Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Đâu hồn Xô Viết?


Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh mới cơ bản hoàn thành các hạng mục như cổng, bờ rào, sân vườn, khu mộ và đền thờ. Tuy nhiên, sự bất hợp lý về ý tưởng, kiến trúc, mỹ thuật đã thấy rõ.
               Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh trước đây
Trung tuần tháng 9, nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Minh bất ngờ gọi điện trao đổi với tôi, vì anh biết tôi là người đã từng tham gia mảng mỹ thuật của tượng đài. Anh vừa tháp tùng đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh dâng hương tại khu tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Thái Lão - Hưng Nguyên. Giọng anh buồn bã, tiếc nuối: “Em nên lên xem khu tưởng niệm mới. Mất hết hồn cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh rồi…”.
Nhìn nay…
Ngắm khu tưởng niệm mới được xây dựng thì thấy lời nhận xét của Sỹ Minh chẳng hề sai. Tượng đài cũ đã bị dỡ bỏ hoàn toàn, thay vào đó là khu tưởng niệm mới đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như cổng, bờ rào, sân vườn, khu mộ và đền thờ. Thế nhưng, thật khó để tìm ra cái hay, cái đẹp mà chỉ thấy sự bất ổn về kiến trúc, mỹ thuật, sự cẩu thả trong thi công và tuyệt nhiên không còn bóng dáng gì của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Điểm được, ấy là nền sân đã tôn cao và khuôn viên rộng, thoáng hơn. Điểm chưa được thì nhiều vô kể. Khu tưởng niệm hiện nay là một sự pha tạp lộn xộn đến tùy tiện kiến trúc cổ và hiện đại, thể hiện ngay từ cổng, bờ rào, tắc môn cho đến mộ, đền thờ… Chất liệu đá được sử dụng rất nhiều. Nền sân đá, bờ rào đá, tắc môn đá… và ngôi mộ chung cũng được quây tròn trong một chiếc vòng đá màu xám lạnh. Dĩ nhiên, chất liệu đá là đắt tiền, là quý. 


Thế nhưng, dù không phải là người am hiểu một cách rành rẽ về vật liệu đá nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận đá sử dụng cho công trình này không tốt vì những vết rạn, thối hoặc vỡ và sự cẩu thả trên những đường nét cắt xén, chạm trổ. Bất hợp lý nhất trong khu tưởng niệm là chiếc Tắc môn đá được làm theo hình chiếc cuốn thư nằm ngay cổng chính với hai mặt được chạm khắc phù điêu mô tả phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Vì chiều cao của phù điêu chỉ khoảng 60 cm, thể hiện trên nền đá đen (độ bắt sáng của các khối hình hạn chế), đơn vị thi công chuyên môn kém nên hình hài của đoàn người biểu tình nhỏ, lộn xộn, không diễn đạt được nội dung… Với một tổng hòa như vậy, khu tưởng niệm không có hồn cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh mà chỉ na ná giống như khu mộ của một vị quan thời phong kiến.
          Khu tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh mới.
             Tắc môn trước cổng vào khu tưởng niệm.


 Khu mộ 217 liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh mới được làm lại trên nền Tượng đài cũ.
 …Tiếc xưa
Nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Minh đã tiếc nuối đưa cho tôi một chùm ảnh tư liệu Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh của những năm 2009 trở về trước và ảnh chụp mới sau khi tôn tạo để so sánh, anh nói: “Việc tôn tạo làm mới tại khu di tích Tượng đài Xô Viết Nghệ tĩnh là cần thiết nhưng có phần chưa được lòng dân. Tôi xin được lấy hình ảnh của Tượng đài Xô Viết Nghệ tĩnh đã bị phá bỏ để góp ý cho khu tưởng niệm mới: Đã là di tích lịch sử văn hóa thì trước hết là phải bảo tồn, rồi mới tôn tạo hiện trạng chứ không nên đập bỏ làm mới hoàn toàn. Làm mới lại chắc gì đã hơn cái cũ? Vừa tốn kém lại vừa mất đi một công trình văn hóa lịch sử đã đi vào lòng dân".


Nhìn khu tưởng niệm mới mà chợt liên tưởng, mà tiếc Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh năm nào. Vốn dĩ từng có thời gian là cán bộ của Công ty Văn hóa tổng hợp Nghệ An - đơn vị sáng tác và tham gia thi công Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh trước đây, thế nên tôi biết và hiểu rất rõ về cấu trúc, ý tưởng của Tượng đài cũ. Tượng đài cũ được đặt chính tại nơi ngôi mộ chung của 217 liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cấu trúc của Tượng đài chắc, khỏe. Ngôi mộ chung cũng là phần bệ đài. Trên bệ đài là trụ đài 3 mặt vươn cao. Bao quanh bệ đài là hai mảng phù điêu khá lớn tái hiện lại hình ảnh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ý tưởng của những người sáng tác rất rõ: 


Trên ngôi mộ chung của các liệt sỹ, trụ đài như một mầm cây vươn thẳng, biểu tượng cho giá trị trường tồn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời, thể hiện sự đồng lòng trăm người như một - trung trinh vì dân vì nước mà hy sinh. Ý tứ là thế, nhưng góp phần quan trọng làm nổi bật hồn cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đem lại vẻ đẹp thẩm mỹ, sự hài hòa trong kiến trúc là hai mảng phù điêu khắc họa hết sức sinh động, tái hiện đầy đủ những mốc thời gian đáng ghi nhớ của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ hình ảnh các ông, bà, anh, chị nông dân tay trong tay chỉ là cuốc, thuổng, gậy, gộc, quang, gánh, liềm, hái trong rừng cờ búa liềm, biểu ngữ không quản ngại hy sinh xông lên phía trước cho đến hình ảnh thực dân Pháp cùng lính khố xanh, khố đỏ trong tay súng ống, tàu bay đàn áp biểu tình… 


Ý tưởng rõ ràng, dễ hiểu, lại có thêm hai mảng phù điêu minh họa, thế nên ai đặt chân đến đây đều có thể cảm nhận một cách sâu sắc về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đây cũng là điều quan trọng nhất đối với các công trình văn hóa lịch sử cần có. Chính vì quan tâm, lo lắng điều này nên tại Thông báo số 429 của Tỉnh ủy ban hành ngày 22/10/2007, Thường trực Tỉnh ủy giao Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư Dự án xây dựng cụm tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chỉ đạo Sở VHTT&DL xin ý kiến của Bộ VHTT&DL và các ngành liên quan điều chỉnh tên gọi của dự án, để đảm bảo tôn vinh giá trị của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: 


"Đây là công trình lớn, mang ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, văn hóa và lịch sử. Vì vậy, yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan cần tập trung, chỉ đạo, tăng cường phối hợp, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương và ý kiến góp ý của nhân dân để vừa đẩy nhanh tiến độ, nhưng đảm bảo về chất lượng và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đặc biệt lưu ý về yếu tố lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của công trình…".

*

*    *
Biết rằng phá bỏ khu Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh cũ để làm mới cũng là điều cần thiết vì qua thời gian nền Quốc lộ 46 đã được tôn cao hơn rất nhiều so với nền sân Tượng đài cũ, vì chiều cao các công trình xây dựng xung quanh đã lấn át chiều cao của Tượng đài… và còn vì nhiều lý do khác nữa. Thế nhưng, bỏ Tượng đài cũ - một công trình mà giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử, văn hóa đã đi vào lòng người - thì cụm công trình mới phải có giá trị cao hơn thay thế. 


Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh” - được các đơn vị tư vấn cấp quốc gia tham gia quy hoạch, thiết kế với tổng kinh phí trên 320 tỷ đồng - với các hạng mục đã được thực hiện lại chỉ khiến người đến tham quan hơi này băn khoăn: Đâu hồn Xô Viết?
Nhật Lân-Sỹ Minh

(Nguồn: Văn hóa Nghệ An)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét