Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm giữa thầy Việt, trò Lào!


Anh Phong nói về kỷ niệm ở Việt Nam

Là người duy nhất của nước bạn Lào đã sáng tác bản giao hưởng “Hồng Hà -Cửu Long”-thể hiện tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước Việt-Lào; Cách đây hơn 40 năm, người nhạc sỹ  ấy  đã cùng với bạn bè được tham gia học và đào tạo khoá học đầu tiên về âm nhạc ở Việt Nam… Và cũng chừng ấy thời gian thầy, trò biền biệt. Ai cũng nghĩ số phận của mỗi người đã an bài bởi khói lửa chiến tranh… Nhưng điều kỳ diệu đã đến…

Một ngày đầu đông. Lạnh như cắt. Hơn 5 giờ sáng, ông thầy người Bắc Giang năm nay 76 tuổi xuống tàu ở ga Vinh sau một cuộc hành trình dài. Chưa kịp ngơi nghỉ, “lão” lại bắt tắcxi ra bến xe Vinh rồi lên chuyến xe sớm nhất để sang Lào xem Sea Games 25. Điều thú vị là thầy đã “xuất ngoại” theo lời mời của người học trò nay là lãnh đạo Víp của nước Lào cách đây hơn 40 năm đã theo học ở Việt Nam


Thầy Việt, trò Lào ở
xứ sở hoa Chăm Pa

Thầy giáo cũ có tên gọi thân thuộc là thầy Lê Hoài. Ngồi cùng chuyến xe hàng tiếng đồng hồ, chân dung của người học trò cũ hiện lên rõ nét. Người học trò đó là nhạc sỹ, nhà văn Duang MiXay Likaya. Nay “người nổi tiếng” này  sống ở thủ đô Viêng Chănvà giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn Lào. Câu chuyện tìm lại thầy của anh Phong (Tức tên của nhạc sỹ MiXay lúc học ở Việt Nam) khá thú vị. 

Và ngồi tâm sự với anh (Anh Phong nói tiếng Việt rất thạo) tôi có cảm giác rất thoải mái. Đó không còn là một lãnh đạo “Víp” của xứ Triệu Voi. Cái chất nghệ sĩ đã khiến cho câu chuyện thăng hoa. “Mình thành đạt nhưng luôn tâm niệm và nhớ về thầy cũ. Biết ơn thầy. Không thầy đố mày làm nên…”, MiXay vận dụng rất “sành” các câu thành ngữ Việt để nói về  chặng đường thực hiện chí hướng “tôn sư trọng đạo”.

Năm 2007 (Năm 1965 Mi Xay về nước, tức là  là gần 40 năm quay lại Việt Nam) nhờ những người quen ở Hội nhạc sỹ Việt Nam, MiXay đã trở lại “đất cũ” để tìm thầy. Ngay khi có địa chỉ chính xác, anh đã cùng bạn lên Bắc Giang để thăm người thầy dạy âm nhạc năm xưa. Đó là thầy Hoài. “Chiến tranh, thầy cũng tưởng mình chết. Mà mình cũng tưởng thầy không thể sống nổi với khói lửa chiến tranh khốc liệt. vậy mà…”, MiXay tâm sự. Đêm của gần 40 năm cũ tình thầy trò thắm thiết. Bao kỷ niệm, hoài nhớ một thời như “cháy” lên. Giữa không gian ấy, hình ảnh người thầy và trò tóc đã hoa râm thật kỳ diệu.

Theo đó thì tháng 10/1959, MiXay cùng với gần 100 bạn Lào sang Việt Nam học văn hoá khoá đầu tiên ở Thái Nguyên.  Lúc bấy giờ cậu học sinh Lào mới 10 tuổi. Điều cậu học sinh này mê nhất là cứ bắt đầu vào đầu lớp học hay nghỉ giữa giờ 15 phút là bắt buộc phải hát. Đến năm 1962 thì lớp học của MiXay chuyển về học ở Trường văn hoá miền núi TW đóng ở tỉnh Bắc Giang. Đây cũng là thời gian, MiXay được học với thầy Hoài. Tình yêu âm nhạc của cậu học trò nước bạn đã được người thầy giáo này để mắt. Và thầy đã tiếp tục “ươm  mầm” để cho âm nhạc phát triển trong  MiXay.

Đến năm 1965, cậu du học sinh Lào này đã bắt đầu có thể tự sáng tác, tự chỉ huy giàn nhạc trước sự khâm phục của bạn bè. “Phong làm ăn được đấy. Nó mê âm nhạc nhỉ”, MiXay nói về những lời khen của bạn bè lúc bấy giờ mà cười duyên như một đứa trẻ tóc đã bạc. Cũng năm này, “nhạc sỹ” tương lai đã chia tay thầy cô, xa bạn bè để trở về nước Lào. Và ai có ngờ sau gần 40 năm, anh lại được gặp lại thầy giáo cũ.
Cuộc hội ngộ kỳ diệu giữa thầy Việt, trò Lào

…Người duy nhất ở Lào sáng tác
được bản giao hưởng…

Về nước Lào, MiXay đã không lao vào công việc sáng tác ngay mà đã vào chiến trường. Địa điểm anh đến là Sầm Nưa. Cứ theo ngôn ngữ  của “nhạc sỹ” nói thì là đi để “Nếm khói chiến tranh”. Để thâm nhập các căn cứ cách mạng. Tại đây anh đã được một người nhạc sĩ  đàn anh khuyên bảo là nên học thật bài bản về âm nhạc vì “cậu có năng khiếu đấy”. Vậy là 2/1966, MiXay đã quay lại Hà Nội để theo tiếp một khoá âm nhạc. Đến tháng 8/1969 thì chàng trai tên Phong của nước bạn Lào đã tốt nghiệp bằng Trung cấp âm nhạc ở  bộ môn sáng tác, chỉ huy, thanh nhạc. Và sau đó thì nhạc sỹ MiXay trở về nước và nhận công tác ở Đài phát thanh Lào.

Tuy nhiên lúc bấy giờ trên đất Lào chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Vậy nên mọi sáng tác của anh Phong và đồng nghiệp đều được gửi về trung tâm “đầu não” của đài Lào ở Nho Quan (Ninh Bình) để hoà âm phối khí. Và từ đất nước Việt Nam xa xôi, các chiến sĩ của Lào chiến đấu trên khắp các chiến trường lại được nghe âm nhạc, nghe hát. Những bài hát của người nhạc sỹ được học ở Việt Nam đã một phần làm cho tinh thần, khí thế các chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường Lào sục sôi hơn. Năm 1974 thì người nhạc sĩ tài hoa này đã chuyển về công tác tại Đoàn văn công TW Lào để chỉ huy giàn hợp xướng.

Có thể nói Mi Xay có nhiều bản giao hưởng hay nhưng đến bấy giờ PV tiếp xúc thì ông là người duy nhất ở đất nước Triệu Voi là sáng tác được bản giao hưởng “để đời”. Đó là bản giao hưởng “bất hủ” Hồng Hà-Cửu Long. “Thực ra thì do họ không may mắn như tôi thôi. 10 tuổi đã phải xa gia đình để được sang nước bạn học tập. Được nhiều thầy tốt dạy nên mới thành công được…”. Nói về bản giao hưởng trên, MiXay chợt xúc động và biết ơn. Ông luôn nhấn mạnh đến sự giúp đỡ của nhiều đơn vị ở các tỉnh ở Việt Nam đã giúp đỡ ông hoàn thành. “Để có được bản giao hưởng này, tôi cảm ơn những người bên nước Việt rất nhiều. Địa điểm đầu tiên tôi đặt chân đến là nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Sau đó là hang Pắc Bó (Cao Bằng) rồi địa đạo Củ Chi….. Chính những ngày “nếm” trải những dấu ấn hồn cách mạng mà tôi đã viết lên được bản giao hưởng Hồng Hà-Cửu Long…”, nhạc sỹ cho hay.
Đức cầu Bùng và anh Phong tại Lào

Một chi tiết khá thú vị đó là: Nước Lào núi rừng bao la không có biển nên để thấy được sóng biển cuồn cuộn ào lên đập xuống như khí thế của chiến sĩ ta trên chiến trường đánh thắng quân giặc, MiXay đã dày công quan sát. Những ngày ở  dọc các bãi biển ở Đà Nẵng đã giúp cho MiXay nói lên được điều đó… Bản giao hưởng nói về tình thủy chung son sắt của hai nước. Là giai điệu buồn, nhớ và tiếc thương các chiến sĩ Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu vô cùng anh dũng chống bọn xâm lược…Tiếng nhạc có lúc lên, lúc xuống, có lúc nhỏ, lúc to như thay cho câu nói của người chiến sĩ: Hãy nhớ lấy trận chiến đấu này. Tình hữu nghị lào-Việt vĩ đại muôn năm…

…Như Xuân chạm ngõ… nhảy múa!

Đêm khai mạc Sea Games 25 diễn ra nhẹ nhàng. Giữa những chùm ánh sáng lung linh, huyền thoại. Và có điều ít ai không nhận ra đó là tiếng nhạc: âm nhạc du dương, lúc trầm lúc bổng, lúc quằn quại lúc lặng yên… Tất cả đều được vọng ra từ dàn nhạc phía trên khán đài. Làm nên thành công của âm nhạc và tiếp hồn cho âm nhạc chính là người chỉ huy MiXay. “Một số người điện đến bảo nhạc hay lắm. Tôi hỏi: hay cái gì? Họ bảo không biết. Họ thấy hay nhưng họ không hiểu âm nhạc nên nói thế…”, nhạc sỹ MiXay nói về nhạc chào mừng của đêm khai mạc.

Theo nhạc sĩ thì để chỉ huy giàn hợp xướng trong suốt 40 phút gồm 7 bài hát chào mừng Sea Games, nhạc sỹ và đồng nghiệp chỉ có hai tuần chuẩn bị. Nhưng làm thực sự là chỉ có 5 ngày. Trong số 7 bài hát chào mừng thì MiXay sáng tác chiếm phần lớn. “Trọng tâm của bài chào mừng Sea Games đó là đất nước hồn thiêng, đất nước luôn luôn muốn hoà bình, không có chiến  tranh. Đó là lòng mẹ. Dù có đi đâu ở đâu, có làm gì thì ai ai cũng phải nhớ mình có một người mẹ. Mẹ đã cho mình tất cả…”, nhạc sĩ cho hay.

***

Suốt cả câu chuyện, nhạc sĩ MiXay luôn nhắc đến Việt Nam và xem đây như là “người mẹ” thứ 2 của mình. Lúc chia tay người nhạc sĩ nước bạn Lào nhắn nhủ: Mình chỉ muốn tìm lại thầy giáo Việt năm xưa. Đó là thầy Nguyễn Duy Lộc-Người ở Hải Phòng (Lúc bấy giờ dạy hoạ ở Trường văn hoá miền núi TW khoảng năm 1963 đến 1965).

Trở về Việt Nam với những ngày tháng cuối năm, bao bộn bề công việc, ấn tượng về một lãnh đạo “víp”, một nhạc sỹ tài hoa, một người học trò mẫu mực như Mi Xay dần đã phai mờ. Và thú thật lời hứa với Mi Xay tìm thầy cho “cậu học sinh Lào” một thời cũng như “gió thoảng qua”. Nhưng một ngày nọ điều kỳ diệu đã đến, phía bên kia điện thoại cho biết: “Mình là thầy Lộc-thầy của Mi Xay đây. Cậu  (Tức nói PV) có biết số điện thoại của nhạc sỹ Mi Xay không…”.

Sau khi cũng cấp thông tin về nhạc sỹ, một ngày đông tái tê, có hai người đã điện thoại cho tôi. Hai cuộc điện thoại nhưng có chung một nỗi niềm: Thầy giáo già mừng như khóc trong điện thoại. Người học trò ở xứ sở hoa Chăm Pa nói như “phanh không kịp”: Cảm ơn PV nhé! Một ngày gần nhất tôi sẽ quay lại Việt Nam để gặp lại thầy… Nghe vậy! Tôi chỉ biết im lặng! Nghĩ đến một ngày: Cuộc hội ngỗ đầy ấn tượng sẽ diễn ra mà thấy xuân chạm ngõ như cô gái với nước da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao, miệng cười duyên… nhảy múa!  

     ·      Nói về người học trò cũ, thầy Hoài nói: “Tôi thấy cậu học sinh Lào này rất       lạ. Ham học hỏi, yêu âm nhạc lắm. bạn bè đi chơi lúc rảnh rổi nhưng cậu ta lại theo tôi để hỏi về âm nhạc. Phong mê nhạc lắm…”.
 ·      Sang Lào tham dự Sea Games từ ngày 6/12, MiXay đã dành thời gian đưa thầy giáo cũ mình đi thăm đất nước Lào. Tập trung các bạn bè đã từng học ở Việt Nam đến để gặp thầy. Đủ thấy tình tình trò xuyên quốc gia đáng trân trọng đến mức nào…
Trọng Đức
(Seagame 25 tại Lào) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét