Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Kỳ II: “Hai ngàn bạc rượu cũng ngửa tay xin… Mẹ”


Tuấn cùng với bố mẹ

Tôi hơi chững lại và có phút kinh ngạc khi Phan Thanh Tuấn đượm buồn rồi tâm sự như thế. Anh nói chuyện với tôi như một người bạn, nói như thể đã lâu lắm rồi cái bầu ưu tư chỉ kịp phình ra và phát nổ hay tin ai đó vô tình chạm vào. “Tuấn đen” nhẹ lời: “Giờ tôi chỉ ăn bám ông bà. Thuốc thì chỉ hút Cò mềm thôi, xăng đổ xe cũng xin tý tiền lẻ…”.

                                           * Khi-vong-khoi-u-me-cuon-phang-cau.html
 “Săn”… kẻ tay trắng!

Tiếng điện thoại đồng nghiệp thông tin, Tuấn đã chủ động gọi và gặp. Tôi mừng và hồi hộp. Không biết cái thân thể của cầu thủ một thời được xem là “xương sống” của đội bóng xứ Nghệ-Sông lam Nghệ An-Đội giành được nhiều chức vô địch nhất trong cả nước như thế nào? 


Trước đó đã hơn một lần đến nhà Tuấn ở khối 5 P.Hồng Sơn (TP Vinh-Nghệ An), tôi đã phải ra về “tay trắng” vì bố Tuấn bảo: Hắn đi chơi chưa về…”. 8 giờ sáng 27/2, Tuấn ở nhà. Vẫn dong dỏng cao. Hơi gầy. đôi mắt quầng, đỏ vì có vẻ mất ngủ. Hơi nhút nhát và có phần ngại khi gặp người lạ. 

Nhà của Tuấn không khá giả gì. Tuấn bảo bố mua Bia hơi “đãi khách”. Dường như Tuấn vẫn còn hãnh điện lắm, vẫn tự hào mình là thế hệ cầu thủ có tài nên phải “xử đẹp”. Nhưng tôi hiểu Tuấn đâu có tiền?

Nhấp với nhau ly bia, “Tuấn Đen” tâm sự: “ Hơn chục năm ni tôi có việc gì làm đâu. Lúc nhỏ đến với bóng đá, nay về có biết làm chi. Đến hai nghìn đồng bạc rượu cũng phải xin mẹ, thuốc thì hút Cò mềm, xăng đi lại cũng tiết kiệm, phải xin tiền gia đình. Ăn uống ông bà cũng phải lo… Nhục lắm gần 40 tuổi rồi mà vẫn còn bám ông bà. Thỉnh thoảng đi chơi thì bạn bè lo…”. 

Nghe chuyện, tôi ngỡ ngàng không nghĩ đó là cuộc sống thực của một cầu thủ tài hoa xứ Nghệ. Tuấn ngồi đó buồn thiu. Ngượng ngùng uống bia, e thẹn khi châm điếu thuốc Vina Sài Gòn của người khách lạ đưa đến. Ngày làm việc của Tuấn là thui thủi trong nhà. “Thì ra ngoài có biết làm chi. Cứ nghĩ ông bà bán từng bát nước chè chát, chắt chiu từng đồng lo bữa ăn mình lại không chịu nổi. Bạn bè rủ thì đi chơi, không thì ở nhà thôi…”, Tuấn chia sẻ.

Trong câu chuyện Tuấn luôn nói đến việc quay trở lại với bóng đá. Được ngành chức năng châm chước, được người hâm mộ tha lỗi và được dư luận giúp đỡ. Tuấn nói mà như van nài tha thiết: “Giờ tôi chỉ biết nhờ dư luận thôi. Cái chân tôi còn nhớ bóng lắm. Thỉnh thoảng lại lên CLB (CLB Sông lam Nghệ An-PV) chơi với anh em. Có lúc lại đá chiều tà cho khuây khoả…”. Phan Thanh Tuấn đến với bóng đá từ lúc mới mười mấy tuổi. 

Cái thời buổi đi học, buổi cùng Hữu Thắng đi bộ, lúc đạp xe đạp lọc tọc lên đội bóng Sông lam Nghệ An luyện tập. Mới thấy những lời nói của Tuấn không phải là bông đùa!

Nỗi lòng của người cha

Hai lần trước đến nhà không gặp được Tuấn, tôi đều được gặp ông Phan Thanh Tồn-cha Tuấn. Ông Tồn tuổi gần 70 chỉ quanh quẩn bên quán nước chát và mấy bao Cò mềm. Trong câu chuyện ông vẫn tự hào lắm về người con trai đầu lắm tài hoa nhưng cơ cực của mình. Những thành công trên chặng được bóng đá của con trai ông đều nhớ hết. 

Tuấn đã giành những gianh hiệu gì, đạt những cúp gì, gọi lên tuyển Quốc gia bao nhiêu lần ông vẫn nhớ như in. Bằng chứng là ngay cả trên tường hay trong tủ kính kèm mấy bao thuốc Cò mềm mốc thiu để ngoài sân đều còn lưu những kỷ niệm một thời với trái bóng của Phan Thanh Tuấn. Ông Tồn ưu tư: “Còn nhiều giấy khen, Cúp tôi vẫn cất giữ đấy. Tuấn hắn vẫn còn yêu bóng đá lắm…”.

Nói đoạn ông buồn hẳn, quay mặt đi hướng khác. Rồi ông Tồn như ân hận: “Tiếc là tôi biết hắn nghiện muộn quá. Tôi mà biết sớm thì không đến lỗi nào. Con đã vấp ngã rồi thì phải biết quyết tâm đứng dậy chớ. Bố mẹ luôn ở bên con mà. Tôi thường bảo nó thế…”. 

Trong câu chuyện, người cha của đứa con “hư” chia sẻ. Nhà có 6 người con, Tuấn là con đầu nhưng đời lận đận lắm. “Tuấn hắn lấy vợ năm 19 tuổi. Vợ hắn ở phường Quang Trung. Có với nhau đứa con trai được mấy năm thì hai vợ chồng ly dị. Mấy năm sau Tuấn lấy vợ hai và có với nhau một cậu con trai nữa. Nhưng vì ma tuý mà gia đình lại ly tán. Giờ đây hai đứa cháu đều ở với mẹ. Tuấn thành tay trắng…

Và sự day dứt của người mẹ!

Lần thứ 3 tôi đến nhà Phan Thanh Tuấn. Hai lần trước không gặp được anh. Lần thứ ba anh chủ động gọi liên hệ. Nhưng cả ba lần tôi đều gặp bà Lai và ông Tồn-bố mẹ của Tuấn. Bà Lai năm ni hơn 65 tuổi-nguyên là một cựu thanh niên xung phong ngồi vò chè xanh trước cửa ân cần bảo: 

“Thì chú thấy tui hàng tháng cũng được mấy trăm ngàn đồng. Ông nhà tôi thì chẳng có lương lậu gì. Hai ông bà phải kiếm thêm ít đồng lẻ từ việc bán nước chè chát và mấy điếu thuốc thôi. Thằng Tuấn thì chẳng có việc gì…”.

Nghe bà nói mà xót xa. Căn nhà mang tiếng là ở trung tâm thành phố nhưng cũng chẳng có gì đáng giá. Khó có thể hình dung được gia đình của một cầu thủ từng được xem là “đắt xô” nhất xứ Nghệ nay lại thuộc diện hộ nghèo trong phường. “Năm vừa rồi gia đình tui cũng được hộ nghèo đấy. 

Được Nhà nước hỗ trợ cho 600 ngàn đồng (Hai ông bà với em Tuấn đang học Khoa xây dựng-Đại học Vinh-PV). Năm trước cũng hộ nghèo nhưng chỉ được 250 ngàn đồng thôi. May mà hộ nghèo nên năm ngoái tui cũng vay được 4 triệu đồng để lấy vốn nuôi lợn. Năm nay làm đơn vay 5 triệu nhưng họ chưa duyệt mô…”, bà Lai đượm buồn khi nói chuyện.

Nhưng điều bà Lai-người mẹ lam lũ này day dứt nhất có lẽ là “Tuấn đen”. Bà bày tỏ: “Con tôi sai thì phải chịu thôi. Nhưng tui thấy cũng buồn. Tuổi thơ của nó gắn liền với bóng và cống hiến cho bóng. Nhưng đến khi nó dính ma tuý, muốn làm lại cuộc đời thì lại chẳng thấy phía CLB hỏi thăm động viên gì? Thôi thì con dại cái mang vậy…”.
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét