Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Kỳ I: Phu vàng đi mua… gỗ lậu!


Gỗ nằm rải rác gần trụ sở xã Xiêng My

Bốn kiểm lâm bị bắt, trong đó có một hạt trưởng, 2 trạm trưởng và hiện 2 kiểm lâm khác cũng đang bị công an triệu tập khi liên quan đến xe chở gỗ lậu bị lật chết 10 người ở dốc Pù Huột, xã Bình Chuẩn (Con Cuông, Nghệ An). Đột nhập vào “rốn gỗ” Xiêng My (huyện Tương Dương)-nơi xuất phát số gỗ lậu trên, chúng tôi vẫn chứng kiến máu dân tiếp tục đỗ vì gỗ!

Kỳ I:
Đột nhập "rốn gỗ" Xiêng My! 

Gỗ tròn, gỗ khối, gỗ cũ, gỗ mới tựa thơm mùi nhựa nằm rải rác khắp nơi vào xã Xiêng My. Ngày lạnh giá, lang thang cùng với một phu vàng hóa thân thành kẻ buôn gỗ nơi miền tây xứ Nghệ mới thấy gỗ lậu vẫn nhiều và dễ mua như rau? Có vẻ, sau cái chết của 10 phu gỗ trên chuyến xe định mệnh ngày 07/12, gỗ vẫn là đề tài nóng và xót xa!

Qua điện thoại, anh bạn ở thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) chắc nịch: Gỗ lậu vẫn còn nhiều! Đường dài gần 200 cây số, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đi buôn!


Làm quen…

Tôi gặp Lô Văn Đại (*), người dân tộc Thái, chừng 38 tuổi sau gần 70 cây số thuê xe ôm phi vào “rốn gỗ” Xiêng My. Đại nhỏ thó nhưng cuộc đời sóng gió của hắn lại đáng nể. Ngồi sau xe, gió lạnh miền biên quất mưa sương ràn rạt vào mặt, tiểu sử của Đại dội về. Gần 10 năm trước, Đại theo đám bạn đi làm phu vàng ở bản Na Ngân (xã Nga My, Tương Dương). 
Nhìn tấm dong này mới biết cây rừng to đến mức nào đã bị đốn hạ

Bấy giờ, vàng và máu luôn đi liền với nhau. Những trận chiến giữa các phu vàng luôn xảy ra bởi sự xâm phạm thị phần lẫn nhau. Một lần như thế, Đại đánh chết người. Nhưng do tự vệ chính đáng nên Đại chỉ bị xử 10 năm tù tại trại 3 của Bộ công an (ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Chợt chuyện chùng xuống, xe máy dừng trên đỉnh dốc Yên Na. “Dừng tý anh. Lạnh quá mà lại ù tai nữa”, đứng ở điểm cao nhất của đỉnh núi nhìn xuống dòng sông sương, Đại nói. Giờ nhìn kỹ, tôi thấy Đại hiền, tử tế, chẳng giống một kẻ giết người.
  “Xã Xiêng My có 3 tộc người là Thái, Khơ Mú và Kinh. Có 694 hộ thì đến 578 hộ nghèo, chiếm 83%. Dân chủ yếu sống bằng đốt nương làm rẫy. Có hai bản là Noong Mò và Piêng Ồ thuộc vùng đệm và lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống”, ông Lô Xuân Tình-Chủ tịch UBND xã Xiêng My.
Gỗ nằm khắp nơi dưới nhà dân

Xe chúng tôi lại chạy. Hỏi Đại làm sao lại có “duyên” với nghề gỗ. Hắn bảo: “Duyên gì đâu. Ai nhờ dẫn đường đi mua gỗ thì chở thôi. Họ cho ít chục nuôi vợ con”. Đã được giới thiệu trước đó, Đại là cò gỗ rồi nhưng nghe hắn nói vẫn thấy cái sự khiêm tốn. Thụ án tù được gần 5 năm thì Đại được đặc xá trước thời hạn. 

Về quê, Đại không theo nghề phu vàng. Lấy vợ sinh con và hiện tại hắn khai hoang đất để trồng xoan (xoan đâu). “4 năm sau sẽ thu hoạch chừng 200 gốc xoan, bấy giờ cũng đủ tiền để cho con học cấp 3 rồi. Thi thoảng ai nhờ đi mua gỗ thì chở đi thôi”, Đại nói, đôi mắt sáng hắn snags lạ phóng xe vun vút vào nơi chúng tôi cần đến. Những cuộc ngã giá gỗ lậu được Đại bày tỏ, chỉ đường ngay sau đó.

…Dẫn đường…

Từ xã Yên Hòa (cách thị trấn Hòa Bình chừng 50 cây số) chúng tôi được Đại kẹp trên con Wawe tàu cọc cạch. Bộ nhông xích bị mòn kêu nhao theo vòng quay bánh xe và tiếng hỏi mua gỗ của Đại. Đi qua xã Nga My (Giáp với xã Xiêng My) bóng dáng những khối gỗ gọn ghẽ nằm ẩn hiện dưới những mái nhà sàn. Gỗ được bày lộ rõ chẳng phải che đậy. 
Dốc Pù Huột lạnh lẽo bởi bàn tờ dựng chông chên

“Gỗ nhiều thế sao kiểm lâm không bắt”, tôi hỏi. “Bắt không được đâu. Dân lấy lí do kiếm gỗ để làm nhà”, Đại giải thích với tôi bằng giọng tỉnh queo. Xe chúng tôi dừng, Đại bước xuống gặp một thanh niên ở bản Canh xã Nga My. Sau mấy giây trao đổi bằng tiếng Thái, Đại tấp xe vào một ngôi nhà sàn. Dưới chân nhà là đống gỗ đủ loại: 

Vuông vức có, tròn có xếp ngay ngắn. Sau khi hỏi người phụ nữ, Đại giải thích: “Chồng hắn đi vào khe rồi. Cứ xem gỗ đi, hắn về sẽ ngã giá sau”. Nhìn mấy cái cột dài chừng gần 6 mét mà theo Đại là Đinh Hương, người phụ nữ ra giá: 10 triệu đồng/cột. Sau lời hẹn sẽ gọi lại, Đại nháy mắt nói: Gần đây có bộ dong (Bộ phản) đẹp lắm!

Tôi lại leo lên xa Đại như một đứa trẻ theo bố mẹ đi chợ. Chẳng biết gì về lọai gỗ. Gặp gỗ là cứ hỏi Đại rồi ngã giá. Đại như một nhà “gỗ học” thuộc vanh vách. Rời xã Nga My sau khi ngã giá hàng chục nhà, đẩu đâu tôi cũng có thể mua được gỗ miễn là có tiền. 

Một nhà một kiểu: Nhà thì nhiều cột gỗ trai; nhà thì nhiều cột trường. Ấn tượng nhất đối với tôi đó là những bộ dong (Gọi là phản): Tấm dày gần 20 phân, dài hơn 3 mét, rộng một tấm 1,2 mét. Nhìn mê ly! Theo lời của Đại thì những thế cũng mấy chục triệu đồng. 

Tuy nhiên cũng còn tùy vào loại gỗ. Tại bản Piêng Ồ, Chon, Khe Quỳnh, Noong Mò… của xã Xiêng My-địa phương đã “xuất” số gỗ lậu trên chuyến xe bị lật chết 10 người vào sáng 07/12, gỗ cũng nằm nhan nhản dưới gầm nhà sàn. Vào đại một nhà dân, hỏi chuyện mua, rất dễ nhận được câu trả lời như ta mua rau vậy?  

Và gỗ lậu ở nhà bà hiệu trưởng!

Đường vào trụ sở xã Xiêng My bì nhòe đi bởi đất từ núi sạt xuống. Mưa, con đường càng khó khăn. Dọc đường vào, bóng dáng những thân gỗ còn tươi nhựa được đẹo gọn ghẽ vẫn nằm ngễnh ngãng. Cứ như cái sự xuất hiện của chúng là lẽ đương nhiên. 

Cách trụ sở UBND xã này mấy bước chân, nhưng cột gỗ lớn vẫn nằm la liệt. Hỏi chuyện mua: Câu trả lời vẫn y nguyên đó là “chừng nào anh lấy”, kèm theo là giá tiền tươi tóc thật. Trong câu chuyện những người dân bản địa, tôi nghe tin mới rằng sáng nay (Sáng hôm chúng tôi vào xã Xiêng My là sáng 15/12) anh Quang Văn Dậu, 30 tuổi ở bản Cha Hia đã chết vì vào rừng khai thác gỗ lậu. Vậy là trong lúc tiếng nỉ non của 10 phu gỗ thiệt mạng cách đó hơn một tuần chưa ngớt thì tại “rốn gỗ” Xiêng My máu dân vẫn đỗ xuống.
Đường vào Xiêng My

Ông Lô Xuân Tình 
Ông Lô Xuân Tình-Chủ tịch UBND xã Xiêng My làm việc với phóng viên bằng sự ngại ngùng và sợ. Nói gì thì nói sau vụ tai nạn làm chết 10 người, nguồn gốc gỗ lậu được bốc từ xã Xiêng My nên ông chủ tịch cũng khó xử. Theo ông Tình thì số gỗ được bốc trong đêm là của ông Ngô Văn Bình ở bản Chon (Không phải bản Piêng Ồ như đã thông tin). 

Nhà người dân này nằm bên quốc lộ 48C và cách trụ sở UBND xã chừng 6 đến 7 cây số. Điều đáng nói là vợ của chủ gỗ này là bà Đặng Thị Hồng-Hiệu trưởng Trường mầm non Xiêng My. Ngoài số gỗ đã bốc đi thì sau khi chiếc xe gỗ lậu bị tai nạn xảy ra, ngành chức năng đã tiếp tục kiểm tra và tạm giữ hơn 9 khối gỗ thuộc nhóm 2 đến nhóm 7 ở nhà ông Bình này. Hiện chưa có kết luận cuối cùng từ công an, nhưng nhìn lượng gỗ lớn như thế, dễ thấy nhà bà hiệu trưởng này là “động” gỗ lậu ở ngay giữa “rốn gỗ” miền tây Nghệ An.

Trời về chiều. Mưa nhẹ hạt. Tôi cùng Đại đứng lặng ở dốc Pù Huột (xã Bình Chuẩn, Con Cuông cách xã Xiêng My gần 10 cây số) nhìn những chân hương đỏ cắm vội trên chiếc bàn thờ gỗ dựng chông chênh bên vệ đường. Chợt thấy rùng mình!
Trọng Đức


 “Để triệt để rất khó”

Ông Lữ Văn Chôm-Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương đã khẳng định như thế khi nói về việc xử lý chuyện khai thác gỗ lậu của người dân. “Tính đến ngày 8/12/2011, chúng tôi đã phát hiện và xử lý 85 vụ vi phạm, tổng số lâm sản tịch thu hơn 110 m3 gỗ các loại. Tổng tiền phạt và bán lâm sản tịch thu hơn 1 tỷ đồng và đã nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước. Việc xử lý dân khai thác gỗ lậu triệt để là rất khó mà chúng tôi chỉ hạn chế đến mức thấp nhất”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét