Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Vô cảm với dân!

Sự việc TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) mở phiên tòa xét xử “quan” trưởng phòng kiện UBND huyện Hưng Nguyên để được “trẻ hơn”, đúng vào lúc người dân đang oằn mình thu hoạch mùa chạy lũ và tránh bão số 5, khiến nhiều người bức xúc.

Xưa, Phạm Văn Tốn có chuyện ngắn nổi tiếng - "Sống chế mặc bay". Câu chuyện gay cấn về đê làng sắp vỡ, nước lên từng phân, tin báo về từng phút. Ấy vậy mà quan phụ mẫu vẫn điềm nhiên ngồi chơi mạt chược với thuộc hạ. Nước cứ dâng, đê cứ nguy, quan cứ chơi, còn dân thì…sống chết mặc bay!

Sáng 30-9, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên có mưa lớn, người dân hối hả ra đồng, oằn mình dưới mưa, lũ khẩn trương gặt lúa. Nhiều diện tích lúa do ngâm nhiều ngày trong nước đã bị mọc mầm, hư hỏng. Bão số 5 đang tiến sát vào đất liền. 


Cùng lúc đó, phiên tòa xử vụ ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng Phòng Lao động-Thương bình và xã Hội huyện Hưng Nguyên kiện yêu cầu UBND huyện Hưng Nguyên hủy “quyết định thu hồi, hủy bỏ bản chính giấy khai sinh” của ông vừa đăng ký lại, bắt đầu.
                                                         
                                "Quan" kéo nhau ra tòa, dần oằn mình chống lũ

Trước đây, năm 1985, ông Thế cạo, sửa năm sinh của ông từ 1955 thành 1952 trong bản chính giấy khai sinh của gốc của mình nhằm hợp thức lý lịch công chức. Ngày 23-9-2009, ông Thế đăng ký lại giấy khai sinh của ông và báo với cơ quan rằng ông sinh năm 1955. 


Tức nếu được chấp thuận sửa lại khai sinh cho “trẻ lại” 3 tuổi, ông sẽ nghỉ hưu muộn hơn so với năm sinh 1952, trong hồ sơ cán bộ công chức của ông, đồng nghĩa với việc về hưu muộn hơn 3 năm. Và, biết đâu được làm trưởng phòng thêm 3 năm nữa?

Vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Trần Xuân Trung ra quyết định thu hồi, hủy bỏ bản chính giấy khai sinh của ông Thế đã đăng ký lại có năm sinh 1955. Khiếu nại quyết định không được chấp thuận, ông làm đơn khởi kiện.

Ông Thế còn mời thêm luật sư đến bảo vệ cho mình tại phiên tòa. Ngoài người đại diện cho bị đơn trình bày tại tòa là ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, một số cán bộ xã Hưng Lĩnh và UBND huyện Hưng nguyên cũng được triệu tập đến. Trời mưa thêm nặng hạt. Hai bên đều “quan huyện” cữ cại, tranh luận nhau, bên nào cũng cho mình đúng. Người mang áo mưa đến dự khán rất đông, hội trường tòa không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải đứng bên cửa, ngoài hành lang nghe xử. Hội trường tòa án cũng bắc loa để mọi người nghe rõ. 


Từ ngoài hành lang ngó vô, có người thở dài: hội trường không đủ chộ ngồi là do nhiều cán bộ bỏ việc đến xem tòa xử, chứ dân thì lo phòng chống bão, lũ. Cả buổi sáng, phiên tòa phân xử không xong phải kéo sang buổi chiều và tòa tuyên bác đơn khởi kiện của ông Thế.

Việc ông Thế nộp hồ sơ khởi kiện, tòa án huyện phải nhận hồ sơ và xét xử là điều đương nhiên. Tuy nhiên không nên vô cảm mở phiên tòa lúc sinh mạng người dân đang cần lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, động viên trong phòng chống bão, lũ. Và mới hôm qua thôi (tức ngày 29-9), trong công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ gửi tỉnh Nghệ An, đã yêu cầu chủ động phòng chống, mưa, lũ hiệu quả. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công điện gửi các huyện yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, đối phó vỡi bão số 5, mưa lũ.

Nếu vị trưởng phòng lao động và tòa không chịu hoãn phiên tòa thì phía bị đơn UBND huyện Hưng Nguyên cũng có thể xin hoãn, sau bão, lũ, mở lại phiên tòa cũng chưa muộn và không sai luật.


Còn nhớ mùa lũ năm 2010, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã làm nghiêm, làm gương việc cắt chức Chủ tịch UBND xã Đức Lạc đối với ông Nguyễn Văn Tuấn, vì đã bỏ dân trong lũ. Dù ông Tuấn trước đó đã phân trần là nhà ông cũng bị ngập sâu một mét, mẹ bị ốm nặng nên không thể tham gia giúp dân chống lũ.
                                                                                      Đắc Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét