Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Kỳ I: Khi vòng khói u mê “cuốn phăng” cầu thủ!

Phan Anh Tuấn-Thời vàng kim!

Sau cựu cầu thủ Phan Thanh Tuấn dính ma túy phải từ bỏ tuyển, bóng đá Sông lam Nghệ An đã “thay máu” và trội lên một lứa cầu thủ đàn em thực sự có tài như Công Vinh, Văn Quyến, Minh Đức, Hồng Sơn… Nhưng “cơn bão” ma tuý lại không buông tha, các cầu thủ trẻ ở các “U” như Lưu Văn Viền, Nguyễn Hồng Việt… rồi các ngoại binh lại dính đến ma tuý. Người hâm mộ tin rằng: Đã có “lệ làng ma tuý” ở đội bóng xứ Nghệ này…

Kỳ I:
“Ngã Ngựa giữa đường”!

Hơn một lần gọi lên tuyển Quốc gia tập trung để đá Sea Game nhưng lần nào cũng đùng đùng bỏ về giữa chừng với lý do hết sức “cá nhân”; giới hâm mộ một thời tự hào “phong” anh là “Hồng Sơn xứ Nghệ”… Bẵng đi một thời gian dài rút về “ở ẩn”, nay gặp lại Phan Thanh Tuấn-cựu tiền vệ có cái chân trái “tài hoa” của đội bóng Sông lam Nghệ An ở “dinh gia” khiến cho tôi thấy nhiều trăn trở…  

Khổ luyện…

Thời hoàng kim của bóng đá Nghệ An trong những năm 1990, có một cầu thủ xuất sắc, đá rất hào hoa ở vị trí tiền vệ tổ chức là Phan Thanh Tuấn với biệt danh Tuấn “đen”. 


Tuấn “đen” là cầu thủ được đánh giá có tầm nhìn không thua gì Hồng Sơn với những đường chuyền như đặt. Nhưng ít ai hay để có được những thành công ban đầu, Tuấn đã phải “khổ luyện” khổ cực ra sao? 

Dạo ngồi với Hữu Thắng-người được xem là thân thiết với Tuấn, anh bảo: “Nó (Tức Tuấn đen-PV) hư mất rồi. Tiếc quá nó là cầu thủ có tài lại chịu khó nữa…”. Lúc Tuấn đang học lớp 2 cũng chừng 12 đến 13 tuổi (Khoảng năm 1985) Tuấn đã cùng với Hữu Thắng-đôi bạn thân buổi đi học, buổi lại lục cục đi bộ lên đội bóng Sông lam tham gia học lớp năng khiếu bóng đá (Sau này gọi là đội trẻ). 
                                                Lúc còn ở đội Sông lam Nghệ An


Khi bố mẹ “khá” một chút sắm cho chiếc xe đạp giải phóng tọc tọc Tuấn mừng lắm. Bấy giờ người dân ở khối 5 P. Hồng Sơn (TP Vinh) lại thấy Tuấn và Hữu Thắng chiều chiều cùng đèo nhau lên tuyển học.

“Nó học cũng chán tiền tui đấy. Nó khoẻ như rứa cũng là nhờ chúng tôi. Ngày ấy ăn ở tuyển nhưng nghèo, cơm đạm bạc lắm. Nên để có sức tập, Tuấn lại về xin mẹ tiền để ăn thêm cho có sức. Được cái nó chịu khó…”, bà Lai-mẹ Tuấn-một cựu thanh niên xung phong nay về mất sức nhớ lại những ngày khổ luyện cùng cực của con mà xót xa. 

Theo bà Lai thì Tuấn là con cả của  6 anh em trong khi kinh tế của gia đình cũng chẳng khá giả gì. Hễ đi tập về đói quá Tuấn lại chạy xuống bếp “mót” tý cơm nguội còn sót lại. Ngày ấy  điều kiện tập luyện của lứa cầu thủ như Tuấn, Nguyễn Quang Trường, Nguyễn Hữu Thắng hay Văn Tiến… đâu có được đầy đủ như bây giờ. Chỗ ở hết sức tuyềnh toàng, bữa ăn thì đạm bạc… nhưng cầu thủ nào cũng “hăng máu”.

“Chúng tôi lúc đó tập luyện bằng sự đam mê. Chỉ biết tập luyện thôi. Chẳng nghĩ đến gì cả. Hễ được ra sân là máu như gà chọi. Bởi thế một thời cầu thủ đội bạn bảo gặp chúng tôi là gặp quân “chém đá chặt sắt”…”, giữa tiếng nhạc du dương bên tách Caphê vắng lúc quá Ngọ nghe Hữu Thắng tâm sự mới “thấm” thía những thành công mà các anh đã gây dựng và tiếc cho tài năng bị “chặn đứng” quá sớm như Phan Thanh Tuấn!

…Thành tài

13 tuổi Phan Thanh Tuấn lên tập với đội trẻ. Sự khổ luyện của anh đã được đền đáp. 5 năm sau anh được gọi lên đá cho đội 1 của Sông lam Nghệ An. Lúc bấy giờ là năm 1990, Tuấn mới tròn 18 tuổi. 

10 ngày sau khi “lên chức” Tuấn được vào sân và đá trận đầu tiên của đời mình trong màu áo đội 1 Sông lam. Có thể nói Tuấn là một trong rất ít cầu thủ được gọi và đá chính thức ở đội 1 trẻ nhất trong làng bóng đá Việt Nam

Ngay cả Hữu Thắng, phải gần một năm được gọi lên tuyển 1 mới được tham gia thi đấu. Tuấn ngay lập tức được tín nhiệm giao trọng trách tiền vệ tổ chức. Mặc dù là cầu thủ trẻ nhưng giới hâm mộ vẫn xem Tuấn là cầu thủ “quái” nhất lúc bấy giờ.

 Đây là mẫu tiền vệ có cái chân trái khéo và "quái" thuộc vào loại số 1 Việt Nam khi đó, với lối đá rất hào hoa, có những đường chuyền ranh mãnh giúp cho đồng đội ăn bàn. Tuấn không chỉ có kỹ chiến thuật mà còn có khả năng đọc trận đấu rất nhanh. 

Mặt khác cầu thủ này cũng có thể lực và chiều cao không hề “khiêm tốn”. Với một cầu thủ “hoàn hảo” như thế đội bóng Sông lam Nghệ An nhanh chóng giành được nhiều danh hiệu. Đã đá là thắng. Thắng dòn dã. Có thời, nhắc đến đội bóng xứ Nghệ người ta nghĩ đây là đội bóng “bách chiến bách thắng”. Không có đối thủ. 

Những cú “Hattrich vô địch Quốc gia” hàng năm luôn được CLB này gặt hái. Và người là “xương sống”, trụ cột và linh hồn của đội bóng không ai khác chính là Phan Thanh Tuấn. Và cứ sau một mùa giải “Tuấn đen” lại mang về một loạt danh hiệu, trong đó có cả cá nhân và tập thể.

… Và “bão ma tuý”!

“Tuấn đen” nghiện ma tuý. Mà nghiện nặng! Tin đó đến với người hâm mộ thật bất ngờ. Nhưng đối với người “trong cuộc” thì không có gì là lạ. Tuấn ít nói, hay cười nhưng lại là người thường xuyên vắng mặt đột xuất trong những buổi tập và cả trong những lần thi đấu xa. 

Thời đấy, các cầu thủ đội 1 Sông Lam thuộc loại ăn nên làm ra và có thể sống dư dả với đồng lương đá bóng của mình. Tuấn đen với mức lương loại một gần 200 đồng/tháng nhưng lại luôn thiếu thốn. Tuấn lấy vợ rất sớm, một năm sau khi lên đội 1 thì anh cưới vợ. Và cũng “tốn” vợ không kém (Hai lần lấy vợ) nên việc Tuấn “nghèo” ai cũng nghĩ là chuyện đương nhiên.

Phan Thanh Tuấn cũng được xem là cầu thủ được gọi lên tuyển Quốc gia sớm và nhiều nhất. Nhưng để tính việc anh tham gia thi đấu cho màu áo của đội tuyển Quốc gia thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì cứ mỗi lần lên tuyển anh lại âm thầm “xách ba lô về nước” trước sự ngỡ ngàng của đồng đội. 

Dạo ấy cái tin Tuấn nghiện ma tuý đã được đồn thổi nhưng không ai nghĩ một cầu thủ hiền, lại kiệm lời như Tuấn lại dính vào thứ “chất chết người”. 


Đến thời ông Colin Murphy nắm đội tuyển Việt Nam (Chuẩn bị cho SEA Games 1999-1997), Tuấn cũng được gọi lên tuyển Quốc gia. Cũng ba lô, túi xách và hành trang từ Vinh ra Hà Nội tập trung rồi lên Nhổn. Cũng giao lưu với Sinh viên rầm rộ. Vậy nhưng giữa khi vé máy bay đã được mua thì Tuấn đùng đùng bỏ về với lý do... đau ruột thừa!

Phan Thanh Tuấn là thế, một cầu thủ được may mắn gọi lên tuyển Quốc gia nhưng bao giờ cũng “từ chối”chỉ muốn đá cho đội bóng quê nhà. “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, năm 2001 “Tuấn đen” chính thức rời khỏi tuyển Sông lam vì lẽ “chấn thương”. 

Nhưng ai cũng hiểu Tuấn đã nghiện nặng ma tuý. Dạo ấy người hâm mộ tiếc cho Phan Thanh Tuấn thì ít mà trách cho CLB thì nhiều. Một cầu thủ có tài nhưng cái “vận” với trái bóng ngắn quá. Nếu không nói là “chết non”!
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét