Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Sáng mắt sau hơn 40 năm!

Ông Nguyễn Thế Viên (82 tuổi ở xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An) bị mù mắt trái đã hơn 40 năm nay. Thế nhưng, "cánh cửa tâm hồn" ấy bỗng tràn đầy ánh sáng một cách đầy bí ẩn.


Điều kỳ diệu, bác sĩ mắt cũng chưa gặp bao giờ.

Một ngày cuối tháng 10/2011, mắt trái ông Viên, người bị mù 40 năm này tự dưng sáng lại. Người thân, hàng xóm đều không tin cho rằng đó là chuyện không thể. Khi họ đã chứng kiến thực tế thì lại xì xào: Ông ấy giả mù. Mà ai lại giả làm mù mắt bao giờ! Hay ông Viên có thuốc thánh ở đâu? Giải thích những băn khoăn này, ông nói: "Làm gì có thần thánh nào. Mắt tôi sáng lại là thật mà".



Gần 5 năm trước, một sáng thức dậy, ông Viên thấy mắt trái của mình có sự khác thường, đôi lúc có sự le lói ánh sáng. Ông đã ra Bệnh viện Mắt TƯ để khám.

Tại đây, các bác sĩ cũng đã chẩn đoán là mắt có tiến triển. "Về nhà tôi đã uống một số thuốc để bồi dưỡng cho mắt. Từ đó cứ thấy ánh sáng từ mắt trái ngày một xuất hiện nhiều hơn",  ông tâm sự. Đến nay thì ông đã có thể thấy được mọi thứ bằng hai con mắt của mình. Sự kỳ diệu, ánh sáng đã trở lại với người phóng viên xưa trước sự tò mò của mọi người.
"Trường hợp đã từng được ghép giác mạc, không nhìn thấy sau 40 năm lại có thể sáng bình thường như thế này thì thật kỳ lạ, tôi chưa thấy bao giờ. Thực tế vẫn có những trường hợp bị đục nhân mắt, họ không đi mổ và không thể nhìn thấy được. Vì một lý do nào đó như khi họ bị ngã, nhân mắt rơi ra thì lại nhìn thấy nhưng không thể bình thường mà vẫn mờ. Nghe qua lời kể của ông Viên thì không thể biết chính xác được. Do đó, tốt nhất là ông nên đi khám ở bệnh viện để có kết luận rõ ràng, chính xác. Tôi khẳng định lại lần nữa, đây hoàn toàn là chuyện lạ, cần phải xác minh trên cơ sở khoa học!" - PGS.TS Đỗ Như Hơn (giám đốc Bệnh viện Mắt TƯ) nói.

Là  phóng viên chiến trường bị mù mắt vì pháo hóa học

Ông Viên vốn là phóng viên chiến trường của một tờ báo giải phóng ở Tây Nguyên. Chiều muộn cuối năm 1969, anh phóng viên trẻ nhận được thông tin "nóng". Chuẩn bị "đồ nghề", ông Viên lên đường cùng với các đồng nghiệp khác. Đó là một anh phóng viên người Đức và hai đồng nghiệp cùng cơ quan.

Trên đường đi, mọi người chia sẻ về sự kiện đêm hôm đó. Lực lượng của ta sẽ tấn công vào sân bay An Khê (Bình Định). Suy nghĩ sẽ chớp được bức ảnh khi chiếc máy bay địch bốc cháy cứ thôi thúc, cuốn hút người lính trẻ. "Sáng mai trên trang báo sẽ có bức ảnh khói lửa nghi ngút của máy bay địch. Sự hả hê, vui mừng sẽ được bạn đọc đón nhận. Phía dưới bức ảnh là cái tên Trường Sơn (bút danh của ông Viên - PV) sẽ được mọi người nhớ mãi", ông Viên miên man.


Để có được điều đó, phóng viên phải đi trước lực lượng xung kích để phục chụp cho được những bức ảnh khi pháo cối ta bắn vào máy bay địch bị cháy. Nghĩ là thế nên không những ông Viên mà các đồng nghiệp khác cũng hăm hở. 
Gần đến sân bay An Khê, các đồng nghiệp khác dừng chân vì họ chỉ viết bài, riêng ông Viên và phóng viên người Đức len lỏi qua những bụi cây. Khi thấy bóng những chiếc máy bay địch lờ mờ, ông và đồng nghiệp bò lồm cồm để áp sát hàng thép gai của địch. Không may ông và đồng nghiệp đã bị địch phát hiện. Địch đã câu khối pháo hóa học để bắt sống các phóng viên (khối pháo này chỉ nổ một số điểm làm cho đối tượng bị ngất).

Sau khói lửa, ông Viên và phóng viên người Đức đã bị thương. Nhờ có sự ứng cứu mở đường máu của đồng đội nên ông và bạn đồng nghiệp đã được giải thoát. Nhưng ngay từ lúc đó ông thấy mắt trái của mình không còn nhìn thấy gì.

Từng  được mổ thành công nhưng ánh sáng không trở lại


Ông Nguyễn Thế Viên vốn là sinh viên khoa Văn, trường đại học Tổng hợp khóa 1954 - 1956. Sau khi tốt nghiệp ông là phóng viên chiến trường cho một số tờ báo với bút danh là Trường Sơn. Hiện tuổi đã cao ông vẫn say mê viết văn, báo cho một số tờ báo của địa phương.
  Và rồi, sau đó, ông Viên đã may mắn cùng được nằm trên chiếc máy bay chở phóng viên nước ngoài để sang Đức chữa bệnh. Tại một bệnh viện ở nước này, các bác sĩ đã chẩn đoán ông đã bị nổ mắt trái, giác mạc bị hỏng. Nghĩa là một nửa "cửa sổ tâm hồn" đối với ông sẽ vĩnh viễn đóng lại. "Buồn lắm. Nghĩ bị thương  sang nước Đức sẽ chữa trị được nhưng...", nói đoạn giọng ông Viên trầm hơn. Sau mấy ngày chẩn đoán, các bác sĩ đã đến thông báo tin mừng. Rằng có giác mạc của một người khác và có thể thay cho ông. Và khả năng con mắt trái hồi phục là rất lớn.

Ca mổ ngay lập tức được tiến hành và được xem là rất thành công. Ngày được tháo băng, ông Viên hồi hộp chờ đợi cảm giác được nhìn thấy cả bầu trời nơi viễn xứ một cách trọn vẹn bằng hai con mắt. Nhưng... Khi chiếc băng tháo ra, con mắt phải nhìn thấy còn mắt trái vẫn là bóng đêm. Bệnh viện đã họp các bác sĩ lại một lần nữa, bàn bạc, ca mổ vẫn thành công nhưng lạ thay! "Họ bảo rất thành công. Nhưng ông không thấy ánh sáng...
Sáu tháng điều trị ở bệnh viện và thêm 4 tháng nữa an dưỡng, gần 1 năm sau ông Viên được về nước, yên tâm với con mắt trái không nhìn thấy gì....
Thế mà rồi,  40 năm sau, phép thần đã đến khi người phóng viên ấy đã thành ông già 82 tuổi...

Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét