Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Tình già ở... làng Vọng !


Hơn 20 năm nay, ông Bính gành hai vai: Vừa là cha là mẹ!

Ở làng Vọng xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu-Nghệ An) mỗi lúc nhắc đến ông Trần Nguyên Bính (Gần 80 tuổi) vẫn gật gù ngưỡng mộ về “tình nghĩa vợ chồng”. Hơn 20 năm vợ bị bại liệt, người chồng già này vẫn tận tình chăm sóc và nuôi dạy con cái nên người!

Nỗi đau…


Đang mon men hỏi gia đình ông Bính, chị bán thịt ở đầu làng Vọng nhiệt tình: “Ở làng ni (này) ai cũng biết hoàn cảnh nhà ông Bính. Hiếm có người chồng nào lại chịu khó như thế. Lúc trẻ không nói chứ giờ già rồi họ vẫn thủy chung”. Nói đoạn chị chỉ tận tình về đường đến nhà ông Bính. 

Trong ngôi nhà “nghèo” 3 gian, ông Bính đang ngôi bên giường vợ. Từng thìa cháo một cùng với lời động viên để cho vợ ăn khiến người chứng kiến cảm động, khâm phục. Câu chuyện tình yêu và nỗi đau của gia đình được ông Bính kể ngắt quãng sau mỗi lẫn trở lưng của bà Trần Thị Tuận (Vợ ông Bính, gần 80 tuổi). Bấy giờ tuổi xấp xỉ đôi mươi, anh Bính và chị Tuận người làng Vọng cùng tham gia phong trào dân quân địa phương chống Pháp. 

Tuổi trẻ dung cảm của chàng trai mới lớn và cô gái tuổi đẹp “kết” nhau tự lúc nào không hay. Ngày cùng nhau chung chiến hào, thửa ruộng đã khiến cho tình yêu của đôi bạn trẻ gắn kết. “Chung kết” cho cuộc tình này là khoảng năm 1952, anh Chị Bính Tuận đã nên vợ nên chồng. 

Gần 10 năm chung sống hạnh phúc bên nhau, 3 đưa con  lần lượt ra đời thì cũng là lúc vợ chồng lại phải chia xa. Năm 1962, cũng như bao trai tre khác, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, anh Bính chia tay vợ con hành quân vào Nam chống Mỹ. 

Bấy giở anh lính Trần Nguyên Bính được đứng vào hàng ngũ của đơn vị C36 (Cục thông tin Quân khu 4). Hai năm chiến đấu khốc liệt, năm 1966, anh Bính xuất ngũ về quê đoàn tụ cùng gia đình. Vợ chồng, con cái bao năm xa cách nay gặp lại, mặn nồng, son sắt. Tưởng tình yêu, hạnh phúc được trọn vẹn đến khi “đầu bạc răng long” thì năm 1990, trong một lần đi làm đồng về, bà Tuận bị viêm não. 

Được chăm sóc, thuốc thang nhưng bà Tuận vẫn nằm liệt giường, tứ chi bất động. “Bà ấy sống đó nhưng chẳng làm được gì. THương bà ấy lắm nhưng chẳng biết làm răng (sao)”, lấy chiếc khăn ấm cẩn trọng lau đôi tay gầy của vợ, ông Bính tâm sự.

…Tình già!

Vợ đổ bệnh, con cái cũng đã lớn nhưng chưa có “khôn”, ông Bính gánh trách nhiệm của người cha, người mẹ. Con cái thương cha, cũng động viên nhưng rồi cũng đến lúc phải “yên bề gia thất”. Lo cho con cái xong, vì cuộc sống khó khăn các con ông lại lăn lội khắp nơi mưu sinh khắp nơi. 

“Vợ chồng son” lại một mình trong ngôi nhà vắng quấn quýt bên nhau. Ngày lại ngày, vợ nằm một chỗ, mọi công việc liên quan đến vệ sinh cá nhân của vợ đều một tay ông Bính lo liệu. “Ban đầu cũng thấy khó vì khi tuổi thanh niên thì đi bộ đội. Lớn lên lấy vợ lại vào chiến trường, có bao giờ lo liệu việc bếp núc đâu. Những bà ấy đổ bệnh, mình làm dần rồi quen. Giờ thì mọi thứ liên quan đến bà ấy tôi đều làm hết. Người khác làm tôi không an tâm lắm”, ông Bính chia sẻ.

Nay đã gần tuổi 80 tuổi, hơn 20 năm qua việc chăm sóc vợ bị bệnh ông Bính vẫn vững vàng lo liệu. “Ngần ấy, ông ấy vẫn cáng đáng lo toan tất cả. Nghĩa vợ chồng họ khiến ai nhìn vào cũng cảm động. Lúc đói mùa giáp hạt, hàng xóm láng giềng cũng chỉ biết cho họ củ sắn, củ khoai hay đôi bát gạo. Ai ai cũng mong ông bà họ đỡ phần đói khổ. 

Hơn 20 năm nay nghĩa vợ chồng có lúc vơi, lúc đầy nhưng tình cảm của họ vẫn vẹn nguyên. Hiếm có người chồng nào mà chịu thương chịu khó chăm vợ ngần ấy năm như vậy lắm. 

Ông ấy làm mọi việc cho vợ từ việc tắm rửa, thổi cơm, giặt giũ quần áo. Nhiều việc tưởng chừng như cánh đàn ông không thể làm, ông Bính vẫn làm thành thạo cho vợ”, bà Nguyễn Thị Tuyến, người hàng xóm với ông Bính cảm phục nói.
Trọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét