Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

"Núi kiện" giải bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương!


Bia tưởng niệm nữ sỹ Hồ Xuân Hương ở Nghệ An

Chấm giải xong gần nửa năm nhưng giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Hồ Xuân Hương tỉnh Nghệ An lần thứ IV (2005-2010) vẫn chưa thể kết thúc. Bởi lẽ thay vì long trọng tổ chức trao giải thì Ban chỉ đạo giải “bà chúa thơ nôm” lại đang phải tháo gỡ một “núi” đơn kiện.

Được biết, đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học nghệ thuật của các nghệ sỹ địa phương và những nghệ sỹ đã từng sống và sáng tác tại Nghệ An được tổ chức 5 năm một lần.
Gần 50 đơn và chưa dừng lại!

Giữa tháng 11/2011, một lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật Nghệ An buồn rầu: “Đã có gần 50 đơn khiếu kiện xung quanh cái giải này rồi (Giải thưởng Hồ Xuân Hương-PV). Giải đã chấm xong gần nửa năm rồi nhưng không thể trao được. Giờ phải giải quyết đơn thôi. Vừa rồi có nhà thơ hơn 82 tuổi cũng được giải điện vào hội hỏi tại sao không trao giải. Ông ấy còn bảo nếu không tiến hành được thì để tiếp tục kiện”. 
Nói thế để thấy chưa bao giờ một giải danh giá ở xứ Nghệ lại bị đơn kiện “đàn áp” mạnh đến thế. Xem xét, nghe ngóng thì các đơn có nội dung là khiếu nại, tố cáo điều lệ, quy trình làm việc và một số cá nhân của Ban giám khảo. Mặt khác có nhiều đơn rất “lạ”. Đó là đề nghị được nâng hạng giải thưởng. Hay nói cách khác là được chấm phúc khảo?
Nghiêm trọng là một số thành viên trong ban sơ khảo và nghệ sỹ tham gia giải bị “tố” lạm quyền, trù dập người khác; vi phạm thể lệ giải. Hay cá biệt hơn là kiện nghệ sỹ chụp ảnh “đạo” ảnh nghệ sỹ nhiếp ảnh. Một số đơn thư khiếu nại “tố” cách làm việc của một số cá nhân trong ban giám khảo chưa đúng như chấm giải tại bệnh viện hoặc chấm giải từ bên nước Lào sau đó gửi kết quả về qua thư điện tử… 
Chính những lý do này đã khiến cho việc chấm không được công minh? Đặc biệt, có rất nhiều đơn kêu thể lệ của giải thưởng Hồ Xuân Hương có nhiều “lỗ hổng”. Ví như việc thiếu khách quan khi Ban chấp hành Hội văn học nghệ thuật Nghệ An đã chỉ định các thành viên nằm trong danh sách ban sơ khảo (Thay vì ban này phải được bầu bán).
Ông Nguyễn Xuân Đường
 “Thấy buồn”!
“Giờ chúng tôi đang giải quyết các đơn kiện. Tỉnh cũng đã giao cho Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh trực tiếp giải quyết sớm và báo về UBND tỉnh. Thực sự để giải như thế này, tôi cũng thấy buồn…”, ông Nguyễn Xuân Đường-Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng BCĐ giải thưởng Hồ Xuân Hương nói.
Ngoài ra, thể lệ cho phép các thành viên trong Ban chỉ đạo và hội đồng giám khảo được gửi tác phẩm dự thi. Và như thế đã nảy sinh cái gọi là “vừa đá bóng vừa thổi còi”?
Bởi thế mới có chuyện “trùng hợp” là một số giải cao rơi vào thành viên hội đồng sơ khảo, chung khảo? Hội đồng chung khảo 14 người nhưng chỉ một thành viên có chuyên môn sâu về tác phẩm. Xì xào to nhỏ rằng liệu 14 lá phiếu nhưng một phiếu của người “trong nhà” thì có đánh giá đúng thực chất tác phẩm? 
Có đơn thẳng thắn: tác phẩm “À ơi ví dặm” của nhạc sỹ Phan Thanh Chương được Hội đồng giải thưởng Âm nhạc quốc gia (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) trao giải năm 2006 nhưng năm 2011 tham gia giải Hồ Xuân Hương chỉ đạt giải khuyến khích...
“Tôi buồn phiền vì giải…”!
Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc-Ủy viên thường vụ Hội văn học nghệ thuật, Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Nghệ An đã chia sẻ như thế về giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV. Theo nhà văn này thì điều mà các hội viên, các “thí sinh” tham gia băn khoăn nhất có lẽ là việc cho phép thành viên trong Hội đồng vừa là giám khảo, vừa là thí sinh. 

“Những người là thành viên của Hội đồng chấm thi thì không được tham gia dự giải, mà sẽ đề nghị lên lãnh đạo tỉnh có một phần thưởng xứng đáng đồng hạng cho những tác phẩm tốt hoàn thiện trong suốt 5 năm. Và trên cơ sở kết luận của nhiều cuộc họp, Hội văn học nghệ thuật tỉnh đã có tờ trình, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định 3908 ngày 22/11/2010 đồng ý với quan điểm trên. Nhưng không hiểu sao, ngày 30/12/201, lãnh đạo tỉnh lại có quyết định 6410 cho phép giám khảo cũng được làm thí sinh”, Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Nghệ An băn khoăn.
Lễ trao giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ nhất (1996) – ảnh: Đ V

Không những bà Ngọc mà nhiều hội viên, cũng như lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An cũng “bất ngờ” bởi quyết định trên của UBND tỉnh Nghệ An. Và tất nhiên, hiện giải thưởng Hồ Xuân Hương bị “bung bét”, nhiều người nghĩ ngay đến nguyên nhân bắt đầu từ quyết định 6410 này? 

Tìm hiểu thấy quyết định 6410 ghi “Xét đề nghị của Hội liên hiệp văn học-nghệ thuật tỉnh Nghệ An tại Công văn số 04/CV.BCĐ, ngày 13 tháng 12 năm 2010”. Lạ là công văn 04 đóng dấu của Hội văn học nghệ thuật nhưng danh nghĩa lại là của Ban chỉ đạo giải thưởng do bà Nguyễn Thị Phước (Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nghệ An, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam) nhân danh ủy viên Ban chỉ đạo giải thưởng Hồ Xuân Hương, thừa lệnh Trưởng Ban chỉ đạo ký.

“Tôi bị sốc khi nghe nói có công văn tham mưu của Hội để tỉnh ra quyết định 6410. Các hội viên cũng điện thoại hỏi sao có sự thay đổi này nhưng tôi không biết. Là ủy viên thường vụ nhưng đã được họp bàn đâu mà có họp tôi cũng không đồng ý. Anh Quang (ông Đinh Thanh Quang-phó chủ tịch thường trực Hội văn học nghệ thuật Nghệ An-PV), anh Hoàng Thành ủy viên thường vụ Hội cũng nói không biết có công văn 04 và khẳng định chưa hề họp hành gì cả”, nhà văn Quỳnh Ngọc lý giải.

Phân tích thì thấy công văn 04 ghi: “Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) đề nghị…”. 

Nhưng quyết định 3908 về việc thành lập BCĐ và Hội đồng giải thưởng thì không có cái gọi là thường trực Ban chỉ đạo. Và BCĐ giải thưởng Hồ Xuân Hương không phải là cơ quan thường trực giải thưởng, mà Hội văn học nghệ thuật mới là cơ quan thường trực, có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An. 

Và nếu Hội văn học nghệ thuật có ký công văn 04 thì bà Nguyễn Thị Phước cũng không được ký vì ông Đinh Thanh Quang-phó chủ tịch thường trực Hội văn học nghệ thuật Nghệ An mới là người được ủy quyền điều hành công tác Hội và cả công tác Đảng của cơ quan Hội (Bấy giờ nhạc sỹ Mai Cường-Nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nghệ An đang bị bệnh ung thư, hiện đã qua đời)!

Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét