Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

"Bức tử"... địa đàng xanh!


Một góc vườn Quốc Gia Pù Mát

Hiện tượng khai thác vàng, xây dựng thủy điện và “săn” dược liệu quý đang làm cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ) miền tây tỉnh Nghệ An chết mòn. Ngành chức năng nơi đây đang bất lực trước việc địa đàng xanh mà tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESSCO) kỳ vọng bị  bức tử”! 


Vườn Quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là 3 khu rừng đặc dụng tạo nên cơ sở để tháng 4/2011 tổ chức UNESSCO công nhận là KDTSQ.

Rừng xanh vang tiếng… dược liệu!

Ngày cuối tháng 9, chúng tôi men theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại hoặc quốc lộ 46 về với các huyện miền Tây Nghệ An. Cảnh “ấn tượng” đó là những “sân” dược liệu phơi nhan nhản bên đường (Người dân dùng hành lang đường để phơi dược liệu). Một người dân nói: “Dược liệu quý đấy”. Hỏi: lấy ở đâu? Thì moi, đào từ trong rừng. Vườn Quốc gia Pù Mát nhiều lắm! 

Câu trả lời tỉnh bơ của người đàn bà tôi hỏi nhanh chóng hiện ra cảnh: Rừng xanh đang chảy máu dược liệu. Tại huyện Con Cuông-“thủ phủ” của vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi dễ bắt gặp những dược liệu quý như cây máu chó, củ thiên niên kiện (tiếng Thái của địa phương gọi là “sắc thục”), hạt sa nhân, cây hoàng đằng, quả bo bo... nằm như củi trên đường. 
  Cây máu chó được khai thác rồi chế biến để bán cho thương lái
 “Chúng tôi thu gom từ các đầu nậu nhỏ. Họ lùng vào sâu trong dân bản để mua, một ngày cũng chừng mấy tấn. Cứ gần một tuần lại đem đi nhập 1 lần. Giờ thì thương lái đã đánh ô tô đến tận nơi để hốt hàng”, chủ một cơ sở thu mua dược liệu ở gần thị trấn Con Cuông trả lời khi chúng tôi muốn tìm hiểu “nghề” này.


Với lý do muốn mua với số lượng lớn dược liệu, bà chủ bảo: Bao nhiêu cũng có! Theo bà thì để có dược liệu, dân bản đã luồn sâu vào trong rừng (Thuộc vườn Quốc gia Pù Mát) để đào. Chia tay bà chủ với lời hứa hẹn sẽ quay lại, kèm theo số điện thoại “ảo” chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến huyện Nghĩa Đàn. 

Chị N ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn) tiết lộ: “Các ông chủ nước ngoài rất “chuộng” cây máu chó. Giờ đầu nậu nhiều nên hàng cũng hiếm. Phải đến tận nơi hốt hàng của dân bản mới được. Chúng tôi đã mở rộng địa bàn thu mua đến các huyện khác như Quỳ Hợp, Quế Phong… để tập kết dược liệu”.

Khám phá những địa chỉ chị N nói, chúng tôi không khó tìm ra được những đầu nậu thu mua dược liệu. Tại một cơ sở thu mua cây máu chó ở cách thị trấn Quỳ Hợp chưa đến 1 cây số, bà chủ cho biết: “Trước kia nhập lẻ chứ giờ thì có các đầu nậu “con” đi sâu từng bản để thu mua rồi”. 

Theo tìm hiểu thì dược liệu được thu mua được khai thác từ sâu trong các khu rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt. Hiện tình trạng khai thác dược liệu đã diễn ra phổ biến ở các địa phương thuộc KDTSQ.

“Băm” rừng làm thủy điện!

Bên cạnh “rừng vàng” đang mất dược liệu quý, thì KDTSQ còn phải còng lưng gánh thủy điện. Mới đây để “cứu” thác Sao Va-một thắng cảnh thiên nhiên đẹp của xứ Nghệ, UBND huyện Quế Phong đã phải “gõ cửa” khắp nơi. Nguyên nhân cũng chỉ vì “anh thủy điện”. 

Suối cấp nước cho thác Sao Va “chết mòn” khi có thủy điện Sao Va
Lúc chúng tôi có mặt, thời điểm nắng, thác Sao Va “sống mà như đã chết”: Chẳng thấy thác nước đâu, chỉ trơ đáy. Một số người dân thì thầm: Thác đang đối diện với việc “xóa sổ” đấy! Tìm hiểu thì hay: năm 2006 ngành chức năng đã tiến hành xây dựng nhà máy thuỷ điện Sao Va (3MW) cách thác về phía thượng nguồn khoảng 1,5 cây số. Thuỷ điện này tích nước đã khiến cho các dòng suối, sông cung cấp nguồn nước cho thác Sao Va “khát khô họng”. Thủy điện Sao Va hình thành, người dân bản địa lo ngại việc thuỷ điện sẽ gây ảnh hưởng đến quần thể thác Sao Va.

Tuy nhiên phía nhà đầu tư cam kết không để ảnh hưởng và sẽ cung cấp đủ lượng nước để thác Sao Va chảy như tự nhiên vốn có. Trên thực tế, năm 2009 thủy điện Sao Va đi vào hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị tinh thần và kinh tế của đồng bào. 

Ông Lữ Đình Thi-Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho rằng việc xây dựng hệ thống nhà máy thủy điện sẽ đóng góp rất lớn về mặt kinh tế. “Tuy nhiên cái mất lớn nhất đó là những giá trị tinh thần. Nhiều diện tích rừng đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng của các khu bảo tồn cũng đang bị đe dọa”.

Có báo cáo tác động môi trường!

Ông Hồ Sỹ Dũng-Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An thừa nhận: “Việc khu bảo tồn “gánh” nhiều nhà máy thủy điện sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh học. Khi xây dựng nhà máy, chủ đầu tư phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu Bộ cấp phép xây dựng thì bộ thẩm định, tỉnh cấp phép thì tỉnh thẩm định báo cáo tác động môi trường”.

Theo số liệu từ Sở công thương tỉnh Nghệ An thì hiện khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang “gánh” 7 nhà máy thủy điện. Khu bảo tồn này thuộc hai huyện miền núi Quế Phong và Quỳ Châu. Cụ thể như dự án thuỷ điện Hủa Na (180MW), Sông Quang, Bản Cốc, Sao Va, Nhan Hạc, Tiền Phong, Nậm Pông. 

Việc xây dựng các nhà máy đã và đang ảnh hưởng đến sự đa dạng của khu bảo tồn thiên nhiên. Cụ thể là nhiều diện tích rừng bị chặt phá để làm đường, xây dựng nhà máy, đặc biệt là việc chặn dòng tích nước của các nhà máy thuỷ điện đã biến nhiều dòng sông suối trong Khu BTTN như: Nậm Quang, Nậm Giải, sông Hiếu… bị “chết mòn”.

“Vàng tặc”… đại náo!

Thực tế, địa đàng xanh đang bị bức tử còn trầm trọng hơn: Hết thủy điện, dược liệu rồi việc khai thác “vàng” chui cũng ảnh hưởng trực tiếp đến KDTSQ. Tại bản Canh xã Xiêng My (Huyện Tương Dương), “quặng tặc” đã đưa máy móc lớn vào để khai thác vàng. Đây là khu vực thuộc vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. 

Hay như tại địa bàn huyện Quế Phong, Công ty Tân Hồng được cấp phép khai thác vàng nhưng đã mở cả con đường công vụ “xé” giữa khu rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Khi cấp ngành chức năng phát hiện thì sự việc đã “an bài”.
“Vàng tặc” vào tại vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển để khai thác
Ông Trịnh Thanh Long-Phó Giám đốc, kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thừa nhận hiện tượng dân bản vào rừng để đào dược liệu. Loại dược liệu được “chăm sóc” nhiều nhất là cây máu chó. 

Việc thu mua này diễn ra từ đầu năm 2010 nhưng rầm rộ nhất là từ đầu năm 2011. Ông Long “đỗ lỗi” cho việc trong nghị định Chính phủ không có hành vi điều chỉnh để xử lý các lâm sản khác, cụ thể là cây máu chó nên “bất lực”. “Vì không có hành vi điều chỉnh nên chúng tôi đuổi và xử lý rất khó. Và sẽ không thể xử phạt được các đầu nậu. 

Việc xử lý là phải bắt các đối tượng thu gom vận chuyển nhưng chúng tôi chẳng biết căn cứ vào đâu”. Còn chuyện “vàng tặc” ông Long nói đã xử lý nhưng sau đó sự việc lại tái diễn. “Riêng chỗ Công ty Tân Hồng làm đường công vụ vào khu bảo tồn thiên nhiên chúng tôi đã báo cáo xử lý”. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đã “băm nát” khu bảo tồn trước khi ngành chức năng vào cuộc!

Chuyện KDTSQ không phải bây giờ dư luận mới phản ảnh mà có vẻ như càng “nói” thì sự việc càng trầm trọng. Dẫn chứng là chưa bao giờ tại các địa phương có khu bảo tồn thiên nhiên ở Nghệ An, “máu rừng” lại chảy nhiều đến thế!
“Ảnh hưởng đến môi trường sinh thái”!  

Ông Bùi Xuân Hùng-Trưởng Phòng Quản lý điện năng Sở Công thương Nghệ An cho rằng: “Một số nhà máy được cấp phép từ trước mà do Bộ ký nên tôi cũng không rõ khi thẩm định họ có kiểm tra nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên hay không. Tuy nhiên việc xây dựng mà ở trong khu bảo tồn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Như khi có chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Tiền Phong (Huyện Quế Phong) ở trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt sẽ tác động xấu đến môi trường, chúng tôi đã có ý kiến phản đối nhưng không hiểu sao ngành chức năng vẫn đồng ý cho xây dựng”.
 Trọng Đức

1 nhận xét:

  1. Lại thằng Trung Quốc nữa thôi. hắn thua mua chứ ai nữa!

    Trả lờiXóa