỹ cũng đã lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng có thể nói mục tiêu thu hút, nhất là thu hút nhân lực chất lượng cao như chuyên gia các ngành y, ngành khoa học chưa được nhiều. Song, nói tỉnh đã trải thảm đỏ nhưng nhân tài chưa mặn để về làm việc thì cũng không phải. Nguyên nhân chính là do điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta chưa đảm bảo cho việc nghiên cứu khoa học; môi trường làm việc như kết cấu hạ tầng, giao thông đi lại, khí hậu chưa thuận tiện nên rất khó để đội ngũ trí thức về quê nghiên cứu khoa học công tác. Chính vì thế nên việc thu hút cũng có mặt hạn chế.
Đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi họ cũng không quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ. Các em về chủ yếu là để phục vụ quê hương, hợp lý hóa gia đình. Mặt khác, thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng còn vướng mắc vì vẫn phải thi công chức. Bởi Nghị định 24 của Chính phủ chỉ quy định tuyển thẳng những người đỗ thủ khoa. Trong khi đó số đỗ thủ khoa rất ít, mà có khi địa phương khác có môi trường tốt hơn họ cũng đã thu hút rồi. Hơn nữa, số sinh viên giỏi phải thi công chức thì cũng không chắc chắn đỗ 100%. Mà thi thì có khi người tốt nghiệp loại khá thì đậu, mà loại giỏi thì không. Hàng năm số đối tượng đăng ký thi công chức nhiều nhưng do nhu cầu thu hút của tỉnh ít. Mỗi năm số sinh viên tỉnh ta tốt nghiệp ra trường 15 đến 16 ngàn em nhưng thi công chức tỉnh chỉ tuyển có vài trăm em. Những nguyên nhân nói trên đã ảnh hưởng đến chính sách thu hút của tỉnh.
Thực tế đã có Sở, ban, ngành vì lý do nào đó lại “hành” nhân tài, ông nghĩ sao về điều này?
Nguyên nhân này cũng có. Nhiều Sở, ban, ngành cũng cố gắng để thu hút nguồn chất lượng cao nhưng nhiều nơi cán bộ cũng không nhiệt huyết với chuyện này. Người giỏi thì trong quá trình làm việc với nhau họ cũng có cái này, cái kia. Nhiều người có động cơ khác nhau, không phải ai cũng tạo điều kiện cho người giỏi cả. Có một số nơi có những quy trình, thủ tục gây khó nên Sở Nội vụ cũng đang có ý kiến giao nhiệm vụ để lãnh đạo các Sở tạo điều kiện cho các em làm việc. Thậm chí, có những trường hợp thuộc diện thu hút đến thì bị cơ sở đẩy đi chỗ này chỗ kia. Điều này cũng đã có dư luận lên tiếng. Cho nên nói nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến chính sách thu hút cũng có và không phải cá biệt. Nhưng đây là vấn đề nhạy cảm như trường hợp em Cảnh (Em Phan Thị Cảnh quê xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, khoa thương mại, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đã từng bị gây khó dễ khi về quê xin việc - PV).  Khi dư luận lên tiếng thì nhiều người cho rằng tỉnh không tạo điều kiện cho nhân tài. Nhận nhiều em học giỏi không ai biết nhưng một đối tượng mà làm không tốt, khi dư luận lên tiếng thì sẽ bị đánh giá. Cũng có thể nhiều khi cơ sở vì một lý do cá nhân mà có sự trì hoãn, không tạo điều kiện cho đối tượng được thu hút.
Người đứng đầu “hành”… nhân tài chỉ bị nhắc nhở!
Giải pháp mà Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho tỉnh để thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài là gì?
Đối với bộ phận chất lượng cao như đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ chuyên khoa 2 thì thời gian tới, tỉnh phải khắc phục từng bước về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện nghiên cứu khoa học thì mới thu hút được. Còn đối với đối tượng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, khi thông báo nhu cầu tuyển dụng các cơ sở đăng ký lên thì Sở Nội vụ sẽ thẩm định kỹ xem có hợp lý không, hồ sơ có đủ tiêu chuẩn không để loại trừ và tạo điều kiện cho những hồ sơ loại giỏi. Nói tóm lại là phải thẩm định chất lượng, nhu cầu đăng ký rồi thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu hồ sơ khá giỏi mà cơ sở không nhận thì lên nộp tại Sở Nội vụ sẽ nhận và bố trí sắp xếp để thi.
Nhưng cái gốc của vấn đề là có những Sở, ban ngành gây khó dễ đối tượng được thu hút, nhưng việc xử lý người đứng đầu cũng chỉ là hình thức nhắc nhở?
Vẫn có xử lý đấy chứ. Đối với các Sở, ban ngành mà làm không đúng quy trình, thủ tục thì trong phần tổng kết, giao nhiệm vụ ở ngành quản lý bộ phận tổ chức cán bộ  sẽ nhắc nhở. Hay trong những phiên họp UBND thì những vấn đề bức xúc đã lên dư luận đều được chủ tịch có ý kiến và lãnh đạo các đơn vị đó phải bị khiển trách, nhắc nhở. Ở đây là nhắc nhở để sửa chứ không phải khiển trách bằng hình thức kỷ luật. Vì xử lý những sai sót này cũng chưa có khung xử lý. Ví dụ như bên luật công chức thì đã có hình thức xử lý chứ lĩnh vực thu hút nhân tài thì chưa. Đây là chính sách nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho người tài nên đơn vị nào mà gây khó khăn, trục trặc thì cũng chỉ nhắc nhở để chấn chỉnh, sữa chữa, khắc phục. Chứ còn xử lý kỷ luật người ta cũng không được. Việc này dẫn đến chuyện chính sách thì rất đúng nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Trọng Đức

Chi hơn 2,6 tỷ đồng thu hút được 403 người
“Từ năm 1999 đến cuối năm 2012, tổng số thu hút nhân tài, chất lượng cao theo chính sách của UBND tỉnh là 403 người với kinh phí hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng (trong đó QĐ năm 1999 được 293 người, QĐ năm 2001 được 6 người, QĐ năm 2007 được 26 người, QĐ năm 2010 được 78 người). Cụ thể, tỉnh đã thu hút được tiến sĩ là 2 người; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II 22 người; sinh viên Đại học chính quy loại giỏi 34 người; sinh viên đại học chính quy loại khá 259 người (cho tất cả các huyện, các ngành) và sinh viên loại trung bình 86 người (cho các huyện miền núi cao). Ngoài ra, từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành chương trình học vị tiến sĩ 7 người và thạc sĩ 67 người với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng”, ông Đinh Xuân Lâm – Phó Giám đốc Sở nội vụ cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét