Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Chính quyền "quên" quyền lợi của dân!


Dân kêu!

Có chủ trương làm đường, 14 hộ dân trong khu nhà tập thể hóa giá ở tổ 3, khối 11, phường Quang Trung, đã nhanh chóng đồng ý đến nơi tái định cư mới. Vậy nhưng, lãnh đạo phường sở tại “tuyên” là dân không được nhận tiền đền bù tài sản, tự đập nhà và bỏ kinh phí để di dời.
Trong khi, ông Hà Thanh Tịnh-Phó chủ tịch UBND thành phố Vinh (Nghệ An) cho rằng chính quyền phường Quang Trung đã làm trái quy định. Nói cách khác là “bỏ quên” quyền lợi của người dân?!

Thiệt cho… dân nghèo!

Những năm 1990, do hoàn cảnh khách quan, giám đốc Nhà máy bánh kẹo Vinh (Nghệ An) ông Lê Hồng Tri đã ký quyết định hóa giá nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Trong văn bản này có 2 nhà tập thể được hóa giá, một dãy tập thể gồm 14 gian tại phía Trường cấp 2 Quang Trung, sát bờ rào khách sạn Kim Liên (Nay gần trụ sở Công an phường Quang Trung). 


Những căn hộ này có diện tích “tý hon” chừng trên dưới 30m2. Tuy nhiên vì nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cũng như hoàn cảnh khó khăn nên nhiều công nhân cũng đã tích cóp tiền để được mua nhà hóa giá trên. 


Có nhà xập xệ đã ổn nhưng để “ở được”, có chỗ chui ra chui vào của mấy con người trong một gia đình nên nhiều người đã chạy vạy vay tiền để “trùng tu, nâng cấp” lại nhà. Chừng đó năm trời, có nhà 4 khẩu, nhà nhiều thì 5 đến 6 khẩu sống trong nhà hóa giá đó và họ vẫn nộp nghĩa vụ thuế đầy đủ.

Đến những năm 2010, phường Quang Trung có chủ trương kéo dài con đường Nguyễn Cảnh Chân (Đường nối ra đường Phan Đình Phùng, phường Hồng Sơn sang đến đường Đào Tấn, gần trụ sở phường Quang Trung) thì 14 căn nhà của công nhân Nhà máy bánh kẹo Vinh nằm trong diện phải giải tỏa trắng. Vì bộ mặt của phường, người dân nhanh chóng đồng ý “nhường đất”. 
Con đường "xóa trắng" nhà dân!


Sẽ chẳng phân vân gì (Thậm chí là ủng hộ chủ trương) nếu như phường Quang Trung không yêu cầu người dân phải tự di dời, dỡ nhà mà không được nhận tiền đền bù. Ngoài ra, trong một thời gian nhất định phải chuyển đến nơi ở mới. Đó là khu đất ở khối 14 phường Quang Trung (Gần chùa Diệc của phường này). Vô lý hơn đến tái định cư, các hộ dân phải tự đóng hơn 10 triệu đồng/hộ và giao một người đứng ra tự đi lo xây dựng cơ sở hạ tần như mương thoát nước, rồi khảo sát địa hình, lập quy hoạch, định vị cắm mốc để phục vụ tái định cư.

Anh Trần Văn Đồng, tổ 3, khối 11 nói: “Vợ tôi là Trần Thị Mai, là công nhân của nhà máy bánh kẹo. Trước năm 1990, vợ chồng mua lại căn nhà tập thể của công ty với diện tích 27,5m2. Việc mua bán có giấy tờ, hàng năm đều đóng thuế cho Nhà nước đầy đủ. Mua nhà, để ở được gia đình đã bỏ ra mấy chục triệu để sửa chữa và làm mới. 


Giờ nghe phường thông báo nhà sẽ bị giải toả, Nhà nước chỉ đền đất còn tài sản trên đất không đền, kinh phí tháo dỡ gia đình tự bỏ ra. Vô lý hơn, còn yêu cầu trong vòng 45 ngày kể từ khi bốc thăm được đất ở khu tái định cư người dân phải tự tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng cho phường, nếu không sẽ bị cưỡng chế”.

Không chỉ hộ anh Đồng, mà có mặt tại khu tập thể trên, các hộ dân đều rất bức xúc. “Nhà tui mua đàng hoàng. Giờ giải tỏa làm đường thì phải đền tài sản cho gia đình chứ. Trái lại bắt dân di chuyển đến tái định cư mà còn phải bỏ tiền để làm hạ tầng. Nhiều nơi tái định cư cho dân, Nhà nước làm tất tần tật, mời dân mà họ cũng chưa vào đấy”, một hộ dân so sánh.

Phường có động cơ?

Theo ông Lê Đức Thọ-Phó chủ tịch UBND phường Quang Trung thì từ năm 2009 phường đã có kế hoạch làm con đường trên. Tuy nhiên vì vướng mặt bằng 2 khu tập thể, trong đó có nhà của 14 hộ dân Nhà máy bánh kẹo Vinh nên chưa thông được đường. Và mới đây, phường Quang Trung đã cho 13 hộ dân đã bốc thăm sang tái định cư sang bên khu chùa Diệc thuộc khối 14 (Không đủ đất nên 1 hộ tình nguyện đi nơi khác). 


Tuy nhiên theo phó chủ tịch phường Quang Trung thì việc giải tỏa 14 hộ dân trên là theo đề án xóa nhà tập thể. Theo đó thì 14 hộ dân trên phải tái định cư đến nơi khác nhưng  phải chịu tất cả chi phí từ di dời, đập phá nhà, làm hạ tầng quy hoạch khu tái định cư. 
Chính quyền bỏ rơi dân nghèo!


Nhưng thực chất, theo ông Lê Đức Thọ là xóa nhà tập thể nhưng là để lấy mặt bằng cho con đường: “Đề án xóa nhà tập thể và làm đường là khác nhau. Mà đề án xóa nhà tập thể là do dân tự chọn chứ phường có bắt buộc đâu. Vừa rồi dân cũng có thắc mắc nhưng phường nói là: Một là theo đề án xóa nhà tập thể thì các bác tự làm, còn chờ dự án đường thì chưa có, còn lâu”.

“Vì dự án xòa nhà khu tập thể có trước, người ta yêu cầu phải làm trước. Ai chẳng muốn tận dụng cho dân. Giờ mà làm lên thành phố Vinh lại hỏi tại sao không làm xóa nhà tập thể mà làm con đường, đấy là chỗ vướng. Chứ phường đây làm cái gì có lợi cho dân thì làm. Phường có ép đâu, dân chọn đấy chứ”, ông Lê Đức Thọ khẳng định.

Không những thế, phó chủ tịch phường Quang Trung còn tiết lộ là để “hoàn thành” quy hoạch việc tái định cư cho dân, ngoài cán bộ phường đi làm thì còn có người dân tự đưa tiền đi theo để “bôi trơn”: 


“Dân không được xu mô. Phải tự đóng góp từ A đến Z…Tất cả tiền là dân tự bầu ra cái tổ tự thu tự chi các khoản. Tiền vẽ thiết kế quy hoạch là do tỉnh, còn chuyện phong bì phong bao thì tôi nói cái chuyện đó là phải có cả đấy. Đi bao nhiêu thì tự các bác, tôi không biết. Mau chậm các chú biết đấy, ở phường thì không nói như ở các sở ban ngành thì cứ bảo tuần sau tuần sau thì không biết tại vì cái gì”?

Trao đổi với báo chí, ông  Hà Thanh Tịnh-phó chủ tịch UBND TP Vinh khẳng định: “Về đất đương nhiên là họ sẽ được tính toán đền bù  và được giải quyết chính sách tái định cư. Về tài sản thì cũng tính toán theo quy định và được hưởng tiền bồi thường về tài sản. Chứ ông Thọ (Ông Lê Đức Thọ-Phó chủ tịch phường Quang Trung-PV) hiểu sai. 


Vì có những khu tập thể sau khi quy hoach là họ được tái định cư tại chỗ. Sau này  toàn bộ tiền đền bù về đất, tài sản, mương, đường thì sau này tính cọng vào toàn bộ chi phí đầu tư hạ tầng, cọng với giá đất nguyên thổ mà Nhà nước quy định thành cái giá ra đất mới. Mình không cần đền bù thì sau này giá đất mình thấp, thôi thì đập tay thì lấy tay kia. Còn cái chuyện tài sản tự đập đi như ở Quang Trung là chính sách không có như vậy vì những hộ dân này thuộc diện phải di dời”.

Ngoài ra, ông Hà Thanh Tịnh cũng cho rằng trách nhiệm hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư là phường Quang Trung-chủ đầu tư phải làm. “Tôi chưa gặp trường hợp nào như ở phường Quang Trung. Chủ đầu tư phải làm cho dân chứ”, phó chủ tịch UBND thành phố Vinh Hà Thanh Tịnh nói.

Sau khi chúng tôi làm việc với ông Hà Thanh Tịnh thì phó chủ tịch UBND phường Quang Trung Lê Đức Thọ điện thoại cho biết là phường đã gửi thống kê đền bù tài sản trên đất của 14 hộ dân gửi lên thành phố Vinh. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Đặng Thái Bình-Giám đốc Trung tâm khai thác quỹ đất thành phố Vinh cho rằng: “Đã làm cái gì đâu mà hồ sơ. Ở dưới có làm đền bù đâu mà đưa lên”.
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét