Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Chút tình của người đàn bà tộc... Thanh!



Bà Thắm-Người đàn bà tộc Thanh


Dạo nọ nhân chuyến đi miền sơn cước, nghe chuyện dân buôn rầm rập len lỏi đến các bản xa xôi mua Cồng… của tộc người Thanh, tôi nghe xót lòng! Đồng tiền đã làm lu mờ đi cái hồn sắc văn hoá của nhiều tộc người. Cuộc sống khốn khó quá. 

Âu cũng không trách người! Thời gian ngắn trôi đi, “máu văn hoá, hồn sắc tộc” chỉ còn là dĩ vãng… Chợt đi! Mưa phây phẩy bay, lạnh héo người, tôi may mắn đã gặp được bà-người đàn bà còn lại một chút tình với tộc người Thanh… nơi miền Tây xứ Nghệ…

Thịnh tôi quen, vốn là tay người miền xuôi hẳn hoi. Hắn vốn một thời là “lái trâu, lái bò”. Trong một lần “công tác” ở miền núi tìm hàng, hắn tình cờ có được một bộ Cồng rất “xịn” với giá chẳng bằng một phần mấy mấy con trâu. 



Ấy là sẵn có máu khác người nên Thịnh đưa về chốn thị thành chơi. Ngày hôm trước thì đận mấy ngày sau đã có “tay” trả giá “báu vật” của hắn với giá bạc triệu. Bằng đứt đi con trâu. Chẳng biết Thịnh ngộ ra được điều gì, nhưng ngẫu nhiên sau đó hắn trở thành người môi giới, dân buôn có tiếng trong việc “lùng” cái gọi là nét văn hoá của nhiều tộc người. 

Tình cờ qua người bạn, gặp lại Thịnh. Hắn bảo: Tớ giải nghệ rồi. Lại về làm anh “lái trâu” thôi. Hắn cười khà khà đánh cái bét vào lè, đồng ý dẫn tôi quay trở lại “chiến trường” xưa… 

Đi săn “linh hồn” của…
một tộc người!

Nơi chúng tôi đặt chân đến là xã Nghĩa Lộc-một xã có tộc người Thanh sinh sống của huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Xã nghèo, đất khô rạc đồng, người buồn hiu hắt. Nghèo quá chăng, tôi hỏi? “Chừ không rõ chứ hồi nọ tớ cũng “chăn” được mấy bộ (Bộ cồng-PV) nơi đây đấy. Bộ chừng mấy trăm chứ mấy…”, Thịnh nhớ lại thời “hoàng kim” của mình mà bảo. 

Tôi theo Thịnh đến chợ. Chợ nằm ở gần UBND xã này. Theo kinh nghiệm của hắn thì muốn biết nhà nào có “hàng” cứ đến đây hỏi là biết tất. Mọi thứ không thể qua được dân buôn. Tạt vào quán nước nhâm nhi điếu thuốc. Thịnh bắt đầu lùng với lời rao. Bà chủ quán nước nói đứt đoạn: 

Còn mô nữa chú. Cả cái xã này có mấy bản người Thanh. Trước đây còn có Cồng nhưng nay thì không có  mô. Dạo trước cũng có mấy anh đến hỏi tui như rứa. Nhưng dăm năm trước họ bán hết rồi còn mô…”.
Bà Thắm xót  xa bên chiếc Cồng út im bặt
Không nản chí, Thịnh lại kéo tôi đi vào sâu trong chợ. Chợ đúng phiên, người chen nhung nhúc. Chợ vùng xa nghèo nàn như chính con người nơi đây vậy. Chợt Thịnh như mở cờ trọng bụng khi gặp một chàng thanh niên mốc thếch. Qua trao đổi hắn bảo Thịnh mới đi rừng về. Thịnh giới thiệu tên, tôi không nghe rõ. Nhưng là chính gốc người Thanh. 

Hắn bảo: Tay này mà không biết thì đành chịu. Đận trước nó cũng “điểm” được mấy bộ đấy… Chẳng biết cậu người Thanh nói gì mà Thịnh giật nảy kéo tôi đi, nói dứt khoát: Ấp Bổng!

Đấy là tên của một bản của xã Nghĩa Lộc. Nơi đây người Thanh sinh sống rất đông. Nghe bảo ở bản này vẫn còn một bộ Cồng. Đánh vật mãi với con đường rừng xâu xé như xương cá. Chúng tôi cũng đến được đúng địa chỉ. Người trong nhà lên rừng hết. Người hàng xóm nhanh nhảu: “Các chú hỏi mua Cồng à. Hỏng rồi. Cồng hỏng rồi. Mấy năm ni có thấy họ đưa ra mô… Các chú sang nhà bà Thắm bên Tân Hữu xem”. Hỏng hay là bán, tôi thất vọng khi trưa thật trưa.

Xong đứt một buổi đi “săn”. “Linh hồn” của một tộc người… trống không!
Bà Thắm cùng con trai bên bộ Cồng của mình 
 Còn một chút tình…
 với tộc Thanh

Buổi chiều. Tôi một mình một “ngựa” đến bản Tân Hữu tìm bà Lô Thị Thắm (69 tuổi) theo lời giới thiệu của một cán bộ xã Nghĩa Lộc: “Bà ấy còn một bộ. Nhưng không biết đã bán chưa. Chú cứ thử đến xem”. Nhà bà Thắm cách UB xã chừng hai cây số nhưng đường ngoằn nghèo. Dọc đường đi tôi cứ thẩp thỏm: 

“Bà ấy mà bán rồi thì công toi”. Cái ý nghĩ bà Thắm cũng như bao người dân khác. Rằng cuộc sống thường nhật, cái đói về vật chất luôn hiện hữu sẽ làm cho người ta phút chốc quên đi cái “linh hồn” của tộc người mình. Thì thế gian cũng làm như thế, bà có khác chi. Họ lại bảo nhà bà cũng nghèo chứ không khá giả gì. Khiến cho quãng đường tìm đến nhà người đàn bà này dài hơn.
Đánh một tiếng Cồng để nhớ lại ngày xưa

Bà Thắm ngồi đó, tóc chít khăn mỏ quạ. Miệng nhai trầu bỏm bẻm. Trầu nhuộm đỏ môi. Thắt lưng mang giỏ bắt cua đồng. Bà thật là lạ… Tôi hỏi: “Nghe bảo bà còn bộ Cồng, bán cho cháu nhé!”. 

Bất chợt ánh mắt bà chùng dây lát. Không gian thật im lặng. Bà nhìn tôi, giọng sơn cước chầm chậm: “Lâu năm rồi. Không muốn bán mô! Của đời ông, đời cha để lại. Muốn giữ lại à. Nó có hồi tui còn nhỏ mà. Bán có tội chết…”. Thì người ta cũng bán hết rồi mà, bà để lại cho cháu đi?

- “Nhiều người cũng nói tui thế. Người ta khác tui mà. Bán đi thì tết lấy chi mà đánh, mà vui…”, bà Thắm giọng dứt khoát.

Theo bà Thắm thì bộ Cồng nhà bà có từ lúc bà 5 đến 6 tuổi. Lúc đó, ông cụ (Bố bà Thắm) phải đi hàng chục cây số mới mua được. “Hết một nén bạc đấy. Một nén nhiều lắm. Từng ấy bạc phải nuôi được cho cả nhà ăn mấy tháng đấy. Cụ quý lắm…”, bà Thắm nhớ lại. 

Cũng chính vì cái tình của ông cha để lại nên bà Thắm vẫn luôn xem nó như là báu vật của mình. Hiện tại bà có đến hơn 20 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Thì bộ Cồng này cũng đã trải qua năm đời rồi. Hiếm có người đàn bà nào lại sắt đá đến thế. Mà không, phải nói là chung tình đến vậy. “Người ta bán cả đi rồi thì còn đâu để mà vui tết, vui lễ”, trong câu chuyện bà thường nhắc như thế. Tôi hiểu niềm vui mà bà Thắm giữ gìn đó là “linh hồn” của tộc người Thanh mà mình có. Sẽ là mai một, sẽ là có tội với tổ tiên nếu như vì đồng tiền mình lại đang tâm đi trao đổi với vật chất.

Chưa bao giờ có thể định được nét văn hoá có giá bao nhiêu? Nó là thứ vô giá mà bà Thắm luôn cất giữ! 
     
Xuân này có còn tiếng Cồng?

Bộ Cồng của bà Thắm có 4 chiếc. Chiếc Cồng mẹ, cồng số 2,  số 3 và Cồng út. “Mỗi chiếc có một chức năng khác nhau. Giọng mỗi chiếc cũng không giống nhau. Nhưng thiếu một chiếc thì không được. Phải có cả bộ mới thành được. Để lấy cho tôi chiêm ngưỡng, bà Thắm cẩn thận vào buồng bê ra 4 chiếc Cồng. Cồng đã cũ, sờn tróc lòi màu đồng vàng thâm thẩm. Dấu tích của thời gian và ngày hội. 

Bà mân mê từng chiếc lau chùi cẩn thận. Mỗi lần có người hỏi, đem ra, bà Thắm lại thấy tự hào. Như một nghệ nhân, bà Thắm giải thích: “Cồng mà để úp là mất tiếng”. Kinh nghiệm này bà nói chẳng học đâu cả mà đó là sự trải nghiệm. Nhiều nơi cũng vì cất giữ Cồng không đúng cách mà hỏng cả một bộ Cồng.
Một nguyên nhân làm cho cồng chiêng mất đi, theo như lời cụ Thắm là: Từ ngày bản làng có điện lưới, nhiều hệ thống âm thanh loa đài, máy móc hiện đại du nhập, người ta chủ yếu dùng băng đĩa nên tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng khèn của đồng bào ngày nào đã ra đi trong sự tiếc nuối. Một số khác cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh túng thiếu nên mỗi khi có người dạm mua, được giá một tí là sẵn sàng cho các vật quý ra đi ngay. Riêng nhà cụ thắm có 6 người con gái, 1 con trai và trên chục cháu nội, cháu ngoại, hầu như ai cũng được cụ truyền lại cách đánh cồng chiêng một cách rất bài bản.
Cũng đúng thôi, thời còn xuân sắc, bà Thắm nổi tiếng là một “nghệ nhân” đánh Cồng có tiếng ở cái vùng này. “Tui có thể vừa đánh trống và Cồng một lúc. Ông nhà tui cũng thích lắm. Ông ấy mất, tiếng Cồng cũng im bặt. Dạo ông ấy còn sống. Người làng kéo đến đây uống nước chè xay nhảy mua cùng tiếng cồng…”, bà Thắm bảo. 

Nói đến Cồng bà Thắm như được sống lại thời khắc của một thời trai trẻ. Cùng bạn trang lứa đi đánh Cồng khắp nơi: Rằng là ngày lễ tết, đám cưới: Bên bình rượu trấu (Rượu cần) cùng với tiếng “Khắc Đuống” (Tiếng gậy chõ vào lòng gỗ tạo âm thanh mà người miền núi hay sử dụng) cùng với tiếng Cồng, trai gái nhảy sạp suốt buổi  luôn. Vui lắm. Dừ khắc Đuống không còn nữa. Cồng cũng không. Tiếc thật!

Rồi bà Thắm buồn hẳn: “Đận năm ngoái tui cho người ta mượn đi lễ hội. Họ đánh thế nào mà chiếc Cồng út dừ không có tiếng nữa. Hỏng mất rồi. Tết ni muốn đánh suốt buổi, uống rượu trú thì phải đi sữa thôi…”. Nói đoạn bà Thắm ôm chiếc Cồng út lên lau lau, rồi đánh nhẹ. Nhưng tiếng Cồng im bặt. Lặng giữa thinh không! Chiếc “út” hỏng, cả bộ Cồng của bà Thắm cũng buồn thiu, chẳng buồn góp Hội lễ hàng năm.

Tôi về. Chiều rừng thăm thẳm. Bà Thắm tất tả ôm Cồng vào cất.
Bà sợ mất điều gì chăng?
Mà vội vã!

Ông Nguyễn Thái Vĩnh
 “Xã chỉ biết động viên vì Cồng là của gia đình”

Ông Nguyễn Thái Vĩnh-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc thừa nhận thực trạng nhiều bộ Cồng của người dân trong xã bị bán mất. Nhưng lãnh đạo xã cũng chỉ biết động viên: “Cả xã có 4 bản là Khe Sài 2, Tân Hữu, Ấp Bổng và Hải Lào là có người tộc Thanh sinh sống. Mấy năm trước cũng có 5 đến 6 bộ Cồng nhưng ngưồi ta đã bán gần hết. Chỉ còn một bộ hoàn chỉnh của nhà bà Thắm ở bản Tân Hữu. Xã đã thường động viên khuyến khích những gia đình còn lưu giữ lại những nết văn hoá của tộc người mình. Vì phần lớn Cồng là của cá nhân gia đình nên xã không can thiệp được…”.
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét